Cần lớn nhưng đừng quên nhỏ lẻ
- Thứ tư - 29/03/2017 22:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giải bài toán thị trường
Tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 tổ chức ngày 28/3/2017 vừa qua, các chuyên gia cho rằng vấn đề hạn điền – một trong những vấn đề được truyền thông mạnh mẽ gần đây như là một rào cản lớn nhất đối với phát triển nông nghiệp – lại không phải là vấn đề chính yếu.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Nông thôn, Ban Kinh tế trung ương, hạn điền không phải là một cản trở chính hiện nay (vì với DN thì không hạn chế - trừ đất lúa, còn với các hộ nông dân và cá nhân thì quy mô vượt quy định mức trần cho phép chỉ rất ít). Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, thành viên Liên minh Nông nghiệp cho biết, đi thực tế nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, số hộ gia đình có trong tay vài chục ha để trồng thanh long, trồng điều, nuôi tôm… không phải hiếm. Điều đó cho thấy không phải vì hạn mức hạn điền mà không tích tụ được ruộng đất.
Theo ông Tiến, ngáng trở chính lúc này chính là quy mô sản xuất nhỏ và làm sao tích tụ tập trung đất đai thông qua các hình thức như hợp tác xã hay các DN liên kết với nông dân để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Các chính sách cần tập trung vào tăng được quy mô sản xuất nông hộ, như khuyến khích nông dân gom nhau lại để thực sự trở thành những người sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Quan trọng hơn là liên kết được các hộ trong các hợp tác xã với DN để đưa các sản phẩm ra thị trường.
“Bởi chỉ có DN mới có thể đầu tư quy mô cho khoa học công nghệ, có tiềm lực về vốn để phát triển thị trường và đảm bảo xây dựng được các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường” – ông Tiến nói.
Còn theo bà Minh, đúng là nhìn chung người nông dân tương đối bảo thủ trong thay đổi tư duy nhưng không phải là họ không thể thay đổi, miễn là họ phải chạm tới được các lợi ích thực sự. Dẫn mô hình trồng rau sạch hữu cơ của các hộ nông dân ở Sóc Sơn khi họ đã tự kiểm soát nhau rất tốt trong các khâu trồng, chăm bón tới giá bán sản phẩm, bà Minh cho rằng: “Nếu người nông dân thấy lợi ích thiết thực, họ sẽ thay đổi”.
Theo GS-TS. Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, việc đưa được các hộ nông dân “vô” hợp tác xã sẽ giải quyết được câu chuyện hạn điền. Hơn nữa, nó cũng giúp giải quyết được câu chuyện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và sản phẩm khó có thương hiệu cũng như chỗ đứng vững chắc trên thị trường hiện nay. Bởi khi đó, người nông dân vẫn vừa có đất của mình, vừa sản xuất, nuôi trồng các sản phẩm có thương hiệu theo chương trình hợp tác với DN, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Do đó, GS,TS. Võ Tòng Xuân cho rằng, các thể chế, chính sách cần hướng tới gắn lợi ích, trách nhiệm của người nông dân và DN. Trong đó, các DN sẽ đặt ra các yêu cầu kỹ thuật đối với người nông dân để họ làm ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Ngược lại, để tránh tình trạng “bẻ kèo”, phá bỏ hợp đồng thu mua cho nông dân thì các DN cũng phải cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm khi người nông dân đã tuân thủ tốt.
Điều này vừa đòi hỏi các DN phải là những DN có tâm, có tài trong tìm kiếm duy trì các thị trường đầu ra, vừa phải sát cánh cùng với nông dân, sẵn sàng hỗ trợ nông dân về kỹ thuật để họ không vì tư duy, kinh nghiệm “cha ông bảo thế” mà lại áp dụng các cách làm lạc hậu sai kỹ thuật hay thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Song hành và kết nối
Chủ trương phải tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, khuyến khích đầu tư khoa học công nghệ vào khu vực nông nghiệp nông thôn của Chính phủ trong thời gian qua đã mang lại những kết quả bước đầu.
Tư duy chỉ nông dân và người nghèo mới phải làm nông nghiệp đang thay đổi khi danh sách các DN, trong đó có nhiều DN tư nhân lớn đầu tư vào nông nghiệp ngày càng dài thêm.
Tuy nhiên, theo TS. Andrew Wells-Dang, chuyên gia cao cấp thuộc Oxfam Việt Nam, một quan ngại đặt ra là, nếu cho rằng chỉ hóa chất, công nghệ và đi kèm với đó là những khoản đầu tư lớn sẽ giúp giải quyết được tất cả mọi vấn đề của ngành nông nghiệp thì có thể sẽ sai lầm.
Bởi nếu không cẩn thận “điều này sẽ dẫn đến việc đào thải rất nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, biến họ trở thành những người làm thuê trên chính mảnh đất đã từng thuộc sở hữu của mình và nhiều người khi không nhìn thấy một tương lai tươi sáng trong ngành nông nghiệp sẽ khuyến khích con cái mình tìm kiếm việc làm ở các ngành khác. Nó cũng đem đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường mà người dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ ràng hơn” - TS. Andrew Wells-Dang cảnh báo.
Để tránh những rủi ro như vậy, chuyên gia này khuyến nghị cần lựa chọn những chính sách nông nghiệp lấy người dân làm trung tâm, những chính sách bền vững hơn giúp tăng thu nhập của người nông dân, giảm bất bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và an ninh lương thực.
Chia sẻ quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mô hình hộ gia đình và sản xuất nhỏ ở nông thôn sẽ còn tồn tại nhiều năm nữa. Do đó, cần có những chính sách làm sao kết hợp được cả sản xuất nhỏ và sản xuất lớn trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp thật tốt giữa phát triển nông nghiệp với du lịch bởi nhiều giá trị văn hóa, du lịch nằm ở nông thôn.
“Theo đánh giá của tôi, nếu chúng ta kết hợp tốt thì những lao động nhỏ lẻ, hộ gia đình nhỏ lẻ có thể tạo ra giá trị có thể còn lớn hơn cả các trang trại lớn. Đơn cử khi khách du lịch đến các vùng miền nông thôn, thay vì những sản phẩm hàng hóa mua từ siêu thị, họ sẽ muốn ăn các loại rau quả ở vườn ông trồng, ăn con cá dưới ao do chính ông nuôi hay được nghe những tiếng cồng chiêng, ca hát của chính người dân làng chứ không phải các nghệ sĩ chuyên nghiệp…
Đấy chính là những giá trị bền vững và trách nhiệm đối với một bộ phận dân cư rất lớn sẽ còn tồn tại hàng thế kỷ nữa ở Việt Nam. Và trong quá trình tìm kiếm, xây dựng những trang trại lớn, công nghệ cao thì chúng ta vẫn cần khuyến khích, duy trì các hộ nông dân nhỏ lẻ như vậy ” – TS. Nghĩa nói.