Cần vai trò giám sát của toàn bộ nhân dân

(HQ Online)- Liên quan đến tình trạng bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo hay đề bạt công chức tràn làn, bổ nhiệm vượt số lượng quy định mà báo chí phản ánh tại một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết , Bộ đang thực hiện thanh tra công vụ và sẽ có báo cáo ngay khi có kết quả.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 ngày 29-10, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã có trao đổi với báo chí xoay quanh câu chuyện bổ nhiệm, đề bạt công chức.

Vừa qua báo chí có đề cập đến việc Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương có 44/46 vị trí công chức là lãnh đạo, chỉ có 2 chuyên viên. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra công vụ. Việc này đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Nội vụ tiến hành các hoạt động thanh tra công vụ để xác minh các thông tin mà báo chí và dư luận đã phản ánh. Trên cơ sở đó đánh giá những việc thực hiện bổ nhiệm cán bộ công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý xem có đúng các quy định của pháp luật không. Và trên cơ sở đó, căn cứ vào từng vụ việc một, mức độ, tính chất vi phạm đến đâu thì sẽ kiến nghị với các cơ quan xem xét xử lý đến đó.

Riêng về vụ việc của Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương, Bộ Nội vụ đã khẩn trương chỉ đạo và ban hành Quyết định số 672 ngày 24-10-2016 về việc tiến hành thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức, bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng, số lượng phó trưởng phòng và việc ký hợp đồng làm công tác chuyên môn tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương. 

Việc thanh tra đột xuất này sẽ tiến hành trong thời kỳ từ ngày 1-1-2014 đến 15-10-2016 và thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Trước tình hình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ hiện nay, xin ông cho biết Bộ Nội vụ có kế hoạch mở rộng thanh tra công vụ không?

Về trách nhiệm của Bộ Nội vụ, hiện trước mắt Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra đối với các vụ việc mà báo chí đã nêu, không chỉ riêng với Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương mà còn ở một số bộ, ngành và địa phương khác. 

Bên cạnh đó, để khắc phục những vấn đề mà báo chí và dư luận nêu liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đang tiến hành rà soát lại các nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, trên cơ sở đó có những sửa đổi, bổ sung để bảo đảm quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng bổ nhiệm, tránh được những vấn đề mà dư luận và báo chí đã phản ánh.

Để ngăn chặn tình trạng bổ nhiệm người thân, đề bạt cán bộ tràn lan, theo ông, cần có những biện pháp như thế nào?

Trước hết, việc bổ nhiệm cần thực hiện theo đúng quy định trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu trong việc bổ nhiệm vào các vị trí quản lý thuộc phạm vi phụ trách.

Tuy nhiên, bổ nhiệm ai, như thế nào cũng phải đảm bảo bổ nhiệm đúng quy định pháp luật, trong đó có pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Hơn nữa, việc bổ nhiệm cần trên tinh thần như Thủ tướng đã nói “chúng ta tìm người tài, chứ không tìm người nhà”. Trong tất cả công tác cán bộ, việc tuyển chọn người vào làm việc trong các cơ quan tổ chức phải theo nguyên tắc ai có đủ đức đủ tài được sử dụng, tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Xin ông cho biết trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc kiểm soát tình trạng này?

Bộ Nội vụ không thực hiện chức năng giám sát mà thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, bao gồm xây dựng thể chế, tổ chức hướng dẫn thực hiện, kiểm tra thanh tra, giải quyết các khiếu nại tố cáo… Khi đã phân cấp rồi thì Bộ không can thiệp, khi có vấn đề bị làm sai, Bộ Nội vụ sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xác định tính chất mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, việc phát hiện sai phạm của các bộ ngành, đơn vị không chỉ là trách nhiệm của mỗi cơ quan Nhà nước, mà còn có vai trò giám sát của nhân dân, của các cơ quan thông tấn, truyền thông, báo chí, của các tổ chức chính trị xã hội… đều có trách nhiệm. Ngay cả những cán bộ trong cùng một cơ quan cũng cần khắc phục tâm lý nể nang, tránh né để thực hiện vai trò giám sát.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 29-10, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng  (người phát ngôn Chính phủ) đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương (giai đoạn 2011-2016) và nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Theo ông Mai Tiến Dũng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chỉ đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ quan hành pháp, tư pháp vào cuộc điều tra xác minh làm rõ kết luận sai phạm trong điều động bổ nhiệm cán bộ liên quan đến Bộ Công Thương và ông Trịnh Xuân Thanh. Việc thông báo kết luận của UBKT về nguyên Bộ trưởng, nguyên Bí ban cán sự Đảng Bộ Công Thương là việc làm đáp ứng mong mỏi, yêu cầu của cán bộ Đảng viên phải làm rõ, công khai minh bạch trước dư luận và công chúng.

Vào ngày 25-10, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ sai phạm tập thể, cá nhân liên quan đến việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh.

Theo đó, tổ chức, cá nhân nào vi phạm đến đâu thì kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ xử lý theo quy định. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt nhất, vấn đề chống tham nhũng, lợi ích nhóm, chống các diễn biến, tự diễn biến, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các cơ quan hành pháp, tư pháp vào cuộc quyết liệt công khai xử lý đúng người đúng tội theo quy định pháp luật và sẽ công khai kết quả.

 

 

Hương Dịu (ghi)