Cần tạo đột phá trong sản xuất
- Thứ năm - 13/03/2014 03:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
7 xã "trắng' tiêu chí
Cầm tập báo cáo dầy hơn 16 trang, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lọc nhanh những chi tiết mà ông cho rằng đó là điểm nhấn mà Chương trình NTM đạt được trong năm 2013. Trong 3 năm (2011- 2013), ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho 59 tỉnh, bộ, ngành là 4.980 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 44.579 tỷ đồng (thấp hơn 33,3% so với dự kiến). Có 93,1% số xã trong cả nước hoàn thành quy hoạch chung, trong đó cao nhất là Bắc Trung Bộ đạt 99,9%; ĐBSH đạt 99,6%; Tây Nguyên đạt 92,3%; ĐBSCL đạt 90%...
Đặc biệt về phát triển SX, các tỉnh, thành đều quan tâm đến tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn gắn với nâng cao thu nhập của người dân theo mục tiêu xây dựng NTM như: Hà Nội, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, An Giang, Đồng Tháp. Nhiều địa phương cũng xúc tiến công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng SX hàng hóa; mô hình “cánh đồng mẫu lớn” triển khai rộng tại 43 tỉnh, thành phố với khoảng 100.000 ha hay mô hình “cơ giới hóa SXNN”.
Hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản đang có bước phát triển mới, gắn kết nông thôn SX nguyên liệu với nhà máy chế biến và DN thương mại, mô hình SXNN gắn với du lịch nông thôn, xây dựng làng sinh thái, làng cổ truyền thống.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ ra điểm nổi bật khi các tỉnh đều áp dụng chính sách hỗ trợ xi măng, cống (chiếm 50% kinh phí xây dựng), cộng đồng dân cư hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp tiền, công lao động và vật liệu khác nên đã thúc đẩy tiến độ phát triển giao thông nhanh hơn trước. Bên cạnh đó, đã nâng cấp hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung, 500 bãi thu gom rác thải, 1.200 cống rãnh thoát nước thải vệ sinh, nâng cấp 480 trường học, xây dựng mới 516 nhà văn hóa…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát lo ngại khi vẫn còn 7 xã “trắng” về tiêu chí, tập trung ở vùng miền núi phía Bắc. Một số địa phương còn có mức phấn đấu tăng tiêu chí hằng năm rất chậm như: Điện Biên (tăng 0,47 tiêu chí); Cao Bằng (tăng 1,5 tiêu chí); Sơn La (tăng 1,8 tiêu chí). Đồng thời mức độ phấn đấu đạt tiêu chí NTM hằng năm rất khác nhau giữa các vùng, thấp nhất là vùng trung du, miền núi phía Bắc (trung bình 6,62 tiêu chí) và Tây Nguyên (trung bình 7,3 tiêu chí).
Tỉnh Quảng Trị phát động "Chung sức xây dựng NTM năm 2014"
Ly nông không ly hương
Khó khăn còn nhiều nhưng để năm 2014 có từ 600-700 xã đạt chuẩn NTM, cả nước đạt bình quân 10 tiêu chí/xã và 5% số xã đạt dưới 5 tiêu chí, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu trong quý I/2014 phải hoàn thành văn bản hướng dẫn thực hiện nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, làm căn cứ triển khai, giám sát, đánh giá việc sử dụng nguồn vốn này ở các địa phương.
Kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM năm 2013: - 144 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số xã) - 562 xã đạt từ 15- 18 tiêu chí - 2. 608 xã đạt từ 10-14 tiêu chí - 4.174 xã đạt từ 5-9 tiêu chí - 1.520 xã đạt dưới 5 tiêu chí |
BCĐ các cấp phải đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, coi trọng việc phổ biến những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng NTM. Các địa phương phải ưu tiên lựa chọn triển khai các công trình hạ tầng cơ bản, thiết yếu như giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch, trong đó ưu tiên các công trình cấp thôn hoặc trực tiếp gắn với SX và đời sống người dân.
