Chàng trai người Mông đưa công nghệ Israel về bản nghèo
- Thứ hai - 11/09/2017 10:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vay tiền để đi du học
Bao đời nay, bà con dân tộc Mông ở xã Mường Bon sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt cây lúa, cây bắp và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Các thửa ruộng, quả đồi chỉ canh tác được vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, vào mùa khô thiếu nước đất bỏ hoang hóa. “Qua sách vở, báo đài thấy nhiều nơi trồng trọt hiện đại, mang lại năng suất cao. Còn ở bản sản xuất nông nghiệp manh mún, chủ yếu khai hoang đất rừng làm rẫy. Vì thế từ bé mình ấp ủ có thể mở được một mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại ngay trên bản”, Dạy chia sẻ.
Năm 2011, Giàng A Dạy thi đậu vào trường Đại học Tây Bắc. Là sinh viên năng nổ và có lực học tốt, Dạy vinh dự được kết nạp Đảng tại trường. Năm 2015, trường Đại học Tây Bắc có 2 suất đi tu nghiệp sinh tại Israel. Dạy cho biết, Israel là một nước nhỏ, chủ yếu là đất cát và rất thiếu nước nhưng lại là quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. “Khoá học là chương trình mở, không phải học bổng 100% nên phía đối tác chỉ hỗ trợ thị thực, liên kết nơi thực tập, còn lại chi phí máy bay mình phải tự túc. Vé máy bay là khoản tiền quá lớn đối với gia đình mình lúc đó. Mình cố gắng thuyết phục bố mẹ vay mượn 30 triệu đồng để đi”, Dạy nhớ lại.
Sang Israel, Dạy được làm việc tại một trang trại ươm cây giống của tập đoàn sản xuất rau giống lớn thứ 3 Israel. Dạy tranh thủ thời gian mọi lúc để học tập công nghệ tưới nước nhỏ giọt, xây dựng nhà lưới, ươm giống hoa màu… với hi vọng khi về quê hương sẽ áp dụng nó để thay đổi được phương thức canh tác truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Để hiện thực hoá dự định, Dạy xin một mảnh vườn nhỏ nơi cư trú thực hành sản xuất nông nghiệp, xử lý từ khâu đất, trồng cây theo phương pháp hữu cơ, áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt. “Mảnh vườn dựng trên nền đất cát. Mình dùng xơ dừa và chút đất còn sót lại trong các chậu cây giống đổ lên vườn để thử nghiệm trồng cây công nghệ Israel.Mảnh vườn nhỏ đó giúp mình hiểu hơn về nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng phân bón, không có yếu tố tham gia của các tác nhân từ bên ngoài. Những khó khăn mình gặp phải đều được các chuyên gia giải đáp và nó thực sự là những bài học rất quý báu xuất phát từ thực tiễn”, Dạy chia sẻ.
Sau gần 1 năm học, làm việc tại Israel, tháng 8/2016 Dạy về nước với những hành trang kiến thức và khoản tiền tích góp được hơn 100 triệu đồng làm vốn thực hiện ước mơ của mình.
Thay đổi tư duy nông nghiệp
Về bản, Giàng A Dạy đầu tư mở trang trại nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ Israel trên chính mảnh vườn của gia đình. Ngoài ra, Dạy còn vận động bà con góp đất, sản xuất những sản phẩm truyền thống như rau và vật nuôi không sử dụng hóa chất. Giúp bản khôi phục lại các giống cây rau đã bị cạn kiệt, trong số đó có những loại rất tốt cho sức khỏe nhưng chưa trở thành hàng hóa, chưa được đưa ra thị trường.
Dạy tận dụng nguyên liệu có sẵn như tre, nứa làm nhà lưới và xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cũng như tưới phun mưa trong khu vườn ươm giống rau. Dạy ươm cây giống trên giá thể hữu cơ, khác với phương pháp truyền thống là tra hạt xuống đất xong mới nhổ cây giống ra trồng.“Phương pháp canh tác cũ đó không làm quy mô lớn được, rất tốn công, tỷ lệ hạt nảy mầm không cao và tỉ lệ cây trồng sống rất thấp. Bên cạnh đó, rất khó kiểm soát chất lượng cây giống. Còn phương pháp ươm trên giá thể hữu cơ sẽ bảo vệ hạt giống cao hơn, kiểm soát được ngày nảy mầm, khi lấy cây giống ra khỏi giá không bị đứt rễ và tỷ lệ sống đạt 100%”, Dạy phân tích.
Vào mùa khô, con suối phục vụ cả bản cạn nước. Giàng A Dạy đã bỏ hơn 30 triệu đồng mua thêm 1 máy bơm đẩy xa, kéo đường điện từ nhà ra con hồ tự nhiên nằm sâu trong núi (cách nhà gần 3 km), lắp đặt máy bơm, rải đường ống dẫn nước tưới nhỏ giọt về tận khu vực canh tác gần nhà. Dạy cũng cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ ở bản có nhu cầu. Mùa khô năm nay 20 hộ trong bản đã có đủ nước sạch sinh hoạt nhờ hệ thống dẫn nước của Dạy. Nhiều người còn liên kết với anh canh tác vụ đông.
Dạy cho biết, trang trại của gia đình có khu đất tương đối bằng phẳng rộng 4.000 m2 được bố trí trồng rau màu vụ đông sau khi đã thu hoạch xong vụ ngô; còn 1,5 ha diện tích đất đồi dốc sẽ được quy hoạch chuyên trồng bí đỏ. Do ứng dụng được công nghệ tưới nhỏ giọt, nên chắc chắn sẽ thu 3-4 vụ/năm. Với diện tích 1,5ha, sản lượng 25 tấn bí/vụ và giá trung bình 3.000đ/1kg, mỗi năm thu lãi từ bí đỏ (sau khi đã trừ đi các khoản chi phí) được trên 200 triệu đồng.
Giàng A Dạy đang đầu tư đào hố phủ bạt trên quả đồi sau nhà để tích trữ 100 m3 nước tưới vào mùa khô, vừa tiết kiệm điện, đồng thời giúp cho hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa hiệu quả hơn. “Mình đặt mục tiêu thành lập hợp tác xã vào cuối năm nay, nhằm liên kết bà con ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt vào sản xuất rau màu vụ đông, tìm thị trường tiêu thụ nông sản giúp bà con bản Rừng Thông phát triển sản xuất”, Dạy tiết lộ.
“Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tưới nước nhỏ giọt, nhà lưới và sản xuất nông nghiệp trên những quả đồi của Giàng A Dạy là mô hình khởi nghiệp mới, táo bạo.Mô hình của Dạy bước đầu mang lại hiệu quả về kinh tế đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm nông nghiệp của thanh niên ở các bản vùng cao. Mô hình của Dạy tạo cơ hội để bà con cùng tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất và chất lượng cho nông sản”.
Anh Vàng A La, Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La