Chỉ mới 2 tháng hái mận bán, ông Địa đã bỏ túi 50 triệu đồng
- Chủ nhật - 26/05/2019 11:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trên đường di chuyển từ Quốc lộ 6 đi xã Chiềng Đen (TP Sơn La) vào những ngày này, bà con người dân tộc Thái ở nơi đây đang tíu tít hái những trái mận Tam hoa (mận hậu) chín mọng, màu đỏ thẫm cuối vụ của mình đến nơi tập kết bán cho thương lái.
Từ trồng mận, ông Địa đang từng bước làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra.
Tìm đến nhà ông Lù Văn Địa ở bản Lả Sẳng, phường Chiềng An, gia đình ông đang tấp nập thu hái những trái mận căng tròn, mọng nước cho vào những chiếc sọt, giỏ tre. Vừa thu hái được một giỏ mận nặng hơn 30 kg đặt lên bàn cân, trên người lão nông này vẫn còn ướt đẫm mồ hôi như vừa lội xuống ao về nhưng nét ông vẫn tươi tắn khi nhìn thấy người lạ đến thăm nhà.
Mặc dù mận năm nay mất mùa nhưng ông Địa vẫn vui mừng vì giá bán mận cao hơn năm ngoái.
Trên đôi bàn tay chai sần, ông Địa nhanh tay cầm vài trái mận chín mọng mời chúng tôi thưởng thức rồi nói với giọng hổn hển: "Cuối vụ này mận bán được giá cao nên bà con ai cũng vui mừng. Nếu không mất mùa, năm nay bà con trúng lớn rồi và nhà tôi chắc cũng phải thu được trên 10 tấn quả".
Trò chuyện với chúng tôi, ông Địa kể: Năm 1993, mảnh đất này được gia đình trồng dâu nuôi tằm – nghề mà bà con hay gọi là “nuôi con ăn cơm đứng”. Thời đó, cuộc sống của người dân nơi đây còn rất khó khăn, không điện, không nước nên tôi chỉ duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm được vài năm rồi chuyển sang trồng mận và cà phê.
Những trái mận chín mọng của gia đình ông Địa đang được xếp vào giỏ để chở đến nơi tập kết.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật chăm sóc cây mận, ông Địa cho biết: Để cây mận sinh trưởng và phát triển tốt, phải làm tốt công việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại.
Những cành mận sai trĩu quả trong vườn nhà ông Địa đang bước vào vụ thu hoạch cuối cùng.
“Mỗi năm, tôi chia làm 3 đợt để bón phân. Đợt 1, bón vào tháng 3, dùng phân chuồng ủ hoai mục kết hợp với phân hóa học để cung cấp chất dinh dưỡng nuôi hoa, quả mận. Đợt 2, sau khi thu hoạch xong, tháng 6, 7 dùng phân lân Lâm Thao, kali và một số phân khác bón cho vườn mận. Đợt 3, đến tháng 11, bón thêm phân hóa học để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trước khi ngủ đông. Cứ mỗi năm, tôi lại chuyển sang sử dụng một loại phân khác” – ông Địa tiết lộ.
Ông Địa bảo: Gia đình thường xuyên được cán bộ Hội Nông dân, khuyến nông đến tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây mận nên năm nay diện tích mận của nhà không bị sâu bệnh nào tấn công".
Theo ông Địa, ngoài bón phân, cần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và đốn tỉa cành tạo tán cho cây mận. Việc làm này sẽ giúp một số cành chính phát triển khỏe hơn, cây được thông thoáng và hạn chế được một số loại sâu bệnh thường gây hại cho cây mận như sâu, rệp trú ẩn.
Hiện, ông Địa có 1,9 ha mận. Nhiều cây có độ tuổi từ 18 – 20 năm nên cho chất lượng quả rất ngon. Năm 2018, ông Địa thu được 8 tấn quả tươi, với giá bán bình quân là 9.000đ/kg, thu được trên 70 triệu đồng.
Ngoài giống mận màu đỏ, ông Địa còn trồng được loại mận vàng cho chất lượng quả ngon ngọt không kém.
“Năm nay, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, mận ít quả nên gia đình mới thu được 4 tấn. Giá mận vụ này cao hơn năm ngoái tới 4.000đ, với giá bán tại vườn từ 13.000đ – 15.000đ/kg. Sau 2 tháng thu hoạch mận tôi đã thu được trên 50 triệu đồng” – ông Địa bảo vậy.
Theo ông Địa, làm nông nghiệp khá vất vả nhưng khi nhìn thấy vườn cây trái cho quả ngọt hái ra tiền, các thành viên trong gia đình ai nấy đều phấn khởi.
Ông Địa cho hay: So với các loại cây trồng khác thì cây mận cho hiệu quả kinh tế cao và tốn ít công chăm sóc hơn. Đối với người dân vùng cao chúng tôi, chỉ trong 2 tháng thu hái quả bán mà cũng kiếm được 50 triệu đồng là phấn khởi lắm rồi.
Từ trồng cây mận, đời sống gia đình ông Đỉa đang ngày một nâng lên. Trong thời gian tới, ông Địa sẽ tiếp tục áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc vườn mận của nhà để nâng cao năng suất, sản lượng. Đồng thời, chuyển đổi diện tích cây cây cà phê còn lại sang trồng mận để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Theo PV tây Bắc/ Dân Việt
Xem bài viết gốc tại đây