Chính thức thông qua đề án "Tôm nước lợ", tiếp tục đổi mới nông lâm trường
- Chủ nhật - 05/11/2017 03:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chính thức thông qua Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Tôm nước lợ"
Tôm nước lợ chính thức là sản phẩm quốc gia.
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Tôm nước lợ" (gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng) thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Mục tiêu nhằm góp phần phát triển ngành tôm công nghiệp tôm nước lợ có khả năng cạnh tranh trên cơ sở áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến gắn với tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đến năm 2020, thúc đẩy tạo vùng nuôi tôm sú hữu cơ ở Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng tôm sú hữu cơ đạt trên 1.000 tấn/năm; vùng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp tập trung ở một số tỉnh trọng điểm, sản lượng tôm thẻ chân trắng an toàn thực phẩm đạt trên 7.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, góp phần dịch chuyển nghề sản xuất tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, thân thiện với môi trường và hội nhập quốc tế. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập của các thành phần trong chuỗi ngành hàng tôm nước lợ tăng trên 20% so với năm 2016; tạo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động ở các địa phương.
Đến năm 2020, làm chủ được quy trình công nghệ gia hoá, chọn giống và sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng chất lượng cao (sạch/kháng một số bệnh thường gặp, sinh trưởng nhanh, thích nghi với các điều kiện môi trường) tương đương thế giới; Xây dựng được quy trình công nghệ nuôi tôm sú hữu cơ đạt năng suất tăng trên 10% so với mô hình truyền thống, sản phẩm đạt tiêu chuẩn tôm sú hữu cơ của Việt Nam và quốc tế. Xây dựng được quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp (năng suất ổn định từ 35-40 tấn/ha/vụ), sản phẩm đạt tiêu chuẩn tôm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Xây dựng được quy trình công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ liệu chế biến tôm nước lợ và vỏ tôm thu từ ao nuôi.
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết tình hình sắp xếp, đổi mới (SX-ĐM) và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (CTNLN) giai đoạn 2015 - 2017 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 về SX-ĐM và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của CTNLN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 30, đạt kết quả bước đầu quan trọng. Thời gian tới, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có CTNLN tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW, Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp từ nay đến cuối năm 2017, bảo đảm hoàn thành SX-ĐM các CTNLN trong năm 2018. Các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt Đề án của các CTNLN theo Đề án tổng thể của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 4-2017.
Bộ NN-PTNT phối hợp Văn phòng Chính phủ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị của các địa phương, đơn vị đề nghị điều chỉnh mô hình sắp xếp các công ty trong tháng 11-2017. Xử lý dứt điểm các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; tiếp tục rà soát kế hoạch sử dụng đất đối với các công ty chưa thực hiện và diện tích công ty giao địa phương quản lý sử dụng; hoàn thành đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các CTNLN trong quý 2-2018...
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề SX-ĐM, nâng cao hiệu quả các CTNLN hết sức quan trọng, nằm trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), liên quan lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Vì vậy, phải hoàn thành các việc điều chỉnh, phê duyệt phương án trong quý 4 này. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể, các địa phương phải khẩn trương có đề án thực hiện, phấn đấu hoàn thành công tác SX-ĐM cuối năm 2018. Bộ NN-PTNT phối hợp Ban Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc SX-ĐM các CTNLN, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ mọi khó khăn, nhất là về đất đai, phương án sử dụng, vướng mắc trong cổ phần hoá, nợ đọng tín dụng...; sớm tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ đề xuất điều chỉnh các phương án SX-ĐM; tổng hợp định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện.
Theo Bộ NN-PTNT, tổng diện tích các CTNLN quản lý, sử dụng trước khi sắp xếp lại là 2.366.397 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 404.898 ha; đất lâm nghiệp 1.869.693 ha; đất phi nông nghiệp 35.368 ha; đất chưa sử dụng 1.458 ha. Đến ngày 15-9-2017, giá trị tài sản theo sổ sách của các CTNLN là 53.125 tỷ đồng; bình quân lợi nhuận trước thuế ba năm 2014 - 2015 - 2016 là 2.174 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.779 tỷ đồng...
Hòa Bình sắp có thêm thương hiệu cam Lạc Thủy
Cam Lạc Thủy đã khẳng định được thương hiệu.
Ngoài thương hiệu cam Cao Phong đã và đang được xây dựng, cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình đang triển khai các bước nâng tầm sản phẩm cam của huyện Lạc Thủy. Được biết cam trồng trên đất Lạc Thủy ăn cũng rất thơm ngon.
