Chợ cỏ!

Chợ cỏ!
Thật là khiếm khuyết khi lên Bắc Hà khách tham quan chỉ chú ý thắng cố, thổ cẩm hay là những chú ngựa... mà ta không quan sát, chiêm ngưỡng cái đông vui rất riêng của chợ cỏ.
3-200655171926475
Chợ bán cỏ Bắc Hà.

Bản đồ tự nhiên của huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã phân vùng trồng các loại cây: Bản Liền thì trồng cây chè Tuyết Shan, Cốc Lầu thì trồng rừng bồ đề để làm nguyên liệu cho nhà máy giấy Bảo Yên trong tương lai gần. Xã Nậm Đét thì vẫn trồng cây quế, là loại cây xoá đói giảm nghèo cho xã  nhà…

Trên mảnh đất cao nguyên trắng này đã từ lâu đời nuôi các loại gia súc. Có tiếng nhất vẫn là nuôi ngựa. Những chú ngựa được nuôi dưỡng và thuần phục, chải chuốt đã làm cho Bắc Hà thêm nổi tiếng. Ngựa đã quen với công việc của người vùng cao: Khi thì cùng người lên nương rẫy, sáng sớm cùng người xuống chợ.

Để cho bốn chân ngựa thêm vững vàng, người ta thường đóng móng cho ngựa. Những dốc đá gan gà, những cổng trời mây bay lãng đãng, có móng đóng thì ngựa đi mới vững. Trời có khi khí hậu chuyển mùa giá rét thì chân ngựa đỡ long móng. Gùi trên mình những món hàng nặng đến sáu, bảy mươi cân, ngựa cần mẫn giúp người đi phăng phăng.

Người vùng cao đón tết. Trước hết là mổ lợn ngay từ đầu hay giữa tháng Chạp. Thứ hai là lo sắm sửa cho hội say sán. Con ngựa cứ theo người về chợ, đi chơi xa thì còn phải cho ngựa ăn no. Trong máng ngựa phải đổ đầy cỏ, cho ngựa ăn thêm cám, ăn ngô, che chúm cho ngựa khỏi bị gió rét tràn về. Từ giữa tháng Chạp thì chủ đã lo mua cỏ cho ngựa. 

Thật là khiếm khuyết khi lên Bắc Hà khách tham quan chỉ chú ý thắng cố, thổ cẩm hay là những chú ngựa... mà ta không quan sát, chiêm ngưỡng cái đông vui rất riêng của chợ cỏ, đây là hình ảnh mang tính đặc trưng  chỉ có ở chợ vùng cao. Tấp nập nhất là ngày 28 tết, từ 9 giờ sáng  chợ Bắc Hà tràn ngập cỏ. Những sinh cỏ từ mảnh đất Nậm Mòn lên, từ Bản Liền sang, xa hơn thế nữa là  từ Trung Đô thuộc xã Bảo Nhai … Cỏ từ khắp mọi nơi đều tề tựu đầy đủ về thị trấn Bắc Hà.

Hiệu thuốc Bắc Hà tấp nập hơn mọi ngày, đối diện với cửa hàng bán thuốc, trên vỉa hè phía bên phải, giáp con đường vào xã Na Hối từng dãy hàng cỏ đã xếp lên nhau.

Bên cạnh là những đoàn xe ngựa đang chờ vận chuyển, cỏ ở đâu về nhiều đến thế, từng chuyến, từng chuyến hạ thồ, trải bạt, dải cở ra để bán. Cỏ là cây thảo mộc, những lá to, lá nhỏ khác nhau. Cỏ được bó thành từng đon, từng đon và được gom lại thành từng bó lớn.

Mấy chị đang thoăn thoắt lưng dắt liềm, tay bó cỏ. Những đon cỏ được vuốt lại cho đều, ngọn và thân cỏ được gấp và cuốn lại. Từng bó, từng bó được trải đều song song và gom lại thành bó to. Mua đi anh, mỗi bó to này là 80.000 đồng, hai bó là một sinh hang 160.000 ngàn. Và cứ thế, người bán, kẻ mua, xe ngựa, xe máy đan nhau tất bật.

480.000 ngàn là đủ nuôi cho ngựa ăn được 3 ngày. Thật rẻ và tiện. Người con gái dân tộc Tày từ nãy đến giờ còn lưỡng lự, nâng lên, đặt xuống và bây giờ mới ngã giá. Chị lấy hai sinh cỏ và thồ trên xe máy. Từ nãy đến giờ, người phụ nữ dân tộc Phù Lá vẫn chăm chút từng đon.

