Chỉ cặm cụi trên đồng, Việt Nam mãi là “anh nông dân" toàn cầu

Chỉ cặm cụi trên đồng, Việt Nam mãi là “anh nông dân" toàn cầu
Hạt giống là khởi đầu quan trọng trong chuỗi thực phẩm nông nghiệp nhưng nguồn thu nhập lớn nhất thuộc về chế biến thực phẩm và hệ thống phân phối quy mô lớn.

Tại Hội nghị Công nghệ sinh học (CNSH) toàn quốc 2019 tổ chức ở TP.HCM, ngày 1/11, TS Lê Trần Bình - Chủ tịch Hội CNSH Việt Nam đánh giá, trong việc phát triển CNSH, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và kết nối thị trường toàn cầu đang là xu thế tất yếu.

 chi cam cui tren dong, viet nam mai la “anh nong dan' toan cau hinh anh 1

Hạt giống là khởi đầu quan trọng trong chuỗi thực phẩm nông nghiệp nhưng giá trị thấp

Trong nền sản xuất quy mô lớn, mọi khâu của quá trình sản xuất được kết nối và đánh giá theo chuỗi giá trị. Từ đó, người ta có thể đánh giá được sức mạnh kinh tế của các khâu khác nhau trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

TS Bình lấy ví dụ sản xuất nông nghiệp bắt đầu từ hạt giống đến bàn ăn. Hạt giống được coi là khởi đầu quan trọng trong chuỗi thực phẩm nông nghiệp.

Tuy vậy, tổng giá trị thị trường hạt giống bán ra toàn cầu chiếm chưa đến 1% (khoảng 48,5 tỷ USD) tổng giá trị thực phẩm bán ra hoặc sản xuất trên toàn cầu (khoảng 5.000 - 6.000 tỷ USD).

 chi cam cui tren dong, viet nam mai la “anh nong dan' toan cau hinh anh 2

Nguồn thu nhập lớn nhất thuộc về chế biến thực phẩm và hệ thống phân phối quy mô lớn.

Các số liệu thống kê cho thấy, trong số 10 tập đoàn doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới, ngành giống là nhỏ nhất trong chuỗi thực phẩm.

Trong chuỗi thực phẩm, lĩnh vực mang lại nguồn thu nhập lớn nhất cho đến nay là chế biến thực phẩm và hệ thống phân phối quy mô lớn. Sức mạnh chủ yếu trong chuỗi giá trị nông nghiệp thuộc về các công ty dịch vụ đầu vào, các công ty chế biến và phân phối.

Vì thế, theo TS.Bình, nếu chúng ta chỉ chú ý sản xuất trên đồng ruộng mà bỏ qua các khâu dịch vụ, chế biến và thương mại xuyên quốc gia, chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là “anh nông dân toàn cầu”.

 chi cam cui tren dong, viet nam mai la “anh nong dan' toan cau hinh anh 3

Theo TS. Lê Trần Bình, nếu chỉ chú ý sản xuất trên đồng ruộng mà bỏ qua các khâu dịch vụ, chế biến và thương mại xuyên quốc gia thì sẽ mãi là “anh nông dân toàn cầu”.

“Việc phân tích nông nghiệp toàn cầu theo chuỗi rất cần đến KHCN, các trí tuệ kinh tế lớn và các công nghệ 4.0 từ dữ liệu lớn, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo”, TS. Bình nói.

Chia sẻ tại hội nghị, TS. Ngô Xuân Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ KHCN) cho biết, ngành CNSH trong nhiều năm qua đã đạt nhiều kết quả nhất định song vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Trình độ CNSH trong nước vẫn chưa đạt mức tiên tiến trong khu vực, CNSH chưa trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật công nghiệp cao, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm chủ lực và chưa có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quốc dân.

Các phòng thí nghiệm CNSH có hiệu quả chưa cao; nhân lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, quản lý và sản xuất kinh doanh CNSH còn nhiều hạn chế; nhất là thiếu sự liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp và thị trường. Nhiều mô hình ứng dụng mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chậm nhân ra diện rộng trong sản xuất và đời sống.

 chi cam cui tren dong, viet nam mai la “anh nong dan' toan cau hinh anh 4

CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển dổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế công nghiệp, nông thôn

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ nhấn mạnh, Việt Nam là một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp nên CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là một yếu tố góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển dổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế công nghiệp, nông thôn.

“Hội nghị toàn quốc về CNSH là dịp để các nhà khoa học chia sẻ những kết quả nghiên cứu; từ đó thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, chuyển giao, hợp tác quốc tế; rồi kết nối lại với doanh nghiệp, thị trường để tiến tới hiện thực hóa các mục tiêu thiết thực và hiệu quả hơn”, TS Ngô Xuân Bình chia sẻ.

Theo Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT, đến năm 2020, Việt Nam cần ít nhất 25.000 lao động chuyên sâu trong lĩnh vực CNSH. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này hiện đang còn thiếu. Do vậy triển vọng nghề nghiệp dành cho người theo học CNSH là rất lớn.

Theo Nguyên Vỹ/ Dân Việt

http://danviet.vn/nha-nong/chi-cam-cui-tren-dong-viet-nam-mai-la-anh-nong-dan-toan-cau-1028118.html