Cảnh giác với những chiêu trò bán phân bón rởm
- Thứ ba - 03/04/2018 23:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một mẫu Giấy chứng nhận hợp quy phù hợp với quy định pháp luật về phân bón đối với sản phẩm phân bón Kali Israel do Vinacam nhập khẩu và phân phối |
Hiện nay, nhiều cơ sở, doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón theo NĐ 108 đang lợi dụng việc khó khăn trong tiếp cận thông tin của bà con tại các vùng nông thôn để tích cực tiếp thị, chào bán các loại phân bón không rõ nguồn gốc; sử dụng nhiều “chiêu trò” khác nhau nhằm khiến bà con nhầm lẫn về thông tin và mua phải phân bón không đạt chuẩn chất lượng.
Bài 6 và 7 Chuyên mục Nhà nông thông thái tổng hợp các chiêu trò để bà con có thể tự bảo vệ chính mình:
Dùng giấy chứng nhận chất lượng cũ hoặc các huy chương, chứng nhận danh hiệu gây nhầm lẫn thông tin:
Theo NĐ 108, những cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón không đáp ứng đầy đủ các điều kiện phải tạm dừng hoạt động cho đến khi thoả mãn các điều kiện tại NĐ. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn đang ngang nhiên hoạt động; thậm chí nhiều cơ sở hoạt động “chui” (không có thủ tục sản xuất, kinh doanh phân bón theo quy định) – gọi chung là các DN dưới tiêu chuẩn.
Để qua mặt cơ quan quản lý địa phương, các DN dưới tiêu chuẩn cố tình sử dụng các mẫu giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón được cấp trước khi NĐ 108 có hiệu lực; hoặc các giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy không đúng quy định do một trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón cấp. Phổ biến là cách thức in lên bao bì hoặc cung cấp các chứng nhận huy chương vàng, chứng nhận chất lượng từ một hội chợ, cuộc thi nào đó mà DN chỉ cần đóng phí tham gia thì sẽ nhận được khiến bà con nhầm lẫn thông tin về chất lượng sản phẩm phân bón đạt chuẩn theo quy định pháp luật.
Vì vậy, khi chọn mua phân bón, bà con cần chú ý kỹ các thông tin liên quan đến sản phẩm và đơn vị sản xuất hoặc phân phối trên bao bì, yêu cầu đơn vị sản xuất, phân phối đó cung cấp tài liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm và chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón theo quy định tại chương III, NĐ 108.
Phân bón phải được quản lý chất lượng theo quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá thông qua chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo Điều 30 NĐ 108. Các sản phẩm phân bón trước khi được công nhận lưu hành đều phải được khảo nghiệm bởi tổ chức đạt đủ điều kiện theo Điều 15 NĐ 108. Đối với phân bón nhập khẩu phân phối tại Việt Nam phải có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu theo Điều 31 NĐ 108.
Đưa thông tin gây nhầm lẫn về nơi sản xuất thực tế:
Nắm bắt tâm lý chuộng hàng ngoại của bà con, một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón (gọi tắt là DN) cho in những dòng chữ, hình ảnh gây nhầm lẫn về nơi sản xuất thực tế. Ví dụ: “Made from Israel materials” chỉ nguyên liệu sản xuất phân bón (có thể) được nhập từ Israel, không phải được sản xuất tại Israel; “Technology of Japan” chỉ có nghĩa là “công nghệ Nhật Bản”, không đảm bảo sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản; hoặc in hình lá cờ nước ngoài (Mỹ, Nhật, Canada) lên bao bì.
Tuy nhiên, “nguyên liệu từ Israel” cũng không có nghĩa 100% nguyên liệu dùng để sản xuất loại phân bón đó được nhập từ Israel mà thường chỉ chiếm tỷ lệ thấp (Ví dụ: khi sản xuất một sản phẩm phân bón hữu cơ, DN có thể chỉ cho vào một nguyên liệu nhập khẩu từ Israel với tỷ lệ thấp, các nguyên liệu khác có thể được lấy từ các nguồn khác để giảm chi phí sản xuất). Trên thực tế, bà con rất khó để kiểm chứng được thật sự nguyên liệu có được nhập từ nước ngoài hay không. Vấn đề “công nghệ Mỹ” cũng vậy.
Vì vậy, bà con cần đặc biệt cẩn thận khi đọc thông tin về nơi sản xuất trên bao bì phân bón. Phân bón được sản xuất tại nước nào cần được ghi rõ ràng “Made in…” (Ví dụ: Made in Israel, Made in United Kingdom…) hoặc “Product of…”. Từ “materials” (hoặc “material”) nhìn chung chỉ nguyên liệu; “technology” nói về công nghệ; không mang ý nghĩa nơi sản xuất.