Cỏ lá mỏng và nhỏ, chị phân loại ra một bó, ba mươi bó bé sẽ hợp lại thành nửa sinh, sáu mươi bó sẽ được một  thồ. Chị nhẩm tính từ sáng đến trưa cả thảy là được 4 chuyến. Một trăm sáu mươi  nhân bốn  được 640.000 đồng. Như vậy cũng đủ sắm sửa cái tết.

Cỏ, món thảo mộc hấp dẫn cho những chú ngựa mấy ngày tết đứng dồn chân trong chuồng trình tường mái dốc. Cái vị ngọt ngào của cỏ cùng hương vị âm ấm của cám ngô làm cho chú ngựa cứ lắc cái đầu, phì phì gọi chủ. Dường như chúng cũng cảm nhận được sự nâng niu chiều chuộng.

Chợ cỏ. Cái tên nghe đến ngộ và dễ thương. Bên con đường cách 5 đến 7 mét với cổng đền Bắc Hà thờ quốc công Vũ Văn Mật là cành đào ngày tết, là hoa thược dược, lay ơn thì cỏ hòa lẫn với chợ hoa. Cái không khí tấp nập của kẻ bán, người mua tạo ra không gian đầm ấm. Mấy chú ngựa đang dồn chân, nhai cỏ bên chiếc xe chờ chở hàng mà người đánh xe ngồi vắt vẻo trên nó, bên cạnh con đường vào xã Na Hối tạo thành bức tranh sống động.

Đêm đến, khi màn sương buông, sợ chủ quên bữa, nó dồn chân lộc cộc gõ móng báo hiệu máng cỏ đã hết. Con người sửa soạn đón  tết với thịt mỡ bánh chưng, bánh gù, thịt treo, còn với các chú ngựa thì chỉ thèm vị mằn mặn của muối, vị ngọt ngào của cỏ, vị ngai ngái của cám ngô, sự chải chuốt của chủ từ bờm đến sống lưng khi chuẩn bị lên đường.

Nói đến cỏ thì cũng có đến năm bảy loại. Cỏ tươi non lá dài và mỏng, từng đốt cỏ giòn tan dễ gãy là loại cỏ mọc rất gần nguồn nước. Đất tốt thì lá cỏ nhỏ dài và mượt, cọng cỏ to, giữa những cọng kế tiếp nhau thường phồng lên một đoạn mà ta quen gọi là đốt. Cũng như xương cánh tay của con người có những khớp tạo ra những cái đòn gánh để gánh phần bả vai và phần bàn tay. Cỏ cũng như vậy. Tôi cầm trên tay nắm cỏ, ấy là lúc tôi đỡ sinh hàng hộ anh bạn ở xã Nậm Mòn. Nhìn kĩ từng đường gân, kẽ lá một lớp lông trên bề mặt của cỏ nhỏ li ti, li ti như có lớp sương bám vào.

Thổ nhưỡng Bắc Hà được chia cắt với địa hình phức tạp. Nơi thì núi cao, đá xanh xám như trảng lanh. Nơi thì thoai thoải hơi dốc về triền thung. Nơi ôm ấp, chở che cho cánh rừng đại ngàn. Và đất không chê các loại cỏ, cỏ lan trên mặt đất, cỏ phủ trên phiến đá tầng tầng lớp lớp, cỏ quấn quýt trong bìa rừng đại ngàn luồn sâu bám rễ giữ độ ẩm cho những cây thân gỗ, cỏ sinh sôi trải dài trên đám lá cây đã mục lâu ngày…

Tất cả cùng thời gian trôi qua đã tạo ra vành đai xanh với nhiều cung bậc khác nhau. Cỏ cũng thuần phác một màu xanh đại ngàn của núi rừng, có loại xanh xám như màu tro, loại xanh tươi non như màu mạ mới gieo hơn nửa tháng, có loại xanh đậm như lá tre, lá trúc đang ở độ tuổi bánh tẻ… Tất cả đã là nguồn nuôi dưỡng gia súc hấp dẫn. Món ăn thảo mộc, dân dã cũng tuỳ theo sở thích của từng loài.

Này nhé, loại cỏ bản to nhưng không dài như cỏ voi thì chỉ thích hợp cho trâu, bò. Còn các chú ngựa chỉ thích những loại cỏ mềm, mà ta nhìn kĩ trên bề mặt của lá có những lớp lông tơ mới nhú. Khi những đon cỏ được sắp đặt ngay ngắn trên bàn thái, chỉ nghe tiếng xoèn xoẹt, xoèn xoẹt là ta đã thấy sự ngon lành, ngọt ngào dến chừng nào.

ĐỖ VĂN DINH/ Nông nghiệp
 
  •