Chọn nảy mầm giống lúa quý

Chọn nảy mầm giống lúa quý
Trong 7.000 mẫu giống lúa đang được lưu trữ ở Ngân hàng Gene thực vật quốc gia, Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, có rất nhiều giống lúa đặc sản nổi tiếng hiện không còn được nông dân sản xuất.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả mức giá cao để được ăn gạo ngon, và thực tế không ít người trong số họ đang thường xuyên trả tiền cho các sản phẩm gạo cao cấp của nước ngoài.
 
Các hạt thóc giống trước khi gieo xạ được bọc một lớp màu ở ngoài để chống côn trùng gây hại. Ảnh: Lê Hằng
Sự thay đổi nhu cầu này có nguồn gốc từ điều kiện kinh tế - xã hội. Trong mấy chục năm trước - thời chiến tranh và khi hòa bình mới lập lại, kinh tế còn quá khó khăn, việc đảm bảo cho nhân dân, chiến sỹ có đủ thóc gạo để ăn được xem là nhiệm vụ số 1. Các nhà khoa học đã miệt mài nghiên cứu để có những giống lúa năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất và đã rất thành công.
 
Nhờ đó, Việt Nam không chỉ đảm bảo được an ninh lương thực mà còn vươn lên trở thành nước đứng thứ hai về xuất khẩu lúa gạo trên thế giới. Thế nhưng hiện nay nếu so sánh về giá gạo xuất khẩu, Việt Nam đứng ở hàng cuối cùng. Nhìn sang các cường quốc về xuất khẩu gạo khác mới thấy, giá trị thu về trên một hạt gạo của họ cao hơn chúng ta gấp nhiều lần.

 

Nguyên nhân của tình trạng này từng được Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ ra: Do tập quán canh tác, nông dân Việt Nam sản xuất tới 2- 3 vụ lúa mỗi năm. Thời gian sinh trưởng ngắn đã khiến chất lượng gạo không đảm bảo, không thể xuất khẩu với giá cao. Trong khi đó, các giống đặc sản mỗi năm chỉ trồng được một vụ lại dần dần bị nông dân từ bỏ vì hiệu quả kinh tế thấp. Chúng chỉ được một số hộ trồng tự phát ở quy mô nhỏ để phục vụ gia đình, hoặc lưu trữ trong các ngân hàng gene.
 
Đã đến lúc, cần tạo điều kiện cho những hạt giống quý đó rời khỏi phòng thí nghiệm để nảy mầm, đơm bông trên đồng ruộng, bởi đây chính là thời điểm vàng cho các giống lúa đặc sản Việt Nam - trong đó có rất nhiều giống đặc hữu thơm ngon không kém những giống gạo ngoại đang được bán với giá cao trên thị trường.
 
Theo khảo sát năm 2014 về tiêu thụ gạo trên địa bàn Hà Nội của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 96,9% số người được hỏi quyết định mua một loại gạo vì độ dẻo.
 
Các yếu tố quan trọng tiếp theo là mùi thơm (91,25%), độ mềm của cơm (83,5%). Trong số 17 sản phẩm gạo được đề xuất, gạo bắc hương được nhiều người ưa thích nhất (chiếm 29,2%), tiếp theo là gạo tám Hải Hậu (18,8%), gạo tám Điện Biên (14%), gạo tám Thái (11,8%), gạo Thái Lan (9,03%). Điều đó chứng tỏ, các giống gạo đặc sản của Việt Nam vẫn chiếm vị trí rất cao trong bậc thang đánh giá của người tiêu dùng trong nước.
 
Tuy nhiên, việc tìm đường cho các giống lúa đặc sản đi ra thị trường, biến chúng thành sản phẩm hàng hóa là cả một bài toán lớn mà để có lời giải, cần cả nhà khoa học, nhà quản lý, xây dựng chính sách đến doanh nghiệp cùng tham gia.

Lâm Bình/ KHPT