Chọn nông sản chủ lực xây dựng thương hiệu

Chọn nông sản chủ lực xây dựng thương hiệu
Hậu Giang đang chuẩn bị nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh (2004 - 2019). Với riêng nông nghiệp Hậu Giang, chừng ấy thời gian cũng đủ để ngành này khoác lên chiếc áo mới cho cây lúa, cây khóm, con cá thát lát…

Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa lớn

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp có chung nhận định, những khó khăn phải đối diện: Phần lớn đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh nằm ở vùng sâu, vùng xa, hạ tầng còn yếu, trình độ của nông dân còn hạn chế… Cùng với những trăn trở của các cấp, các ngành, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đã đồng tâm hiệp lực chọn điểm xuất phát để phát triển ngành nông nghiệp, đó là lắng nghe ý kiến đóng góp, tư vấn của các nhà khoa học để xác định được cây, con, chủ lực của địa phương nhằm dồn sức phát triển. 

Chọn nông sản chủ lực xây dựng thương hiệu ảnh 1Cá thát lát, đặc sản của Hậu Giang
Câu chuyện khóm Cầu Đúc, cá thát lát, quýt đường Long Trị… sớm được công nhận nhãn hiệu hàng hóa là tiền đề để Hậu Giang sớm hình thành chương trình phát triển “5 cây, 5 con” chủ lực. Và ngành nông nghiệp Hậu Giang đã trở thành một trong những địa phương tiên phong trong vùng với việc chọn lựa cây, con, chủ lực để tạo đột phá.
Tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa lớn, tập trung như: khóm Cầu Đúc, bưởi Phú Hữu, quýt đường ở Long Trị, cam sành Ngã Bảy… Việc hình thành các vùng nguyên liệu này là cơ sở thuận lợi để ngành nông nghiệp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo cơ sở hạ tầng vững chắc, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa lớn.

GS-TS Nguyễn Bảo Vệ (chuyên gia về nông nghiệp ở ĐBSCL) nhận định: “Hậu Giang có những mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị, điều quan trọng là cần biết cách khai thác, chăm sóc bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Những đặc sản chỉ có ở Hậu Giang là khóm, cá thát lát, mãng cầu xiêm… sẽ tiếp tục tạo bước đột phá mới nếu được tổ chức sản xuất hợp lý, khoa học”.

Giảm giá thành, tăng lợi nhuận

Ngành nông nghiệp Hậu Giang đã “đi tắt đón đầu” đúng hướng, vì vậy khi Chính phủ và Bộ NN-PTNT triển khai chương trình “tái cơ cấu ngành nông nghiệp” thì Hậu Giang đã tạo được bước “chạy đà” quan trọng để thực hiện chương trình này.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, khi mới thành lập tỉnh, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế; giá thành sản xuất nông sản rất cao. Vì vậy, cùng với việc tăng cường đẩy mạnh chuyển giao các biện pháp canh tác tiên tiến như: “3 giảm, 3 tăng”, 3 kỹ sư (khuyến nông, trồng trọt, thú y) về tận xã, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng hoạt động HTX, phát triển trạm bơm điện, các dự án sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới… đã tạo sự đột phá. Đến nay, giá thành sản xuất lúa của nông dân Hậu Giang chỉ còn dưới 3.000 đồng/kg - mức thấp của ĐBSCL. Giá thành sản xuất thấp, cùng với trúng mùa, trúng giá đã giúp nông dân Hậu Giang khá lên. 

Đến nay, Hậu Giang đã có nhiều nông sản chủ lực được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản như: Bưởi Năm Roi Phú Thành, Cam sành Ngã Bảy, Cá rô Hậu Giang, Quýt đường Long Trị, Cá thát lát Hậu Giang, Khóm Cầu Đúc Hậu Giang... Trong đó, 3 nông sản: cam sành, khóm và cá thát lát được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng.

Hậu Giang đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn trên nông sản đặc trưng của tỉnh, tạo được chuỗi sản xuất căn cơ. Tuy nhiên, điều mà nông dân Hậu Giang trăn trở chính là khâu chế biến. Nói chính xác là doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến trên địa bàn còn yếu. Đây là “mảnh ghép cuối cùng”, cực kỳ quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng hóa nông sản hiện nay.
“Vấn đề cấp thiết hiện nay của tỉnh là cần những doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn để tạo chuỗi sản xuất hàng hóa nông sản căn cơ. Chúng tôi cũng rất mừng, khi Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã tìm phương án để tạo quỹ đất sạch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy chế biến trên địa bàn…”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Cũng theo ông Đồng, việc phát triển nguồn lực cán bộ rất quan trọng và là bài toán khó. Vì vậy, ngay từ đầu, ngành nông nghiệp đã “bật đèn xanh” để anh em nâng cao trình độ. Đến nay, có trên 30 cán bộ ngành nông nghiệp có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, có 2 thạc sĩ đang công tác tại xã.

“Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, cán bộ ngành nông nghiệp đang nỗ lực nâng cao trình độ để truyền đạt các kỹ năng sản xuất tiên tiến, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, từng bước tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đó sẽ là “đòn bẩy” để ngành nông nghiệp sát cánh cùng nông dân, tạo ra những đột phá mới, mang lại nhiều lợi ích, tăng thu nhập cho nông dân Hậu Giang”, ông Nguyễn Văn Đồng nhận định.

 

Tác giả bài viết: CAO PHONG

Nguồn tin: www.sggp.org.vn