Chậm sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, tàu vỏ thép có nguy cơ “mắc cạn”
- Thứ hai - 10/07/2017 05:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ tàu tử nạn, vốn vay “treo lửng”…
Ngư dân Lê Văn Hoàn (thôn Tam Hải 1, Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh) được UBND tỉnh phê duyệt, vay vốn đóng tàu cá vỏ thép tại Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh với tổng số tiền cam kết cho vay là 18,57 tỷ đồng. Nguồn vốn vay giải ngân được 13,779 tỷ đồng thì chẳng may anh Lê Văn Hoàn bị tai nạn qua đời. Lúc đó, con tàu mới do anh đứng chủ đã hoàn thành 90% khối lượng. Và, 6 tháng nay, đành “đứng im” vì không có nguồn vốn “rót” thêm.
Nhận bàn giao từ 23/5 nhưng mãi đến gần 2 tháng sau, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Đại Cường mới mua được bảo hiểm để ra khơi. Ảnh: P.Q.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT Kỳ Anh Trương Hà Anh cho biết: “Hồ sơ vay vốn là tên của người đã mất, tất cả các chứng từ, hồ sơ liên quan đến con tàu này từ đầu đến trước khi xảy ra sự cố chủ tàu tai nạn qua đời đều do cá nhân anh Lê Văn Hoàn chịu trách nhiệm. Vì liên quan đến chính sách hỗ trợ, ngân hàng không thể giải ngân tiếp. Điều này, không chỉ gây bất lợi cho khách hàng mà còn vướng mắc đối với ngân hàng khi thời gian thu hồi nợ sắp đến”.
Trong căn nhà trống trải, giờ chỉ còn lại 4 mẹ con côi cút, chị Phan Thị Anh, vợ của chủ tàu Lê Văn Hoàn ngậm ngùi lật mở tấm bạt phủ kín số ngư lưới cụ đã được anh sắm trước khi mất cho chúng tôi xem: “Tâm huyết của anh để lại đấy. Anh chuẩn bị ngư lưới cụ để kịp hạ thủy, ra khơi theo đúng kế hoạch. Tổng số tiền đầu tư số lưới này hơn 3 tỷ đồng, thế mà giờ đành “đắp chiếu”, tàu thì cũng dang dở…”.
Chị bảo người mất cũng mất rồi, thế nhưng, con tàu - tài sản của gia đình thì phải giữ. “Tôi chỉ mong chuyển chính sách này sang cho người em trai của chồng để tiếp tục bám biển chứ khoản vay lớn như thế nếu chuyển nợ thương mại thì ngư dân không đủ năng lực. Hơn nữa, thời gian ưu đãi lãi suất sắp hết và thời hạn trả nợ đã sắp đến, nếu tình trạng này kéo dài thì chúng tôi cũng không biết phải trả nợ ngân hàng như thế nào”.
Em trai của anh Hoàn là Lê Văn Tư, cũng là một chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt cho vay vốn theo Nghị định 67 nhưng chưa triển khai. Điều vướng là, các quy định tại Nghị định 67, Nghị định 89/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành lại chưa có quy định các đối tượng nhận bàn giao lại tàu và nhận khoản nợ vay đóng tàu sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo các nghị định. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có công văn kiến nghị lên các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa có phúc đáp.
“Trầy trật” mua bảo hiểm dù được hỗ trợ
Trải qua gần 2 tháng chờ đợi, con tàu công suất 829 CV của Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Đại Cường vừa được bàn giao mới được ký hợp đồng mua bảo hiểm chỉ cách đây mấy ngày. Con tàu vỏ thép này được đầu tư với tổng số vốn 19,57 tỷ đồng, trong đó, vốn vay của Agribank Hà Tĩnh là 18,57 tỷ đồng.
Số ngư lưới cụ đầu tư hơn 3 tỷ đồng đã đắp phủ bạt nhiều tháng nay vì tàu dang dở của anh Lê Văn Hoàn.
Anh Nguyễn Hữu Cường - Giám đốc công ty cho biết: “Ngày 23/5, tàu hạ thủy tại cảng Hải Phòng, chúng tôi đã liên hệ và đáp ứng mọi yêu cầu về hồ sơ gửi Công ty Bảo hiểm PJICO Hà Tĩnh để được mua bảo hiểm. Phía công ty hẹn 3 ngày sau sẽ có nhưng rồi cứ chờ suốt gần 2 tháng”. Mới đây, ngày 5/7, PJICO đồng ý cung cấp bảo hiểm cho Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Đại Cường, thế nhưng, hệ lụy của sự chậm trễ thì khách hàng đã phải “nai lưng” chịu trận.
“Tôi vẫn phải bỏ chi phí trả lương cho 6 thuyền viên (mỗi người 7-8 triệu đồng/tháng) nhưng tàu thì cứ “mắc cạn” vì chưa đủ điều kiện. Trong khi đó, đơn hàng đã ký kết với đối tác, tôi phải thuê 2 tàu lớn ra khơi (120 triệu đồng/tàu/tháng) để đáp ứng hợp đồng. Tính ra, tôi phải lỡ 3-4 chuyến biển, mùa biển chỉ còn lại mấy tháng trọng điểm nữa thôi” - anh Cường bức xúc.
Không may mắn như anh Cường, chiếc tàu vỏ sắt của chủ tàu Tôn Đức Vinh (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) bắt đầu hạ thủy từ 6/1/2017 từ vốn vay của Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Chi nhánh Hà Tĩnh cứ “nơm nớp” ra khơi vì chưa được giải quyết bảo biểm. Anh Vinh cho biết: “Ngân hàng tạo điều kiện, tôi cho tàu ra khơi nhưng vẫn nơm nớp lo sợ. Vấn đề đánh bắt trên các vùng biển vẫn tiềm ẩn phức tạp, nếu chẳng may xảy ra sự cố thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ của chủ tàu và thu hồi vốn của ngân hàng. Thế nhưng, mặc dù đã có công văn chỉ đạo mới của Bộ Tài Chính, PJICO Hà Tĩnh vẫn chưa có câu trả lời mới”.
Theo quy định, Nhà nước hỗ trợ 90% bảo hiểm thân tàu và 100% bảo hiểm thuyền viên. Làm việc với PJICO Hà Tĩnh, ông Nguyễn Xuân Hoàng - Giám đốc công ty cho biết: “Do việc triển khai sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 chậm và Bộ Tài chính chưa có công văn hướng dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục triển khai trong năm 2017, nên Tổng công ty Bảo hiểm PJICO chưa có văn bản hướng dẫn đơn vị thành viên triển khai bảo hiểm cho tàu cá. Sau khi có hướng dẫn mới của Bộ Tài chính vào ngày 3/7 vừa qua, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nếu chủ tàu có nhu cầu”.
Điều đáng nói, trước đó (31/3), Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4357 thống nhất kéo dài thời gian thực hiện các chính sách theo Nghị định 67 đến hết năm nay. UBND tỉnh đã yêu cầu đơn vị bảo hiểm này tiếp tục thực hiện tại Công văn số 2147/UBND-NL vào ngày 11/4/2017. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm này cho rằng, các hướng dẫn chưa rõ ràng nên đơn phương kéo dài thời gian giải quyết. Một chính sách được xem là nhân đạo lại gây ra tổn hại về kinh tế cho người được hưởng lợi. Còn đối tác ngân hàng cũng như “ngồi trên đống lửa” trong việc bảo toàn vốn vay của mình.
Nguyễn Oanh/ Báo hà Tĩnh