Chính phủ không có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng ngày 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, trong cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển của Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9/2017. Trong nhiều bài viết của các nhà ngôn ngữ học, có bài “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế của PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) với đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt.

Theo đó, ông Bùi Hiền cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...

Những bất hợp lý mà PGS Bùi Hiền đưa ra gồm: Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).

Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.

Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.

Ngay khi thông tin về ý tưởng cải tiến ngôn ngữ của PGS.TS Bùi Hiền xuất hiện trên mạng xã hội, dư luận đã tranh cãi khá gay gắt.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, tiếng Việt hiện tại không cần thiết cải tiến. Nếu cải tiến sẽ có nhiều hệ lụy như kho tư liệu đồ sộ cũ chuyển sang chữ viết mới thì sẽ xử lý như thế nào. Hơn nữa, để thay đổi sẽ phải mất rất nhiều thời gian: thay đổi nhận thức, thay đổi cách học, cách dạy, sách giáo khoa cũng phải thay đổi, các văn bản, sách, báo, rồi lập trình chữ viết trên máy tính… Một số ý kiến cho rằng, ý tưởng cải tiến này khá rối rắm, không thể chấp nhận.

Trước ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng và cho rằng: "Để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Và, ngày 1/12, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: "Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ".

Theo Nhật Hồng/Dantri