Cơ giới hóa nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. (Ảnh: KV).
 
Theo Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Lê Văn Bảnh, thời gian qua, cơ giới hóa nông nghiệp đã có nhiều bước phát triển về số lượng, loại máy. Mức độ cơ giới hóa một số khâu tăng lên rõ rệt, trong đó làm đất lúa đạt 93%, gieo cấy đạt 30%, chăm sóc đạt 65%, thu hoạch lúa 42%. Đặc biệt vùng sản xuất lúa hàng hóa Đồng bằng sông Cửu Long, khâu thu hoạch lúa đạt 76%, sấy chủ động lúa trên 60%, đáp ứng tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất lúa.

 

Bên cạnh đó, theo số liệu của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ diesel công suất đến 30 mã lực (HP); năng lực 40.000 chiếc/năm, chiếm khoảng 30% thị phần trong nước. Trong đó, riêng với máy chế biến cà phê, những năm gần đây đã sản xuất chế tạo được các thiết bị chế biến, cung cấp hơn 80% khối lượng cho nhu cầu thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu đến các nước khu vực Đông Nam Á, các nước châu Mỹ, châu Phi. Đồng thời, ngành cũng đã chế tạo được hệ thống thiết bị chế biến mủ cao su, hệ thống ươm tơ cơ khí, guồng lại tơ cỡ 5-30 tấn/năm.

Tuy vậy, thực tế hiện nay, công tác cơ giới hóa trong hoạt động nông nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Theo Cục trưởng Lê Văn Bảnh, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 186/2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002 về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, khả năng đáp ứng của ngành cơ khí mới đạt 32,58% (thấp hơn mục tiêu của chiến lược là 40-50% vào năm 2010). Lĩnh vực chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo quản chế biến nông, lâm, thủy sản cũng nằm trong tình trạng tương tự với ngành cơ khí chế tạo cả nước.

Trong đó, có thể thấy một số loại máy nông nghiệp có tính năng kỹ thuật tương đối tiên tiến như: Máy kéo trên 30HP, máy cấy, gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, máy đốn, hái chè, máy thu hoạch mía vẫn còn phải nhập khẩu. Đối với cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, mặc dù một số khâu có mức độ cơ giới hóa cao nhưng vẫn còn thiếu bền vững, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Riêng cơ giới hóa ở cây lúa mới chỉ tập trung ở một số khâu và chưa đồng bộ.

Đáng chú ý, theo khảo sát của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch ở 92 cơ sở chế tạo máy nông nghiệp thuộc 15 tỉnh, thành phố, đại diện cho 7 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước cho thấy, có đến 21% cơ sở có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng, gần 37% từ 1-5 tỷ, 10% từ 5-10 tỷ, chỉ có 17% cơ sở có doanh thu trên 20 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, năng lực sản xuất và kinh doanh của các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp còn rất nhỏ so với các lĩnh vực cơ khí chế tạo khác.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có tới 47% trang thiết bị chế tạo trong tình trạng đã cũ và 6% trang thiết bị chế tạo đã lạc hậu. Trang thiết bị chế tạo hiện đại chiếm tỷ lệ rất nhỏ với 5%; có tới 42% trang thiết bị tiên tiến song có rất ít trang thiết bị có nguồn gốc từ các nước phát triển.

Về năng lực thiết kế, hơn 50% các doanh nghiệp chế tạo thiết kế sản phẩm máy và thiết bị bằng thủ công, chỉ có ít cơ sở mua phần mềm thiết kế tiên tiến (7%). Về năng lực chế tạo, chỉ có 3,4% các doanh nghiệp chế tạo có năng lực chế tạo loạt lớn, 40% các doanh nghiệp chế tạo loạt vừa, còn lại là đơn chiếc và loạt nhỏ. Về năng lực lắp ráp, có tới 89% cơ sở lắp ráp thủ công đơn lẻ, còn lại là dây chuyền bán tự động. Không có cơ sở điều tra nào có dây chuyền lắp ráp máy và thiết bị tự động.

Để tạo động lực cho ngành cơ giới hóa trong nông nghiệp phát triển, theo Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản thủy sản và Nghề muối Lê Văn Bảnh, cần huy động tối đa nguồn lực của xã hội để đầu tư cho cơ giới hóa. Đồng thời, cần tạo ra cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, mang tính trọng điểm để thu hút đầu tư vào cơ giới hóa. Trong đó, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp cần gắn với các nguồn tổng hợp đang được huy động cho xây dựng nông thôn mới, đồng thời cần dựa trên tính cạnh tranh của công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Chu Văn Thiện (Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch), cần nâng mức hỗ trợ một số loại máy và thiết bị đã sản xuất được trong nước cao hơn so với các máy và thiết bị nhập khẩu để thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Việc thay đổi mức hỗ trợ cần theo một lộ trình nhất định và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của người dân.

Cùng với đó, rất cần gắn việc hỗ trợ máy nông nghiệp với hình thức hợp tác, khuyến khích dịch chuyển máy từ vùng này đến vùng khác theo thời vụ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và đầu tư máy nông nghiệp. Về khoa học và công nghệ, cần gắn hoạt động nghiên cứu với chuyển giao; đổi mới phương thức hỗ trợ các Viện Nghiên cứu sang hướng kết hợp giữa cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp. Chú trọng các nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp, tạo sản phẩm thương mại hóa.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả sử dụng máy nông nghiệp, theo ThS. Vũ Văn Long - Giám đốc Trung tâm Giám định máy và Thiết bị (Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch), cần nghiên cứu ban hành quy định về việc khảo nghiệm mẫu đối với các máy móc, thiết bị cơ điện nông nghiệp trước khi đưa vào sử dụng; ban hành các quy định về việc kiểm tra, giám sát chất lượng máy móc thiết bị cơ điện nông nghiệp khi nhập khẩu, chế tạo xuất xưởng và trong sử dụng. Đồng thời, cần lựa chọn một số đơn vị chuyên ngành có điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, có chuyên môn và kinh nghiệm thực hiện hoạt động khảo nghiệm, giám định máy móc, thiết bị cơ điện nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực thử nghiệm đạt chuẩn tương đương với các phòng thử nghiệm máy nông nghiệp trong khu vực./.

Theo BT/dangcongsan.vn