Chật vật chuyển đổi nghề thời dịch tả lợn châu Phi
- Thứ hai - 21/10/2019 11:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bài 1: Không dám tái đàn
Sau hơn 8 tháng hoành hành, đến thời điểm này, DTLCP đã tạm lắng ở nhiều địa phương, nhiều nông dân rất muốn tái đàn do giá lợn hơi đang lên cao, nhưng mọi việc không hề đơn giản.
Tan hoang cơ nghiệp
Theo Phòng NNPTNT huyện Thống Nhất (Đồng Nai), đầu năm 2019, tổng đàn lợn của toàn huyện đạt khoảng 480.000 con nhưng hiện giảm xuống chỉ còn hơn 200.000 con. Mất cơ nghiệp, hàng trăm hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn đang lúng túng chuyển đổi ngành nghề. Hàng ngàn hộ nuôi khác cũng đang đối mặt với nguy cơ mất nghề mưu sinh do DTLCP vẫn diễn biến phức tạp.
Tại xã Gia Tân 3, ông Đinh Văn Tú kể, dù yêu nghề nhưng nhìn thấy lợn các trại xung quanh bị tiêu hủy, ông cũng phải bán hết 60 con lợn nái và đàn lợn thịt khoảng 600 con. May mắn là thời điểm bán còn được giá cao, ông giữ lại được ít vốn để cải tạo khu chuồng trại cũ nuôi gà ta thả vườn. Nhưng lứa đầu, đàn gà hơn 2.000 con sắp được xuất bán thì giá xuống thấp, do cung vượt cầu. Trong một vài tuần tới, nếu giá gà không nhích lên thì ông Tú cầm chắc thua lỗ.
Giải quyết việc làm và chuyển đổi nghề cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang là bài toán nan giải ở nhiều địa phương. Ảnh: N.V
Ngụ cùng xã, bà Đào Thị Bích Ngọc cũng từng sở hữu trại nuôi khá quy mô với khoảng 100 con lợn nái và 1.000 lợn thịt. 5 tháng trước, dịch tràn qua, một số lợn phải tiêu hủy, một số phải bán đổ bán tháo. Hiện trại lợn chỉ còn 15 con nái với gần 100 lợn con. Thế nhưng, bà Ngọc cũng không đảm bảo được số phận các con lợn này. Sau khi dịch xảy ra khoảng hai tháng, bà cố giữ lại một số lợn nái và lợn con để nuôi nhưng tiếp tục bị dịch tấn công.
Bà Ngọc thừa biết mức giá lợn hơi hiện nay rất hấp dẫn, dao động ở mức 60.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá hời, nhưng bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ước tính chỉ có khoảng 1 - 3% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn.
Loay hoay chuyển đổi
Tại Tây Ninh, sau gần 3 tháng bùng phát, đến nay DTLCP cũng đã lây lan ra toàn tỉnh. Trong đó, một số địa phương sau khi công bố hết dịch vẫn bị nhiễm trở lại. Tính đến nay, đã có trên 1.400 ổ dịch với gần 26.000 con lợn bị chết và tiêu huỷ.
Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 15/10/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành. Tổng số lợn tiêu hủy khoảng 5,6 triệu con, với tổng trọng lượng 320.000 tấn. |
Ông Nguyễn Thành Thúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết, dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Người chăn nuôi nên hạn chế tái đàn, chọn các loại vật nuôi khác thay thế như gia cầm, thủy cầm, trâu, bò, dê hoặc thủy sản nhằm cách ly dứt điểm mầm bệnh DTLCP.
Tuy nhiên, chuyển đổi sang mô hình gì, kỹ thuật ra sao và hiệu quả chuyển đổi thế nào thì nông dân vẫn tự mò mẫm. Ông Võ Tấn Ðạt (ngụ huyện Trảng Bàng) cho biết, vừa qua đàn lợn 30 con của gia đình vừa bị tiêu huỷ sạch. Để khắc phục phần nào thiệt hại, ông tìm mua 200 con vịt xiêm giống về nuôi.
“Tuy nhiên, tôi vẫn nuôi vịt theo kiểu vừa học nghề vừa hy vọng phát triển thêm số lượng nếu có hiệu quả” - ông Đạt nói.
Ở huyện Bến Cầu, ông Lê Tấn Nhật lại muốn phát triển nghề nuôi lươn không bùn ngày trước, nhưng hiện tại giá con giống quá cao. Đợt dịch vừa qua, ông thiệt hại hơn tỷ đồng do đàn lợn hơn 600 con đều bị tiêu hủy. Trong khi đó, ông chưa nhận được tiền hỗ trợ nên chưa có vốn tái sản xuất.
Ở Đồng Nai, cho đến nay khâu hỗ trợ vẫn đang được thực hiện tốt. Thế nhưng theo bà Đào Thị Bích Ngọc, không chỉ cần vốn, nông dân lúc này đang rất cần định hướng sản xuất cụ thể, từ những mô hình cho tới kỹ thuật.
Ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai khẳng định, tỉnh sẽ chỉ cho phép những cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh mới tái đàn. Tuy nhiên, Đồng Nai khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn bị dịch bệnh chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác. Đồng Nai sẽ hỗ trợ hết mình cho các doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và hỗ trợ nông dân phát triển theo hướng bền vững.