Song, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm khi người đứng đầu ngành Nông nghiệp chỉ cụ thể các bước đột phá trong phát triển SX để có thể tiếp tục Chương trình xây dựng NTM trong năm nay. Đó là, mỗi xã có ít nhất 1-2 dự án phát triển SXNN hàng hóa tập trung vào những ngành hàng, sản phẩm mà xã đang làm, có lợi thế cạnh tranh và gắn liền với đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Các tỉnh hoàn thiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững bằng cách coi khoa học là then chốt, đề ra được cơ chế, chính sách để ứng dụng KHCN vào SXNN, nhất là khâu giống, quy trình canh tác, tưới, bón phân, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp theo, là khuyến khích DN đầu tư vào SXNN, công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn nông thôn, trong đó chú trọng cả loại hình công nghiệp chế biến tiên tiến và công nghệ thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ theo phương châm “ly nông không ly hương”.
Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo nghề, tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM theo hai hướng: hướng dẫn lao động trực tiếp SX ứng dụng KHCN nhằm tạo ra hàng hóa có năng suất, chất lượng. Đồng thời đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn gắn với nhu cầu của DN.
Ngoài ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu các địa phương tập trung ưu tiên giải quyết môi trường rác thải, nước thải nông thôn; đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và nâng cao chất lượng tập huấn kiến thức NTM cho cán bộ cơ sở và thực hiện bình đẳng giới, nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ nông thôn.
Tán thành báo cáo của Bộ NN-PTNT và các thành viên Ban Chỉ đạo, tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu ngay sau cuộc họp này phải tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm "Cả nước chung sức xây dựng NTM".
Cũng theo Phó Thủ tướng, còn tồn tại một số cơ chế chính sách chưa phù hợp với điều kiện phát triển các vùng nên cần rút kinh nghiệm, một số mô hình cần nhân rộng còn hạn chế. Song, quan trọng nhất là nguồn lực, nếu huy động quá nhiều từ người dân lại càng lo hơn vì sẽ trả họ thế nào đây nếu địa phương đó không phát triển? Bên cạnh đó, chính sách xây dựng NTM thì như nhau nhưng cách vận dụng như thế nào mới là quan trọng.
+ Cố vấn Chương trình MTQG xây dựng NTM Lê Huy Ngọ: Không thể phát triển theo phong trào Cần bổ sung tiêu chí xây dựng NTM là sự hài lòng của người dân bởi nông dân chính là đối tượng hưởng thụ NTM nên họ phải có quyền đánh giá chất lượng. Và giao cho Mặt trận Tổ quốc VN làm nhiệm vụ giám sát, phản biện. NTM phải khoa học, không thể phát triển theo phong trào nói chung. Nên tập trung làm nông nghiệp hàng hóa, đưa KHCN vào nông nghiệp nhằm tạo thu nhập cao cho người dân. Có vậy mới hy vọng xoay chuyển cánh cửa NTM ngày càng rộng hơn, đẹp hơn, vững chắc hơn. Cái này phải được coi là đột phá trong xây dựng NTM + Cố vấn Chương trình MTQG xây dựng NTM Hồ Xuân Hùng: Sẽ thị sát 7 xã “trắng” tiêu chí Sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ đi kiểm tra 7 xã “trắng” về tiêu chí NTM, tập trung ở vùng núi phía Bắc. Song, điều tôi lo nhất, phần lớn các xã miền núi còn nợ tồn quy hoạch bởi với mức kinh phí 150 triệu đồng/xã chỉ phù hợp khu vực đồng bằng. Vì hết tiền nên những xã này không có kinh phí cắm mốc chỉ giới nên xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm xây dựng vào diện tích đã quy hoạch. Cái này, Ban Chỉ đạo cần vào cuộc để xây dựng quy chế quản lý quy hoạch trong xây dựng NTM. Thời gian tới nên hoàn thiện sớm các văn bản, nhất là hướng dẫn xây dựng NTM nhằm giảm bớt thắc mắc; không nên sửa tiêu chí mà có hướng dẫn mềm xây dựng NTM. Bởi một trường học vừa xây xong nhưng nếu áp cứng theo các tiêu chí NTM thì không đạt, song vẫn có thể xem xét bởi địa phương này không đơn giản khi huy động vốn để xây dựng ngôi trường này cho con em họ. Ngoài ra, cần có tổng kết đánh giá những mặt làm được, chưa làm được của các địa phương trong việc xây dựng NTM. |