"Chiếm chỗ" ở siêu thị châu Âu, Mỹ, quả chuối phải đạt 62 tiêu chí
- Thứ tư - 25/04/2018 10:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tìm chỗ đứng ở thị trường khó tính
Vài năm gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) như tiêu, điều… đã có chỗ đứng vững tại một số thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, một số sản phẩm mới như: Chuối, ca cao, trái cây... cũng bước đầu có thị phần ở thị trường nước ngoài.
Thu hoạch dưa lưới tại nông trại ECO Farm (thị trấn Ngãi Giao, Châu Đức, BRVT). Ảnh: Phong Thuận
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong 2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt 3,3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2017. Tại BRVT, tính đến hết tháng 3.2018, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản đạt 37,38 triệu USD, tăng 11,07%. Thị trường xuất khẩu chính của các mặt hàng này là châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… |
Thế nhưng để có mặt tại các thị trường này không phải là điều đơn giản và câu chuyện xuất khẩu chuối của Công ty Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Thiện Thoa (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) là một ví dụ điển hình.
Từ năm 2016, Thiện Thoa đã đầu tư trồng 115ha chuối tại xã Xuân Sơn để xuất khẩu. Theo ông Lê Quốc Trầm - đại diện công ty, chuối được trồng theo quy trình VietGAP, bắt buộc kiểm soát chặt chất lượng về giống, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản. Để “chiếm chỗ” trong siêu thị các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…, chuối của công ty phải bảo đảm 62 tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Hiện tại, các sản phẩm rau, củ của BRVT cũng đang nỗ lực tìm đường xuất ngoại. Ông Cao Nhật Anh Tú - Giám đốc trang trại Vifarm (phường 12, TP. Vũng Tàu) cho hay, ngày 10.3 vừa qua, đơn vị đã ký kết hợp tác với Công ty DL Edvance (Singapore) trong lĩnh vực sản xuất rau sạch công nghệ cao.
Theo đó, phía Singapore hỗ trợ Vifarm trong việc xây dựng thương hiệu, marketing và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Hiện Vifarm đang làm thủ tục để sản phẩm của trang trại được cấp chứng nhận GlobalGAP, đồng thời làm việc với các đối tác Singapore, Nhật Bản, Mỹ... để xuất khẩu rau, củ.
Quy hoạch vùng chuyên canh, xây dựng thượng hiệu
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, BRVT có nhiều nông sản thơm ngon như bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng, thanh long ruột đỏ, mãng cầu, dưa lưới,… Tuy nhiên, hiện đang có quà nhiều trở ngại lớn khiến các sản phẩm này khó có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường nước ngoài vốn khó tính.
Ông Phan Thế Hoành - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) cho biết, từ năm 2009, sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của HTX đã được đối tác Nhật Bản sang tìm hiểu. Tuy nhiên, do diện tích canh tác nhãn còn ít, không đáp ứng được yêu cầu về sản lượng nên bị khách hàng từ chối.
“Do vậy, ngoài việc canh tác theo quy trình chất lượng cao, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, quy hoạch vùng chuyên canh lớn. Đồng thời, cần dự báo, định hướng thị trường và tăng cường công tác xúc tiến thương mại để nông sản BRVT, trong đó có nhãn xuồng, có cơ hội xuất ngoại” - ông Hoành nói.
Theo đại diện Công ty Thiện Thoa Lê Quốc Trầm, do nông dân chủ yếu trồng nhỏ lẻ, chạy theo phong trào nên sản phẩm thường không đạt đủ các tiêu chuẩn về ATVSTP, dẫn đến khó xuất khẩu. Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh BRVT Vũ Bích Hảo cho rằng, để vươn ra thị trường thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần sớm giải bài toán chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường và những ưu đãi mà hàng xuất khẩu Việt Nam được hưởng.
Theo Phong Thuận/ Dân Việt