Cho rừng thêm xanh (bài 1): Khi nông dân làm chủ rừng
- Chủ nhật - 11/12/2016 22:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người tôi gặp đầu tiên của chuyến lên rừng là cựu chiến binh Nguyễn Giang Nam (xóm Tân Cầu, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh). Nghe nói đến rừng, hỏi chuyện làm rừng..., anh như quên hết mọi chuyện. Theo lời anh, năm 1982, sau khi xuất ngũ trở về quê hương với hai bàn tay trắng, anh mạnh dạn làm đơn xin UBND xã giao 13 ha đất hoang hóa để trồng rừng. Nhiều người lắc đầu nhìn anh ái ngại. Nhưng sau nhiều năm khai hoang, mở đất, năm 1994, gia đình anh đầu tư trồng hơn 12 ha rừng tràm; năm 1999, trồng thêm 200 cây dó trầm. Sau 34 năm miệt mài lao động, đến nay, diện tích rừng trồng của gia đình đã lên đến 19 ha, với nhiều loại cây như: dó trầm, sưa đỏ, tràm; chưa kể, mỗi năm, gia đình còn thả trên ngàn con gà đồi và trồng xen nhiều loại rau màu, cây ăn quả.
Hàng chục ngàn hộ nông dân miền núi Hà Tĩnh đã trở thành chủ rừng kể từ khi thực hiện chủ trương giao đất lâm nghiệp và rừng của Đảng và Nhà nước. (Ảnh: Internet)
Anh Nam cho biết: “Sau nhiều năm gắn bó, rừng đã mang lại cho gia đình tôi thu nhập đáng kể. Tính từ năm 2003 đến nay, gia đình thu về trên 2,7 tỷ đồng, trong đó, năm nay nhiều nhất, dự kiến 1,457 tỷ đồng. Hiện gia đình còn hơn 1.500 cây dó trầm từ 13-15 tuổi, 4.500 cây dó trầm từ 4-5 năm tuổi, 3.400 cây từ 1-2 năm tuổi và hơn 13 ha rừng keo lá tràm đã đến kỳ khai thác. Gia đình có thể thu về trên 5 tỷ đồng trong vài năm tới. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động có thu nhập ổn định 200.000 đồng/người/ngày...”.
Đến xóm Phố Tây, xã Sơn Tây (Hương Sơn), chúng tôi được chứng kiến tính hiệu quả của chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng thông qua việc giao đất, giao rừng cho các hộ. Tại đây, 19 hộ dân ở Trôm Vo (Chi Lời) đã chung đất, chung vốn hợp tác sản xuất trên diện tích đất khai hoang 426,73 ha, kể từ năm 1990. Theo ông Trần Viết Hùng - Tổ trưởng tổ hợp tác, đến nay, tổ đã thu hoạch được 3 lứa keo làm nguyên liệu giấy trên diện tích 300 ha, số tiền thu được hơn 9 tỷ đồng/lứa. Còn lại 126,73 ha, tổ quyết định trồng cây bản địa và tái tạo cây rừng tự nhiên.
Năm 2015, sau khi thu hoạch keo trên diện tích 300 ha, tổ hợp tác này đã chuyển sang hình thức trồng thâm canh gỗ lớn; 180 ha cây công nghiệp bản địa như: cồng, lim, trắc, sưa... và các loại cây lấy gỗ lớn với vòng quay lâu năm; 40 ha cao su và 20 ha cây ăn quả có múi khác. “Từ chỗ vùng đất hoang vu, khô cằn, nhờ sự chăm sóc, bảo vệ của chúng tôi mà độ che phủ của rừng tại đây ước đạt trên 90%, với lượng sản phẩm 10.000 m3 gỗ các loại” - ông Hùng khoát tay vẽ giữa rừng xanh, giọng tâm đắc.
Ngoài thu nhập từ rừng trồng, từ năm 2012, các hộ này còn thống nhất góp vốn xây dựng 2 mô hình chăn nuôi lợn tập trung, với diện tích 6 ha, cho lãi ròng bình quân mỗi năm 1 tỷ đồng/mô hình. Chưa kể, tổ còn chăn nuôi lợn rừng, cá và các cây ăn quả khác, cho thu nhập thêm gần 1 tỷ đồng/năm. Mỗi năm, tổ còn tạo việc làm theo mùa vụ cho khoảng 70-80 người dân trong vùng với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Hiện toàn tỉnh đã có 26.896 hộ, cộng đồng dân cư trở thành chủ rừng với diện tích được giao 68.910 ha. Những ông chủ rừng này đang ngày đêm trăn trở, nghĩ suy để “ươm mầm xanh trái ngọt” trên từng cánh rừng, quả đồi nhằm ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập...
Khai thác rừng nguyên liệu ở xã Kỳ Trung (Kỳ Anh).
Khi đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Công Tố - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho hay: Cơ bản diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được giao, cho thuê để quản lý, bảo vệ và phát triển đúng mục đích, thu hút được nhiều đối tượng, thành phần kinh tế tham gia. Các chủ rừng yên tâm đầu tư kinh phí quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng; tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xã hội hóa lâm nghiệp, giữ vững an ninh chính trị, môi trường sinh thái trên địa bàn.
Được biết, kể từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh trồng được gần 5.500 ha rừng tập trung và kế hoạch năm 2016, này là 6.312 ha, trong đó, rừng sản xuất 5.755 ha. Ngoài ra, thực hiện khoán bảo vệ rừng, bình quân mỗi năm, Hà Tĩnh thực hiện được 114.805 ha (năm 2016, gần 223.000 ha); khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng trên 2.500 ha (năm 2016 gần 1.100 ha). Kết quả trên đã đưa độ che phủ của rừng Hà Tĩnh năm 2015 đạt 52,34%, trong khi trung bình của cả nước là 40,84% - một chỉ số rất ấn tượng!
Theo ông Trần Ngọc Bình - Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, giao đất, giao rừng đến hộ gia đình, cá nhân đã tạo được tâm lý phấn khởi vì có được một tài sản và nguồn lực đầu tiên để các hộ tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; tạo được tiền đề để có những chủ rừng đích thực..., từ đó, tác động tích cực đến phát triển lâm nghiệp, kinh tế hộ gia đình, sản xuất lâm sản hàng hóa và KT-XH ở vùng nông thôn miền núi..., góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng của Đảng, Nhà nước.
Theo Trọng Tuệ/Báo hà Tĩnh