Theo thống kê của huyện Lạc Thủy, toàn huyện hiện có 996 ha cây có múi, trong đó diện tích cam 668ha. Tính riêng diện tích cam được trồng mới kể từ năm 2015 đến nay là khoảng 465 ha; trong đó, năm 2017 trồng thêm 213 ha.
Những vùng cam rộng lớn nhất của Lạc Thủy phải kể đến xã Liên Hòa có 214 ha, xã Phú Thành 286 ha, thị trấn Thanh Hà 140 ha, Thanh Nông 50 ha, Phú Lão 40 ha. Hiện nay, trên 30% tổng diện tích cây ăn quả có múi vào thời kỳ kinh doanh, năng suất bình quân đạt 25 - 30 tấn cam/ha ở niên vụ 2016 - 2017.
Theo ông Hoàng Đình Chính, Phó phòng NN & PTNT huyện Lạc Thủy, 100% hộ trồng cam đều áp dụng quy trình chăm sóc, sử dụng các chế phẩm sinh học, bón phân hữu cơ trộn với vôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường.
Cam Lạc Thủy quả to, đều 4-5 quả/1kg, nhiều nước, ngọt và có mùi thơm mát. Những năm qua, vùng cam này đã được tư thương ở nhiều nơi biết đến. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu như cam Cao Phong, nên người dân nơi đây bán cam chưa được giá.
Trước hiện trạng này, UBND huyện Lạc Thủy đã xúc tiến quy trình xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cam Lạc Thủy với các bước xây dựng hệ thống nhận diện cho sản phẩm, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật và bảo quản cam Lạc Thủy. Ngoài ra, huyện cũng tiến hành xây dựng hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể, đăng kỹ sở hữu trí tuệ mang nhãn hiệu tập thể cam Lạc Thủy, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể và giới thiệu sản phẩm cam Lạc Thủy tại các cửa hàng nông sản.
Hiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể sản phẩm cam Lạc Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH & CN chấp nhận và quyết định cấp nhãn hiệu tập thể. Lễ công bố nhãn hiệu tập thể cam Lạc Thủy sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 11 này.
VASEP lo xuất khẩu cá ngừ bị ảnh hưởng vì 'thẻ vàng"
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết: Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 430 triệu USD tăng đến 21% so cùng kỳ 2016; hầu hết các thị trường bao gồm cả Mỹ và EU đều tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, việc EU “rút thẻ vàng” đối với hải sản VN lý do vi phạm các nguyên tắc IUU (chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý) làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu uy tín, thương hiệu của ngành hải sản mà cụthể là mặt hàng cá ngừ của VN.
Hải sản Bến Tre bất ngờ giảm giá sâu
Giá hải sản tại Bến Tre đang giảm sâu.
Hơn một tuần qua, tại 2 cảng cá lớn nhất tỉnh Bến Tre là Ba Tri và Bình Đại, giá các loại hải sản đồng loạt giảm từ 3.000 - 7.000 đồng/kg.
Cụ thể, cá chỉ vàng còn 12.000 đồng/kg, cá đổng 20.000 đồng/kg, cá bò loại lớn (để làm khô) 10.000 đồng/kg. Riêng khô mực loại 1 chỉ còn 460.000 đồng/kg (giảm hơn 50.000 đồng/kg)… Ngư dân Phạm Văn Tuấn (xã An Thủy, H.Ba Tri) băn khoăn: “Không hiểu sao giá hải sản tuần qua lại giảm sâu và đồng loạt như vậy. Đây là điều thật bất thường”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Bình Đại, cho biết ngư dân trong huyện hiện sở hữu hơn 1.500 tàu cá, tổng sản lượng đánh bắt từ đầu năm đến nay hơn 70.000 tấn các loại, trong đó hơn 30% hải sản (chủ yếu là mực) là mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện tất cả ngư dân địa phương chỉ bán sản phẩm thô cho thương lái và qua nhiều khâu trung gian, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Về vấn đề giá hải sản giảm sâu, ông Dũng cho rằng vẫn chưa xác định được do tác động của “thẻ vàng EU” hay do cán cân cung - cầu của thị trường.
Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, hiện ngư dân trong tỉnh sở hữu gần 4.000 tàu cá các loại, tổng sản lượng hằng năm trên 200.000 tấn hải sản. Hầu hết tàu cá tham gia đánh bắt trên vùng biển VN và có báo cáo đều đặn đến Chi cục Thủy sản Bến Tre. Vì vậy, chỉ cần ghi chép lại hải trình và khi lên bờ đến đối chiếu với nhật ký của cơ quan này sẽ có hồ sơ truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của ngư dân.
Khánh Nguyên (tổng hợp)/ Báo Kinh tế nông thôn