Cần tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận vốn nông nghiệp CNC

Cần tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận vốn nông nghiệp CNC
Trước mắt, để đáp ứng được nguồn vốn phát triển các hợp tác xã (HTX) ứng dụng CNC, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn đề xuất bố trí 300 tỷ đồng vốn đầu tư cho các HTX nông nghiệp trong nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai.

Tại Hội nghị Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong các HTX nông nghiệp tổ chức tại Lào Cai ngày 17/1/2018, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngành Nông nghiệp xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trở thành xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp. 

Mô hình ứng dụng CNC vào nuôi, chế biến cá nước lạnh đang mang lại hiệu quả cao cho HTX Minh Đức (Lào Cai)

Hiện nay việc ứng dụng nông nghiệp CNC trong các HTX nông nghiệp đã diễn ra phổ biến ở các vùng trong cả nước. Đa số các tỉnh đều đã xuất hiện các mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng CNC có hiệu quả. Hiện cả nước có tổng số 193 HTX nông nghiệp có ứng dụng CNC. Một số tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư phát và có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp triển nông nghiệp ứng dụng CNC như Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An, Hà Tĩnh… 

Các lĩnh vực sản xuất của HTX ứng dụng CNC phổ biến là sản xuất rau, trái cây, an toàn; sản xuất giống cây trồng; sản xuất hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017, giao NHNN Việt Nam chỉ đạo các NHTM, chủ lực là các NHTM Nhà nước, dành khoảng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch với lãi suất ưu đãi.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 32.339 tỷ đồng với 3.957 khách hàng là cá nhân và 168 doanh nghiệp. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là 27.737 tỷ đồng (bằng 86% tổng dư nợ).

Các HTX ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết

Là ngân hàng tiên phong trong việc tư vấn đầu tư và cấp tín dụng cho các DN ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua BacA Bank đã đầu tư vốn cho nhiều dự án thành công. Ông Võ Văn Quang - Phó tổng giám đốc BacA Bank cho biết, với những thành công mà BacA Bank đầu tư như dự án như nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp và chế biến sữa TH trueMILK tại Nghệ An, dự án bảo tồn và chiết xuất dược liệu sạch đang có sản phẩm bán ở Mỹ, các dự án trồng rừng và chế biến gỗ MDF, dự án trồng hoa và rau sạch trong nhà kính… 

BacA Bank đang tiếp tục tư vấn cho các DN để phát triển quy mô mở rộng mạng lưới rộng khắp cả nước. Đây cũng là cơ hội để các HTX ra đời và phát triển trong sự liên kết chặt chẽ không thể tách rời giữa DN và các HTX trong chuỗi giá trị gia tăng bằng nguồn cung ứng vốn và đầu tư từ ngân hàng.

Trên thực tế, việc đầu tư ứng dụng CNC cần nguồn vốn lớn, nhưng theo ông Ma Quang Trung, mặc dù Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng việc áp dụng cho các HTX nông nghiệp còn hạn chế.

Nhằm khắc phục những khó khăn về vốn, các tỉnh đã vận dụng các chính sách hiện hành để hỗ trợ cho HTX. Có nhiều chính sách hỗ trợ đã được áp dụng cho các HTX nông nghiệp như: Xây dựng thương hiệu, logo, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp; Xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm; Hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng; và hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh của các HTX... Hiện đã có 15 tỉnh có hỗ trợ 80 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng kinh phí đầu tư là 55.610 triệu đồng. Bình quân mỗi HTX được hỗ trợ 695 triệu đồng. 

Với xu thế hội nhập, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Phấn đấu từ nay đến năm 2020, cả nước có 500 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất. Nâng giá trị sản lượng của các sản phẩm nông nghiệp sản xuất nhờ ứng dụng CNC lên gấp 5 lần so với hiện nay và thu nhập/đơn vị diện tịc hay đơn vị sản phẩm tăng từ 1,5 lần hiện nay lên 3,0 lần so với sản phẩm thông thường (không áp dụng CNC).

Để đáp ứng được nguồn vốn phát triển các HTX ứng dụng CNC, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn đã đề xuất bố trí 300 tỷ đồng vốn đầu tư cho các HTX nông nghiệp trong nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư để hỗ trợ các HTX ứng dụng CNC trong nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, các NHTM tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi theo Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 813/QĐ-NHNN của NHNN để đầu tư phát triển nông nghiệp CNC.