Chính phủ muốn đẩy vốn vào nông nghiệp

Chính phủ muốn đẩy vốn vào nông nghiệp
Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành, những cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thể vay không cần tài sản thế chấp tối đa lên đến 3 tỷ đồng, đây là mức lớn hơn nhiều lần so với quy định trước đây. Với việc nới rộng này, dường như Chính phủ muốn đẩy mạnh vốn vào nông nghiệp - nông thôn để thúc đẩy khu vực này phát triển. Tuy nhiên, dù chính sách đã “bật đèn xanh” nhưng làm sao để các NH đẩy mạnh giải ngân không phải là vấn đề dễ dàng.

Vay tín chấp tối đa đến 3 tỷ đồng

Nghị định 55/2015/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp-nông thôn nhằm tiếp tục khơi thông nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp-nông thôn. Theo đó, bổ sung đối tượng được vay vốn phát triển nông nghiệp-nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đều được tiếp cận chính sách ưu đãi của Chính phủ.

 

Hiện tại, NH Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đang đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp với nhiều dự án phát triển cây mắc ca thành cây chiến lược. NH sẽ dành 20.000 - 22.000 tỷ đồng để cho vay phát triển mắc ca tại Việt Nam. Đây cũng là nội dung chiến lược của LienVietPostBank trong việc hướng tới khu vực nông nghiệp-nông thôn, hỗ trợ tối đa cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Đức Hưởng,
Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank

 

Một trong những nội dung quan trọng nhất của Nghị định 55 chính là hạn mức cho vay. Với Nghị định 41, hạn mức cho vay không có tài sản thế chấp tối đa 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại. Nhưng tại quy định mới, mức cho vay được nâng lên 1,5 đến 2 lần.

Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp có thể được vay 50-100 triệu đồng  không cần tài sản thế chấp; vay đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm mức vay có thể tối đa 200 triệu đồng; hộ nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản xa bờ có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được vay tín chấp tối đa 500 triệu đồng. Các NH được phép cho vay tín chấp tối đa lên 3 tỷ đồng cho liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ  không cần tài sản thế chấp.

Tình trạng “khát vốn” trong khu vực nông nghiệp-nông thôn tồn tại khá nhiều năm. Đây là lĩnh vực có nhu cầu lớn về vốn để đầu tư ban đầu như máy móc thiết bị (tưới tiêu, chăm sóc cây trồng, làm đất, bảo quản…), phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, phương tiện vận chuyển…

Tuy nhiên, vấn đề cản trở nguồn tín dụng đến với người tham gia lĩnh vực này chính là thu nhập bình quân còn thấp và các NH cũng không mặn mà với các khoản vay nhỏ đầy rủi ro ở khu vực nông thôn. Hiện nay, nguồn cung cấp vốn chủ yếu vẫn là các đơn vị như NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), NH Chính sách xã hội, NH Phát triển Việt Nam và hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân.

Cơ hội cho khu vực nông thôn?

Việc mở rộng đối tượng được vay vốn để sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp và nâng hạn mức cho vay tín chấp được xem là giải pháp tốt để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Theo ý kiến của một số chuyên gia, trước đây những người làm nông nghiệp chủ yếu là trồng cà phê, cây ăn quả và hoạt động nhỏ lẻ khác thường khó được vay tín chấp. Vấn đề phân bổ vốn đầu tư của các TCTD vào đây cũng được nhiều chuyên gia đánh giá thiếu cân xứng, thiếu trọng điểm và chưa hợp lý.

Vốn của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu để thực hiện các chương trình, dự án dài hạn, do việc thiếu nguồn vốn giá rẻ nên lãi suất các khoản cho vay thương mại đối với nông nghiệp - nông thôn ở mức rất cao đã từng xảy ra. Việc ra đời của quy định mới này được kỳ vọng mở ra một cơ hội mới cho khu vực nông nghiệp-nông thôn. Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng (NHNN), chính sách mới không chỉ khuyến khích các TCTD mạnh dạn cho vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH.

 

Bầu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Ngã 3 Giồng, huyện Hóc Môn, TPHCM. 
Ảnh: CAO THĂNG

 

Thực tế, hiện nay nhiều NHTMCP đang tập trung mạnh vào lĩnh vực bán lẻ, cho vay tiêu dùng và chưa mặn mà lắm với tín dụng nông thôn. Mặc dù việc giải ngân cho lĩnh vực này đã có sự tăng trưởng nhanh hơn so với trước.

Tính đến cuối tháng 5-2015, tín dụng lĩnh vực này ước đạt 798.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7,17% so với 31-12-2014, chiếm khoảng 19,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Nếu so với cuối năm 2009, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đã tăng gấp 2,5 lần. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để các NH xem nông nghiệp là lĩnh vực tiềm năng để cho vay vốn. Nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại khi khoản vay không có tài sản thế chấp tăng lên liệu có rủi ro cho NH.

Theo một cán bộ tín dụng, việc vay tín chấp rất khó khăn, nhiều khi họ không có tài sản thế chấp hoặc giá trị tài sản thế chấp chưa bằng vốn vay. Đó là chưa tính đến trường hợp rủi ro do những thiệt hại từ thiên tai hoặc dịch bệnh. Do đó, người vay phải có một kế hoạch kinh doanh và trả nợ khả thi việc giải ngân sẽ dễ dàng hơn.

Thực tế hiện nay việc cho vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn chủ yếu là Agribank và hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân, NH Chính sách Xã hội, còn lại các NHTM khác rất dè dặt. Ngoài nguyên nhân cho vay khu vực này khá rủi ro và chi phí quản lý cao, một nguyên nhân quan trọng là Chính phủ chưa có những chính sách cụ thể để khuyến khích các NHTM tham gia.

Việc nâng hạn mức cho vay tín chấp ở khu vực nông nghiệp-nông thôn sẽ có tác dụng khá tích cực. Tuy nhiên, kỳ vọng nó sẽ tạo ra luồng gió mới về tín dụng đối với khu vực này là rất khó. Vì vậy, nếu muốn thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn như mục tiêu của Nghị định cần thêm nhiều biện pháp đi kèm.

Theo saigondautu.com.vn