Cánh đồng mẫu lớn: Nông dân xem trọng chữ tín
- Thứ ba - 26/08/2014 06:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: VGP/Vũ Hạ |
Để hiểu hơn về cánh đồng mẫu lớn, người viết đã tìm đến cái nôi đầu tiên, nơi phát xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn, đó là xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Tiếp chúng tôi là những nông dân ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình đã tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Bình (thành viên của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, thành lập năm 2010) đến nay đã hoàn thành giai đoạn thí điểm.
Doanh nghiệp phải làm đúng cam kết
Qua câu chuyện, người nông dân tỏ ra thích thú khi nói về lợi ích của cánh đồng mẫu lớn, bởi tham gia mô hình này, người nông dân luôn được cán bộ kỹ thuật của công ty tư vấn kỹ thuật trồng cấy, thời điểm phun thuốc và quan trọng hơn là được mua vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) không phải trả tiền ngay và không tính lãi trong 4 tháng.
Những nông dân này cho biết, họ cũng không bị bắt buộc phải mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón của công ty mà có thể mua ở các đại lý ở ngoài. Đây được xem là một điều khoản mở để nông dân không có cảm giác bị ép mua, còn phía công ty sẽ tránh được lời chỉ trích “làm cánh đồng lớn để bán vật tư nông nghiệp”.
Trước đây, đã có một số trường hợp thất bại khi làm cánh đồng mẫu lớn vì sau khi hai bên ký kết hợp đồng nhưng đến lúc thu hoạch, doanh nghiệp chần chừ không mua lúa của nông dân, vì lúc đó giá mua đã ký trong hợp đồng lại cao hơn giá thị trường. Điều này đã dẫn đến những kiện tụng và phàn nàn không đáng có. Thậm chí, nhiều người khi đó còn hoài nghi về tính khả thi của mô hình này.
Và để giải quyết vướng mắc, các doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn chọn cách là chỉ thống nhất giá mua lúa vào thời điểm cuối vụ. Nghĩa là khi vào vụ thu hoạch, doanh nghiệp và nông dân cùng tham khảo giá lúa trên thị trường để thống nhất giá mua và thường giá mua cao hơn giá thị trường từ 50 đồng/kg trở lên. Mức giá này có giá trị trong khoảng 3 ngày và sau đó, hai bên lại căn cứ giá thị trường để ấn định giá mua. Công ty Vĩnh Bình đang áp dụng cung cách này.
Ông Trương Văn Tài (xã An Hòa, một xã kế bên cũng thuộc huyện Châu Thành), người có 1,5 ha lúa cho biết, trước đây ông không tham gia cánh đồng lớn mà làm lúa theo kinh nghiệm bởi ông chưa tin vào mô hình này. Nay ông bắt đầu theo vì ông cho rằng tham gia cánh đồng mẫu lớn, nông dân sẽ không còn phải lo về kỹ thuật, lại được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên không sợ bị thương lái ép giá như trước nữa.
Theo ông Tài, trước đây, khi cánh đồng mẫu lớn mới được đưa vào thí điểm ở một số địa phương, nông dân chần chừ không muốn tham gia vì lo ngại không biết doanh nghiệp có làm đúng theo cam kết hay không. Nay, mọi việc đã rõ ràng, nông dân ai cũng muốn tham gia cánh đồng mẫu lớn vì được bao tiêu sản phẩm, được mượn phân bón, thuốc trừ sâu và cuối vụ bán lúa cho doanh nghiệp, còn ở ngoài, khi bán sản phẩm, thương lái thường hay tìm cách ép giá nếu có cơ hội.
Xem nông dân là đối tác phát triển
Ông Dương Nguyễn Bình Duy, Giám đốc Công ty TMHH MTV Vĩnh Bình (An Giang) cho biết, hiện công ty đang có trong tay 7.000 ha của nông dân tham gia xây dựng cánh đồng lớn. Hầu hết nông dân tham gia đều thu được lợi ích như chi phí đầu vào giảm hơn 20%, giá bán lúa lại luôn ổn định và cao hơn thị trường khoảng 500 đồng/kg. Bên cạnh đó, năng suất lúa của những hộ dân trong cánh đồng mẫu lớn đều tăng lên so với trước.
Theo ông Duy, với người nông dân thì “trăm nghe không bằng một thấy”, khi chứng kiến những cái lợi mà cánh đồng mẫu lớn mang lại, đã có rất nhiều nông dân “xếp hàng” xin tham gia cánh đồng lớn.
Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc của những doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn là phải mua lúa tươi của nông dân, vì thế việc mở rộng thêm diện tích còn phụ thuộc vào năng lực chế biến. “Hiện Vĩnh Bình có một nhà máy xay xát lúa với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm, (tương đương 50.000 tấn gạo, tương đương 7.000 ha diện tích trồng lúa). Để có thể mở rộng diện tích cánh đồng lớn, Công ty bắt buộc phải mở rộng công suất nhà máy. Chúng tôi đang đầu tư mở rộng nhà máy để nâng tổng công suất lên 200.000 tấn/năm và lúc đó tổng diện tích cánh đồng lớn của công ty lên con số 14.000ha”, ông Duy cho biết.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu có diện tích gần đến 73.000ha, với 33.260 nông hộ tham gia. Dự kiến đến năm 2018, tổng diện tích vùng nguyên liệu của Công ty sẽ đạt 360.000 ha.
Đối với các doanh nghiệp làm cánh đồng lớn, để nhận được sự hợp tác và tin tưởng của nông dân, lý do quan trọng là phần lớn lãnh đạo những doanh nghiệp này đã xem nông dân là đối tác của mình, đồng thời biết lắng nghe những thắc mắc của nông dân và thực hiện đúng những gì đã cam kết, không thể "ăn xổi ở thì".
http://baodientu.chinhphu.vn/