Chủ tịch Hội NDVN: 2 nhóm vấn đề, 5 giải pháp cần Thủ tướng tháo gỡ
- Thứ sáu - 06/04/2018 21:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều trăn trở với nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Thưa Chủ tịch, xin Chủ tịch cho biết mục đích, ý nghĩa của hội nghị Thủ tướng đối thoại với NDVN lần đầu tiên do T.Ư Hội NDVN chủ trì tổ chức lần này?
- Tôi đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với người dân đủ các dân tộc, vùng miền và quy nạp chung những bức xúc, khó khăn và cả nguyện vọng, mong muốn của người dân, trong đó đa phần là của bà con ND. Ngồi nói chuyện với người ND mới thấy họ rất tin Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay với những thách thức, khó khăn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì đến lúc đòi hỏi Đảng, Nhà nước, đồng chí Thủ tướng và tập thể Chính phủ chủ trì phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể đồng hành với người dân, phải dựa vào dân và vì dân để giải quyết tháo gỡ.
Đồng chí Thào Xuân Sùng - Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN và đoàn công tác thăm mô hình trồng đào cảnh ở phường Hoàng Diệu, TP.Thái Bình, Thái Bình. ảnh: Thu Hà
Có thể thấy những trăn trở của Chủ tịch gói gọn nhiều bức xúc, khó khăn, vướng mắc của ND từ nhiều năm qua. Vậy tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với ND, Hội NDVN đã chọn ra những vấn đề nào để giải quyết, thưa Chủ tịch?
- Đây là lần đầu tiên T.Ư Hội NDVN tổ chức cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với NDVN để ND trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng những vấn đề lớn, quan trọng trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Đầu ra cho sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đất nông nghiệp và đất ở, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng vật tư nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế..
Tôi nghĩ có 2 nhóm vấn đề mà Thủ tướng sẽ tiếp thu và có chỉ đạo ngay sau buổi đối thoại. Đó là nhóm vấn đề về biện pháp cụ thể tăng cường quản lý nhà nước đối với sản xuất phân bón, giải quyết khó khăn trong tích tụ ruộng đất, bảo vệ môi trường, dạy nghề…
Nhóm vấn đề thứ 2 là rà soát bổ sung quy hoạch và chính sách. Tôi rất tin Thủ tướng sẽ tiếp thu và giao cho các bộ, ngành, hoặc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể giải quyết. Nhóm vấn đề này phải có đề án cụ thể, trình Quốc hội và có lộ trình giải quyết trong 1-2 năm.
5 nhóm giải pháp hỗ trợ nông dân
Tôi cũng xin thông báo thêm, động thái cụ thể, tại hội nghị về tình hình, kết quả, sản xuất, cung ứng và sử dụng phân bón được tổ chức vào tháng 5 tới đây với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành, T.Ư Hội NDVN sẽ trình hội nghị những biện pháp cụ thể để giải quyết triệt để tình trạng phân bón giả hiện nay”. |
Thưa Chủ tịch, một vấn đề rất nhiều ND quan tâm hiện nay là tìm đầu ra cho nông sản và nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm. Theo Chủ tịch, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào?
- Để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả và bền vững, điều cốt lõi là cần dựa vào ND và vì ND. Điều này xuất phát không chỉ từ tâm tư, nguyện vọng của người dân mà còn từ đường lối, chiến lược phát triển đất nước. Để làm được điều này cần giải quyết 5 nhóm vấn đề sau.
Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát bổ sung và hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp trong phạm vi cả nước, nhất là ở 6 vùng chiến lược: Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, Tây nguyên, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Mục đích là để xác định rõ nhu cầu giữa cung và cầu. Từ đó có lộ trình xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa đạt hiệu quả và bền vững.
Thứ 2, qua khảo sát các địa phương cả nước, tôi rất mong muốn Thủ tướng chủ trì giải quyết về đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp. Trên cơ sở rà soát bổ sung quy hoạch đó thì Đảng, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho hội viên, ND, các HTX và các DN trong lĩnh vực nông nghiệp kết cấu hạ tầng nông nghiệp để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản và lưu thông.
Thứ 3, tôi coi là một giải pháp rất quan trọng, đó là cần tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực vật tư nông nghiệp, đặc biệt là hoạt động sản xuất và cung ứng phân bón. Đã đến lúc Chính phủ và Thủ tướng chủ trì nghiên cứu, ban hành chính sách về khuyến khích hỗ trợ các DN sản xuất phân hữu cơ để tăng hàm lượng dinh dưỡng trên 1 đơn vị phân bón và tăng tính hiệu quả của phân bón với cây trồng với giá hợp lý.
Thứ 4, song song với hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NNPTNT thì các cấp Hội NDVN cần tiếp tục triển khai tốt Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ.
Tôi đề nghị Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền cùng tiếp tục quan tâm, điều phối nguồn lực, bố trí ngân sách bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ ND cùng cấp. Các cấp Hội NDVN coi đây là phương tiện hữu hiệu tập hợp, vận động hỗ trợ các hộ ND liên kết sản xuất hàng hóa và thực hiện tốt chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.
Thứ 5, như tôi đã từng nói nhiều lần, con người là yếu tố cốt lõi và quyết định. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy nghề đối với lao động nông thôn. Cần đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng lao động từ đội ngũ cán bộ quản trị HTX cho đến các chủ hộ kinh tế và các hội viên ND với cách là 1 đơn vị kinh tế tự chủ. Họ phải có đủ trình độ, đủ năng lực để phán ánh đúng mong muốn của ông cha ta. Đó là “phi trí bất hưng, phi công bất phú, phi nông bất ổn”.
Một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay của ND là nạn phân bón giả, T.Ư Hội NDVN là cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát việc đảm bảo vật tư nông nghiệp. Hội ND sẽ có hành động gì để đẩy lùi nạn phân bón giả đang hoành hành hiện nay, thưa Chủ tịch?
- Đây là một trong những vấn đề rất nóng, không chỉ ND bức xúc mà tôi rất day dứt. Mỗi năm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại hơn 2 tỷ USD với ngành nông nghiệp. Một trong những lý do là quản lý còn bị buông lỏng, việc điều tra, xử lý còn chậm. Vì thế, việc xây dựng các giải pháp đồng bộ nhằm quản lý các khâu từ sản xuất, kinh doanh phân bón là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp ND Việt Nam, hoạt động giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên trong hoạt động của tổ chức Hội ND theo quy định trong Điều lệ của Hội các cấp. Đặc biệt, từ khi có Quyết định 217, công tác giám sát, phản biện được đi vào nền nếp, cụ thể, xác định nội dung rõ ràng, trong đó tập trung vào giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp. Các cấp Hội ND đã thành lập nhiều đoàn giám sát, lựa chọn đối tượng giám sát là DN tư nhân chuyên kinh doanh vật tư nông nghiệp về phân bón, thuốc BVTV và chọn hình thức tiếp xúc trực tiếp với các hộ ND để lắng nghe những phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của ND.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
Theo Thu Hà/ Dân Việt