Chính thức siết giải ngân vốn vay bằng tiền mặt từ hôm nay

Quy định có hiệu lực sẽ giúp việc giải ngân vốn tín dụng qua tài khoản kiểm soát được chuyện khách hàng sử dụng vốn ngay từ đầu.

Thông tư 21/2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay, 2/4/2018.

Theo đó, việc giải ngân vốn vay bằng tiền mặt sẽ bị siết chặt, thu hẹp lại. Mục đích của quy định nhằm giám sát mục đích sử dụng vốn. Việc giải ngân vốn tín dụng qua tài khoản sẽ kiểm soát được chuyện khách hàng sử dụng vốn ngay từ đầu. Từ đó, tránh trường hợp khách hàng lợi dụng vay vốn để đảo nợ từ nơi này sang nơi khác dẫn tới phát sinh nợ xấu. 

Quy định siết giải ngân vốn vay bằng tiền mặt có hiệu lực từ ngày hôm nay, 2/4. (Ảnh minh họa: KT)
Quy định siết giải ngân vốn vay bằng tiền mặt có hiệu lực từ ngày hôm nay, 2/4. (Ảnh minh họa: KT)

Quy định cũng nêu rõ, tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong các trường hợp:

Khách hàng thanh toán, chi trả cho các mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

Khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán; chi trả các chi phí thuộc phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật.

Khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn...

Các trường hợp được giải ngân tiền mặt bao gồm những khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Hoặc khách hàng là bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Chung Thủy (VOV.VN)