Chỗ dựa tin cậy cho kinh tế hộ phát triển

Nông dân xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Nông dân xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế hợp tác xã (HTX) đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình. Nếu nói “làm ruộng theo làng” thì làng ở đây chính là HTX dịch vụ nông nghiệp. Có thể nói, HTX là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho kinh tế hộ phát triển và đóng góp nguồn lực quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

 

Tỉnh Quảng Bình hiện có 126 HTX dịch vụ nông nghiệp, tập trung hầu hết tại hai huyện “vựa lúa” của tỉnh là Lệ Thủy và Quảng Ninh. Theo nhận xét của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phan Văn Khoa thì HTX nông nghiệp chính là “cánh tay” nối dài của ngành nông nghiệp và chính quyền cơ sở trong chỉ đạo, hỗ trợ nông dân sản xuất, nâng cao đời sống và xây dựng nông thôn mới.

Chúng tôi về huyện lúa Lệ Thủy, nơi mà kinh tế HTX thể hiện rõ nét nhất trong nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình. Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Phạm Hữu Thảo cho biết, toàn huyện có 63 HTX đang hoạt động tại 16 trong số 28 xã, trong đó nhiều xã có từ sáu đến tám HTX. Tổng số xã viên hơn 20 nghìn người, chủ yếu là đại diện hộ gia đình. Nhiều năm qua, HTX nông nghiệp ở Lệ Thủy thực hiện 14 khâu dịch vụ sản xuất, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu chính mà chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển. Mặt khác, các HTX hoạt động hiệu quả, tạo được nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất hoặc mở dịch vụ tín dụng nội bộ, cho xã viên vay ưu đãi để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới.

Xã An Thủy có diện tích trồng lúa chiếm hơn một phần tám diện tích toàn huyện Lệ Thủy. Xã có sáu HTX dịch vụ nông nghiệp đều làm ăn có lãi. HTX Lộc Thượng, xã An Thủy có cách làm hay, đó là dịch vụ cho vay vốn không cần thế chấp để hỗ trợ xã viên có vốn sản xuất, ưu tiên cho những hộ mở rộng ngành nghề mới. Nhờ vậy, nhiều hộ có thêm vốn mua sắm thuyền khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng, mua máy cày, xe vận tải nhỏ. Sau đó, HTX thuê các máy này thực hiện khâu làm đất và khấu trừ vào tiền vay. Bí thư đảng ủy xã An Thủy Trần Đức Tài cho biết: Sản xuất nông nghiệp của địa phương không thể tách rời vai trò của các HTX. Nói “làm ruộng theo làng” thì làng ở đây chính là HTX dịch vụ nông nghiệp, nếu HTX hoạt động tốt thì sản xuất phát triển và ngược lại. Do vậy, nhiều năm qua, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt các HTX đủ mạnh để tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ hiệu quả. Từ đó có thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng như đường liên thôn, kênh mương, nhà văn hóa,...

Thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy có hơn 830 hộ dân, 3.500 nhân khẩu song chỉ có 372 ha đất sản xuất, trong khi đời sống người dân trông chờ chủ yếu vào đồng ruộng. Trước thực tế ấy, các thành viên trong ban quản trị HTX trăn trở làm sao để nâng cao năng suất, sản lượng lúa, giúp bà con xã viên có thể làm giàu trên chính thửa ruộng của mình. Chủ nhiệm HTX Tuy Lộc Nguyễn Văn Hóa cho biết, mấu chốt của vấn đề là phải đổi mới bộ giống. Xác định yếu tố then chốt này, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều giống lúa mới có ưu thế về năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với sâu bệnh, hạn hán, đã được bổ sung, thay thế những giống cũ thoái hóa, không còn phù hợp điều kiện canh tác mới. Nhờ đó, nhiều năm qua, năng suất lúa của HTX Tuy Lộc đạt gần 1,2 tấn/ha/năm, dẫn đầu huyện Lệ Thủy. HTX còn định hướng và hỗ trợ xã viên phát huy lợi thế đồng ruộng chiêm trũng để tạo nên những mô hình mới có thu nhập cao như mô hình lúa - cá, lúa - cá - vịt,... Từ nguồn vốn lên tới bảy tỷ đồng, hằng năm HTX trích ra một khoản để cùng với chính quyền địa phương xây dựng các trục đường chính, làm nhà trẻ, bến nước, điện chiếu sáng công cộng,... Hiện, Tuy Lộc gần như không còn hộ nghèo, nhà cao tầng mọc lên san sát, đường liên thôn, liên xã được bê-tông hóa rộng rãi, khang trang. Năm 2014 xã Lộc Thủy được công nhận là xã nông thôn mới.

Tại huyện Quảng Ninh, kinh tế HTX cũng phát triển mạnh, phát huy được vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện có 47 HTX, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Kinh tế hộ gia đình được xác lập và củng cố, tính hợp tác trong sản xuất được mở rộng và nâng cao. HTX Thống Nhất, xã An Ninh là một trong những đơn vị điển hình của huyện Quảng Ninh. Trao đổi với phóng viên, Chủ nhiệm HTX Thống Nhất Nguyễn Hữu Viên cho biết: “Ngoài các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất cho xã viên, chúng tôi tập trung quy hoạch lại ô thửa, đầu tư bê-tông đường nội đồng để ô-tô đến được tận ruộng lúa. Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chúng tôi tập trung vào tiêu chí nâng mức thu nhập cho người dân. Từ thành công của mô hình lúa - cá - vịt, chúng tôi chuyển 50 ha lúa một vụ sang làm lúa, nuôi cá, chăn thả vịt và kết hợp nuôi lợn trên bờ đê. Mô hình mới này đã mang lại thu nhập mỗi năm hơn 70 triệu đồng/ha cho xã viên”.

Theo Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình, trong những năm qua, tuy chất lượng cán bộ HTX nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất. Hiện còn 22% số chủ nhiệm và gần 50% số trưởng ban kiểm soát HTX chưa được qua đào tạo, việc tổ chức sản xuất còn nặng về kinh nghiệm, thiếu tính đột phá. Vì vậy, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình sẽ phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn các HTX chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012; thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhằm nâng cao năng lực điều hành, hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. 

BÀI VÀ ẢNH: HƯƠNG GIANG
Theo nhandan.org.vn