Cần những chính sách hỗ trợ về sinh kế
- Thứ bảy - 13/01/2018 03:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bảo đảm việc làm bền vững cho phụ nữ DTTS được xem là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao vị thế của người phụ nữ
74% nam giới đứng tên sở hữu đất đai và tín dụng
Kết quả phân tích số liệu về phụ nữ và nam giới của các dân tộc Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam thông qua lăng kính giới do Ủy ban Dân tộc và cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện mới đây cho thấy, trong tổng số hơn 13 triệu người dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta hiện nay, phụ nữ chiếm 49,8%.
Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ DTTS đang là nhóm đối tượng yếu thế. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu sự bất bình đẳng về giới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Trong đó, bất bình đẳng dễ nhận biết nhất là nam giới được coi là người chủ trong gia đình khi có tới 74% nam giới ở các hộ gia đình DTTS đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai, tín dụng. Sau khi kết hôn, nam giới vẫn được ưu tiên đi học, còn phụ nữ phải ở nhà thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ.
Theo bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc), tỷ lệ chung của các dân tộc biết đọc, biết viết từ 15 tuổi trở lên là 94,7%, trong đó người Kinh/Hoa là 99,1%. Nếu nam DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết là 86,3%, trong khi đó tỷ lệ nữ chỉ 73,4% biết đọc, biết viết. Những trường hợp bỏ học thường tảo hôn hoặc có nguy cơ tảo hôn. “Trong khi nhiều trẻ em nam DTTS sau khi kết hôn vẫn tiếp tục đi học thì hầu hết trẻ em nữ phải nghỉ học ở nhà để thực hiện các “thiên chức” của phụ nữ. Với quan niệm truyền thống coi trọng con trai hơn con gái, nên tại nhiều DTTS, ưu tiên học hành của các gia đình thường dành cho con trai”- bà Tư cho hay.
Ngoài ra, bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, nhất là ở những dân tộc phụ hệ. Kết quả phân tích nêu rõ, 58,6% phụ nữ DTTS từ 15 đến 49 tuổi tin rằng, chồng có quyền đánh vợ nếu vợ ra ngoài mà không xin phép, cãi chồng, từ chối quan hệ tình dục hoặc làm cháy thức ăn..., trong khi rất hiếm phụ nữ người Kinh chấp nhận điều này.
Tạo điều kiện để phụ nữ DTTS tham gia công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Để tạo sự bình đẳng, hạn chế chênh lệch về giới ở vùng DTTS, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới (BĐG) và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia BĐG.
Đề án phấn đấu 100% số cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, 50% số cán bộ làm công tác liên quan BĐG ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng DTTS có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống được phổ biến pháp luật về BĐG và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG. Phấn đấu 80% số gia đình đồng bào DTTS rất ít người được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về BĐG…
Có thể thấy, việc ban hành Đề án thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ vùng DTTS. Nhưng có một thực tế đó là dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu việt nhưng việc triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng. Đã có nhiều chiến dịch, cuộc vận động, tập huấn… về bất bình đẳng giới được tổ chức trên quy mô lớn tại các tỉnh có đồng bào DTTS sinh sống, nhưng số phụ nữ DTTS được đi học, có việc làm ổn định vẫn là con số khá ít ỏi và khiêm tốn.
Tại hội thảo “Vấn đề bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay” chỉ ra nguyên nhân dẫn tới bất bình đẳng giới ở vùng DTTS ngày càng gia tăng, TS Nguyễn Mạnh Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, đây là vùng kinh tế chậm phát triển, nông nghiệp năng suất thấp, điều kiện sống thấp kém. Điều này đã tạo ra những tổn thương kép đối với cả hai giới. Cả nam nữ đều cần được quan tâm, tạo cơ hội học hành, nâng cao nhận thức, tuy nhiên phụ nữ DTTS vẫn là đối tượng chịu tổn thương nhiều hơn. Cùng với đó, bản thân những phụ nữ này không cảm nhận được vấn đề bất bình đẳng giới do phong tục tập quán, định kiến giới đã ăn sâu vào tiềm thức họ.
Để đảm bảo bình đẳng giới ở đồng bào DTTS, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết cần tạo sự phát triển năng động trong kinh tế vùng DTTS bằng cách kêu gọi đầu tư, cải thiện kinh tế, tạo sinh kế cho người dân vùng DTTS. Trong đó phải tạo điều kiện để phụ nữ DTTS được tham gia tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để gỡ cho phụ nữ DTTS đang bị công việc gia đình đè nặng. Đặc biệt, cần thúc đẩy công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức giới, khắc phục, hạn chế, loại bỏ dần những phong tục tập quán cổ hủ.
Theo Khanh Lê/daidoanket.vn