Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn: Tiếp sức cho nông dân làm giàu

Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn: Tiếp sức cho nông dân làm giàu
Thực hiện thỏa thuận liên ngành về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa Hội Nông dân (HND) Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, nhiều hội viên nông dân trong tỉnh Bắc Giang được tạo điều kiện vay vốn đầu tư phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập.

Tiếp sức cho hội viên

Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Chu Thúc Lực, thôn Đông Long, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) được xây thành nhiều dãy, chăm sóc theo quy mô công nghiệp; doanh thu khoảng 4-5 tỷ đồng/năm. Anh kể, anh học chuyên ngành về thú y nên muốn áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn nhưng trước đây, kinh tế gia đình khó khăn chưa đủ điều kiện đầu tư. Đang loay hoay tìm nguồn vốn thì năm 2013, thông qua Hội Nông dân xã, anh được vay 500 triệu đồng, lãi suất 9%/năm từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện.

Nông dân xã Quảng Minh (Việt Yên) tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển vùng sản xuất rau, màu tập trung.

Nông dân xã Quảng Minh (Việt Yên) tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển vùng sản xuất rau, màu tập trung.

 Với số tiền này, anh gia cố chuồng trại, nuôi 80 lợn nái và 10 con lợn đực giống. Sau gần một năm, anh bán hơn 1 nghìn con giống, tổng doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại còn bán tinh lợn giống, cung cấp ra thị trường từ 20-40 liều/ngày. Anh vừa bán hơn 300 con lợn giống với giá 1,5 triệu đồng/con; khoảng hơn 1 tháng nữa xuất chuồng 100 con lợn thịt. Với quy mô chăn nuôi như vậy, anh vẫn vay 500 triệu đồng của ngân hàng làm vốn lưu động mua thức ăn chăn nuôi.

Xã Quảng Minh hiện có 10 tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT hoạt động hiệu quả, trong đó hơn 230 hội viên nông dân được tiếp cận, tỷ lệ trả nợ đúng hạn đạt 100%. Nguồn vốn này giúp nhiều hộ ở các xã như: Nghĩa Trung, Bích Sơn, Mai Hương, Thượng Lan, Tự Lạn… có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất. Theo ông Chu Bá Tuân, Chủ tịch HND huyện, đến nay trên địa bàn huyện có gần 5 nghìn hội viên nông dân được vay vốn thông qua chương trình phối hợp ủy thác giữa Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với HND; tổng dư nợ đạt hơn 238 tỷ đồng.

Cũng từ nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện Lạng Giang có hơn 2 nghìn hội viên nông dân vay vốn. Nhiều gia đình có cơ hội đầu tư làm giàu. Tiêu biểu như gia đình anh Đồng Xuân Lập, thôn 3, xã Hương Lạc. 5 năm trước, dù tài sản thế chấp chưa đủ để vay 500 triệu đồng nhưng thông qua HND bảo lãnh, anh đã tiếp cận được nguồn vốn. Hiện mô hình trang trại chăn nuôi lợn kết hợp kinh doanh cám công nghiệp của gia đình anh cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Anh trở thành tấm gương sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của huyện.

Phát huy hiệu quả đồng vốn

Theo HND tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 33 nghìn hội viên nông dân được vay vốn, với tổng dư nợ đạt hơn hơn 1.695 tỷ đồng ở 10 huyện, TP. Nguồn vốn này đã góp phần giúp các hội viên nông dân có thêm điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tăng thu nhập.

Nhờ nguồn vốn vay ủy thác qua các cấp hội nông dân, nhiều hội viên xã Ngọc Châu (Tân Yên) có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất.

Nhờ nguồn vốn vay ủy thác qua các cấp hội nông dân, nhiều hội viên xã Ngọc Châu (Tân Yên) có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất.

Để thực hiện có hiệu quả các chương trình, bên cạnh tư vấn, cung cấp thông tin cần thiết cho các hộ có nhu cầu vay vốn, sau khi giải ngân, cán bộ ngân hàng và HDN các huyện, TP phối hợp, đôn đốc giám sát để bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời thành lập các tổ vay vốn do HND quản lý, nhận ủy thác để giải ngân ở thôn, bản, tổ dân phố. Các tổ đều có ban quản lý; trong đó có tổ trưởng, tổ phó làm nhiệm vụ tuyên truyền cách tiếp cận và đôn đốc hội viên trả lãi, gốc đúng hạn.

Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, nông dân, vay vốn, ưu đãi vốn, đầu tư phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập.

Do nguồn Qũy hỗ trợ nông dân còn hạn chế, HND tỉnh tiếp tục chỉ đạo HND 10 huyện, TP kiểm tra, đôn đốc các tổ vay vốn của hội nâng cao hiệu quả hoạt động; thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn hội viên tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng để phát triển sản xuất”.

 

Ông Bùi Thế Chung, Chủ tịch HND tỉnh.

Tại huyện Yên Dũng, HND thành lập 53 tổ vay vốn. Các tổ thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để kịp thời tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục vay vốn. Khi có nhu cầu vay, hội viên không phải trực tiếp đến ngân hàng mà được tổ vay vốn hướng dẫn điền các thông tin trong hồ sơ tại xã. Đến nay, toàn huyện có gần 2 nghìn nông dân được tiếp cận.

Ông Bùi Thế Chung, Chủ tịch HND tỉnh khẳng định, hiện nay các cấp HND trong tỉnh đang trực tiếp quản lý nguồn Qũy hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, số vốn này rất ít, không đáp ứng được nhu cầu của hội viên. Thông qua chương trình phối hợp vay vốn giữa HND với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân trong tỉnh tiếp cận vốn thuận lợi, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, đời sống của bà con cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn năm 2018 đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, HND tỉnh tiếp tục phối hợp với hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 100% cán bộ các tổ vay vốn. HND tỉnh chỉ đạo HND các huyện, TP cử cán bộ phụ trách thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất và hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả đồng vốn trong phát triển kinh tế, nang cao thu nhập.

Theo Báo Bắc Giang