Chăn nuôi bứt phá nhờ tái cơ cấu

Chăn nuôi bứt phá nhờ tái cơ cấu
Nếu trước đây, người chăn nuôi ồ ạt đầu tư trang trại mà không chú ý đến thị trường, thì năm nay, hầu hết người chăn nuôi đã chủ động nắm bắt được nhu cầu thị trường để thay đổi phương thức sản xuất.


Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ảnh: BNEWS/TTXVN

"Mặc dù, gặp nhiều bất lợi về thời tiết, thị trường và quản lý đàn vật nuôi trong nước. Nhưng đến thời điểm này, ngành chăn nuôi đã vượt qua mọi khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng 5,4% so với năm ngoái. Đây là sự cố gắng vươn lên của các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ các địa phương thì khối chăn nuôi nông hộ cũng phát triển ổn định".

Đây là nhận định của ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đối với ngành chăn nuôi trong năm 2016.

Nhiều điểm sáng

Ông Hoàng Thanh Vân cho biết, điểm sáng của ngành chăn nuôi trong năm 2016 là có sự chuyển biến tích cực về nhận thức thị trường của người chăn nuôi. Nếu như trước đây, người chăn nuôi ồ ạt đầu tư trang trại mà không chú ý đến thị trường, phó mặc cho thương lái, thì năm nay, hầu hết người chăn nuôi đã chủ động nắm bắt được nhu cầu thị trường để thay đổi phương thức sản xuất.

Đây là giải pháp rất uyển chuyển, tạo cho sản phẩm chăn nuôi trong nước lúc nào cũng đa dạng và dồi dào. Bên cạnh đó, bước đầu đã xuất hiện nhiều hình thức tổ chức liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, các hộ nông dân, hợp tác xã. 

Đáng chú ý, năm 2016 hầu hết các tiến bộ kỹ thuật mới đã được áp dụng vào ngành chăn nuôi. Đặc biệt là khâu sản xuất phôi tươi tại chỗ đã được sản xuất tại Việt Nam; đồng thời, chủ động nhập các máy móc, thiết bị hiện đại tiên tiến nhất của thế giới để sản xuất tinh dịch trong nước.

Ngoài ra, kỹ thuật chăn nuôi tiến tiến cũng như quản lý bằng công nghệ thông tin đã được các doanh nghiệp, trang trại áp dụng rất phổ biến. Đã có nhiều doanh nghiệp nhập các thiết bị tiên tiến trên thế giới, từ đó tạo ra sản phẩm chăn nuôi có giá thành hạ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất tác động đến ngành chăn nuôi trong năm 2016 là thực hiện tái cơ cấu ngành. Theo đó, 3 nội dung chủ yếu được triển khai có hiệu quả là đồng bộ về công tác giống; trong đó cải tiến được nhiều loại giống chất lượng tốt của trong và ngoài nước.

Đặc biệt là giống lợn, đến nay tổng số lợn cụ, kị, ông, bà nhập về Việt Nam tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2015. Bên cạnh đó, số lợn sản xuất trong nước khoảng 60 triệu con; trong đó 80% số lượng lợn là cải tiến kỹ thuật. 

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng ghi nhận sản lượng xuất khẩu thịt lợn tăng đột biến, với khoảng 40% so với năm 2015 và có thể đạt khoảng 100.000 tấn cả năm 2016. 

Đối với gia cầm, năm qua cũng tăng trưởng rất mạnh, chủ yếu là nhóm gia cầm lông màu. Đây là một trong những chuyển biến rất mới. Cũng như hàng năm, khi gà lông trắng có dấu hiệu giảm thì gà lông màu phát triển mạnh.

Năm nay, tỷ lệ gà lông màu tiếp tục tăng trưởng thêm 18%, đưa tổng số gà lông màu trên cả nước đạt khoảng 67%. Như vậy, xu hướng mới của ngành chăn nuôi gia cầm trong nước đã có dấu hiệu chuyển biến tốt. 

Trong khi đó, số lượng đại gia súc nhập khẩu trong năm 2016 đã giảm đáng kể, lý do chính là trong nước đã chủ động sản xuất được giống. Do vậy, tỷ lệ bò lai, bò sữa cao sản phát triển rất tốt. Song song là các giải pháp quản lý về giống trong chăn nuôi nông hộ. 

Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định, năm qua, ngành chăn nuôi có nhiều thuận lợi, thị trường sản phẩm chăn nuôi 2016 khả quan hơn, giá nguyên liệu thức ăn thế giới giảm. Đáng chú ý, ngành chăn nuôi bắt đầu có thay đổi.

Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi tạo được đột phá ở một số mặt hàng nhất định vào một số thời điểm nhất định.

Tập trung tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi

Ông Hoàng Thanh Vân nhận định, năm 2017, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, bất lợi. Do đó, ngay từ cuối năm 2016 ngành đã có định hướng để chỉ đạo cho tất cả các đơn vị sản xuất chăn nuôi và địa phương phải có sự cố gắng ngay từ đầu năm 2017. Mục tiêu chính là tiếp tục duy trì và phát triển ổn định ngành, bám chặt vào định hướng của đề án tái cơ cấu ngành. 

"Trong đó, đặc biệt tập trung tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi. Đây là nội dung quan trọng nhất của năm 2017, làm được điều đó, sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, người chăn nuôi sẽ có giá trị gia tăng cao hơn, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận được với sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng", ông Vân nhấn mạnh. 

Thực tế, cuối năm 2016, các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Bắc Giang đã bắt đầu khởi động chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi và được người tiêu dùng hoan nghênh và hưởng ứng mạnh mẽ.

Điển hình như tại Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy suất nguồn gốc thịt lợn và công bố 349 điểm bán trên địa bàn. Theo đó, từ nay người tiêu dùng Tp. Hồ Chí Minh có thể mua sản phẩm thịt lợn và truy suất nguồn gốc tại các hệ thống phân phối hiện đại gồm: Saigon Co.op, Satra, Vissan, Cocomart, Auchan, Aeon - Citimart, Queenland... 

Hay như, Công ty TNHH Thương mại xuất khẩu tổng hợp và dịch vụ Hùng Nhơn (Bình Phước) và Công ty TNHH De Heus (Bình Dương) đã ký kết hợp tác cùng xây dựng và phát triển Dự án “Thung lũng thực phẩm an toàn” ở tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Dự án này được xây dựng nhằm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu thực phẩm sạch, an toàn và có truy xuất nguồn gốc theo dạng chăn nuôi khép kín từ giai đoạn con giống cho đến thành phẩm. 

Theo ông Hoàng Thanh Vân, để đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, giải pháp số một là tăng cường quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi; trong đó tập trung quản lý nâng cao chât lượng giống trên địa bàn cả nước; tiếp tục rà soát và kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đặc biệt, áp dụng các biện pháp pháp luật cao nhất đối với các hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. 

Bên cạnh đó, năm 2017 là năm hỗ trợ doanh nghiệp, do đó Cục Chăn nuôi sẽ tìm giải pháp tốt nhất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chăn nuôi phát triển. Theo đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được ứng dụng toàn bộ các hệ thống thông tin nhằm giảm thiểu tối đa về mặt thời gian cũng như chi phí của doanh nghiệp. Còn lại các doanh nghiệp sản xuất giống và sản xuất khác hỗ trợ chăn nuôi sẽ có cơ chế ưu đãi; đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi công nghệ cao. 

Theo đánh giá của ông Đoàn Xuân Trúc, thịt lợn là thế mạnh của Việt Nam và đã xuất khẩu sang nhiều nước Đông Âu. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 6 trên thế giới về sản xuất thịt lợn. Bên cạnh đó, Việt Nam đang có thị trường tương đối tốt, gần nhất là Trung Quốc. Hiện nước này đang thiếu khoảng 2,5 đến 3 triệu tấn thịt lợn mỗi năm. 

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho các cơ quan chuyên môn của ngành tiến hành đàm phán và ký kết với một số nước trong khu vực (nhất là Trung Quốc) để có những thỏa thuận về mặt thú y.

Trên cơ sở đó xúc tiến việc xuất khẩu chính ngạch một số sản phẩm chăn nuôi, trước hết là thịt lợn và sữa. Cục Chăn nuôi cũng đang phối hợp với Cục Thú y tiến hành ký kết hiệp định thú y với một số nước nhằm sớm mở ra thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chăn nuôi./.

 

Thành Trung/BNEWS/TTXVN