Chăn nuôi phát triển bền vững nhờ mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết

Chăn nuôi phát triển bền vững nhờ mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thời gian qua, thành phố Tam Điệp đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy ngành chăn nuôi sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị với nhiều hình thức đa dạng. Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản xã Đông Sơn là một điển hình trong liên kết, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi đảm bảo tạo ra sản phẩm an toàn, tăng sức cạnh tranh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững
Trang trại của ông Trịnh Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản xã Đông Sơn luôn bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi.
Trang trại của ông Trịnh Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản xã Đông Sơn luôn bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi.
 
Năm 2014, Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản xã Đông Sơn được thành lập với mục đích liên kết các hộ chăn nuôi để tạo thành quy trình sản xuất, kinh doanh khép kín từ cung cấp cây, con giống, phân bón, thức ăn đến việc bao tiêu sản phẩm. 

Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, các thành viên trong Tổ hợp tác được tập huấn, học tập tại các tỉnh, thành phố lân cận về cách xây dựng, duy trì hoạt động, cách quản lý, mua bán con giống, thức ăn, các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi… 

Bên cạnh đó, hàng tuần, hàng tháng các thành viên duy trì gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh để kịp thời bổ sung những “lỗ hổng” trong chuỗi liên kết. 

Do vậy, các thành viên trong Tổ hợp tác đã không ngừng phát triển. Nếu như ban đầu Tổ hợp tác chỉ có 14 thành viên là 14 hộ chăn nuôi, kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn xã thì đến nay, sau hơn 2 năm hoạt động, Tổ hợp tác đã thu hút 25 thành viên không chỉ ở phạm vi xã Đông Sơn mà còn trên địa bàn thành phố Tam Điệp và Hà Nội. 

Điều đáng nói, không chỉ tăng lên về số lượng thành viên mà các loại hình sản xuất, kinh doanh của Tổ hợp tác còn phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. 

Hiện 23/25 thành viên của Tổ hợp tác có mô hình trang trại chăn nuôi dê, nhím, hươu, lợn, gà đồi thương phẩm, cây con giống, 2 thành viên còn lại kinh doanh các sản phẩm do Tổ hợp tác cung cấp.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản xã Đông Sơn, ông Trịnh Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác phấn khởi cho biết: Là một xã miền núi, trước đây các hộ chăn nuôi ở Đông Sơn gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn con giống phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu địa phương. 

Bên cạnh đó, thiếu nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi và không tìm được đầu ra ổn định cũng là những khó khăn rất lớn mà người nông dân ở Đông Sơn gặp phải. Nhưng từ khi Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản ra đời đã giúp người chăn nuôi giải quyết được những bất cập trên. 

Bởi khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, các thành viên được hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm. Không những thế, chuỗi liên kết khép kín đã giúp cho các sản phẩm của Tổ hợp tác đảm bảo được chất lượng, tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường, từ đó đầu ra luôn được ổn định và tăng cao. 

Ngoài ra, chính việc tập trung trong sản xuất, kinh doanh cũng tạo điều kiện cho các thành viên được thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng năng suất cây trồng, con nuôi.
Chuỗi liên kết ở Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản xã Đông Sơn được thực hiện khép kín từ khâu cung ứng giống cây trồng, con nuôi cho đến khâu chăm sóc, cung cấp thức ăn tự nhiên và cuối cùng là tiêu thụ sản phẩm đã đem lại lợi nhuận nhất định cho mỗi thành viên trong Tổ hợp tác. 

Hiện nay trung bình mỗi năm Tổ hợp tác xuất bán hơn 30 tấn các loại con nuôi thương phẩm, tổng doanh thu hơn 3 tỷ đồng. Đạt được thành công như hiện nay là cả một quá trình dài đòi hỏi sự cố gắng và đoàn kết của các thành viên trong Tổ hợp tác. 

Bà Trịnh Thị Khiếu, thôn 12, xã Đông Sơn, thành viên Tổ hợp tác vui mừng cho biết: Nhận thức được việc chăn nuôi bảo đảm an toàn với các loại sản phẩm sạch chính là cách tốt nhất làm nên thương hiệu sản phẩm, là yếu tố tiên quyết để phát triển chăn nuôi bền vững, tôi và các thành viên trong Tổ hợp tác đều chú trọng đảm bảo an toàn chăn nuôi. 

Do vậy, nguồn thức ăn cho con nuôi như cỏ, sắn, ngô, rau… đều được gia đình tự trồng và không sử dụng bất kỳ chất cấm gì trong chăn nuôi.
Đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng và để chăn nuôi phát triển bền vững, Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản xã Đông Sơn còn đi đầu trong việc “nói không với thực phẩm bẩn”. Các sản phẩm trong Tổ hợp tác cũng được chứng nhận về chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Ông Đinh Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn cho biết: Thực hiện “nói không với thực phẩm bẩn”, các thành viên trong Tổ hợp tác đã ký cam kết với chính quyền và Hội Nông dân thành phố. 

Theo đó, các thành viên trong Tổ hợp tác duy trì sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thực phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật để giúp Tổ hợp tác hoạt động tốt hơn. 

Đồng thời, Hội tích cực vận động các gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn cùng tham gia vào Tổ hợp tác để phát triển ngành chăn nuôi của xã nói riêng ngày càng ổn định, bền vững, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành chăn nuôi của thành phố.
Thành công bước đầu từ mô hình Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản xã Đông Sơn đã mở ra hướng phát triển chăn nuôi không chỉ trên địa bàn xã mà còn tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố phát triển.


Theo Báo Ninh Bình