Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Quyết tâm xây dựng điểm sáng nông thôn mới giữa núi rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Quyết tâm xây dựng điểm sáng nông thôn mới giữa núi rừng
Yên Bái xác định một trong những nhiệm vụ và hướng phát triển trọng tâm của tỉnh là cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã sơ kết, đánh giá sau 2 năm rưỡi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trên cơ sở đó đã trình HĐND tỉnh thông qua một số mục tiêu, giải pháp chủ yếu về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025. Đồng thời rà soát, tích hợp, xây dựng một bộ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhân dịp này, phóng viên báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái xung quanh vấn đề xây dựng điểm sáng nông thôn mới tại địa phương.

PV: Thưa ông, được biết Yên Bái đang rất quyết tâm và nỗ lực trong công tác xây dựng nông thôn mới. Ông có thể chia sẻ cách làm khác biệt của một tỉnh miền núi đối với lĩnh vực này?

Ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái, một tỉnh miền núi với ¾ diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp và 80% dân số, 70% lao động ở khu vực nông thôn, có trên 50% số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 53% người dân thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số là việc làm rất khó, đòi hỏi nhiều thời gian, trí tuệ và nguồn lực.

Mặc dù vậy, Yên Bái đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ việc tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận và thay đổi nhận thức tích cực trong hệ thống chính trị và người dân; xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực gắn với việc phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; cho đến việc huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

* Bước đầu tỉnh đã đạt được những kết quả ra sao thưa ông?

- Trước hết, đó là sự thay đổi rõ nét về nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh về tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó đã thấm nhuần quan điểm nông, lâm nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, là động lực, quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là ở các địa bàn khó khăn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ. Từ đó đã thúc đẩy giải phóng và sử dụng có hiệu quả sức lao động, tư liệu sản xuất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển nông nghiệp, nông thôn, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ hai, đã xây dựng được hệ thống quy hoạch ngành, sản phẩm nông lâm nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với ban hành bộ chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới một cách căn cơ, đồng bộ.

Thứ ba, phát triển nông nghiệp của tỉnh thu được những kết quả quan trọng: Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 4,38%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2017 tăng 8,9% so với năm 2015, tăng 36% so với năm 2010, cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực; đã dần hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao; đặc biệt đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ như: Quế Văn Yên, cam Văn Chấn, cam Lục Yên, Bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò, cá hồ Thác Bà…

Thứ tư, diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực nông nghiệp được coi là một trong những điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với tốc độ tăng trưởng 4,52% so với cùng kỳ, đứng thứ 4/14 tỉnh miền núi phía Bắc. Tính đến tháng 6.2018, toàn tỉnh có 37/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đã vượt 48% so với chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Chính vì vậy, vừa qua tỉnh đã quyết định điều chỉnh mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2015-2020 đạt được 64 xã về đích nông thôn mới (chiếm hơn 40% số xã toàn tỉnh), thay vì chỉ 25 xã như Nghị quyết Đại hội.

* Được biết, ngoài xây dựng nông thôn mới ở các xã, Yên Bái còn “tham vọng” xây dựng huyện nông thôn mới, ông có thể tiết lộ đôi điều về kế hoach này?

- Đúng là Yên Bái đang quyết tâm xây dựng một huyện nông thôn mới - huyện Trấn Yên vào năm 2020, mặc dù đến năm 2017 trên địa bàn huyện vẫn còn có 4 xã đặc biệt khó khăn, đây là điều mà đầu nhiệm kỳ này, những người rất lạc quan cũng không cho là khả thi.

Tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện Đề án Xây dựng Trấn Yên cơ bản đạt tiêu chí huyện Nông thôn mới vào năm 2020 với cách làm và bước đi thận trọng, bài bản. Đối với những xã đặc biệt khó khăn đó, huyện tiến hành xây dựng từng thôn nông thôn mới, làm được ở từng thôn rồi thì toàn xã sẽ làm được. Trong đó, trọng tâm là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời huy động, lồng ghép đa dạng các nguồn lực của tỉnh, của huyện, của xã, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia phát triển sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.

Đến thời điểm này, chúng tôi thấy khả thi, với nhiều tín hiệu tích cực và nhiều thông số vượt chỉ tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Để có một huyện nông thôn mới ở một tỉnh miền núi là điều không dễ dàng, nếu Yên Bái làm được, về đích được theo đúng kế hoạch thì sẽ là một điểm rất sáng.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

* Được biết Yên Bái đã rất chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này?

- Xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ tất yếu mà mọi địa phương đều phải làm trong tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, Yên Bái là một tỉnh nghèo, nguồn lực còn hạn hẹp, bởi vậy tỉnh luôn đặt mục tiêu phải sử dụng các nguồn lực sao cho thật hiệu quả. Vì vậy, đồng thời với việc cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương, tỉnh đã bổ sung các chính sách hỗ trợ riêng của địa phương theo hướng tích hợp, lồng ghép các nguồn lực, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng đáp ứng nguồn lực trong từng giai đoạn.

Vừa qua, chúng tôi đã rà soát, bổ sung và tích hợp thành một bộ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn với 20 chính sách thành phần (gồm ban hành mới 2 chính sách, sửa đổi 1 chính sách của tỉnh; cụ thể hóa 8 chính sách của Trung ương; tích hợp 4 chính sách của tỉnh và 5 chính sách của Trung ương đã ban hành trước đó). Với bộ chính sách này, đã bao trùm mọi nhóm đối tượng được hỗ trợ, các lĩnh vực được hỗ trợ, các nội dung hỗ trợ, các phương thức hỗ trợ; cho thấy bức tranh tổng thể là: Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn thì có bao nhiêu loại chính sách hỗ trợ? Đến từ nguồn nào? Tổng mức là bao nhiêu cho mỗi năm? Qua đó, đã giải quyết được vấn đề quan trọng nhất là tích hợp, lồng ghép, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

* Vậy những lĩnh vực nào và đối tượng nào sẽ được ưu tiên hỗ trợ các chính sách nói trên, thưa ông?

- Tỉnh đặc biệt chú trọng giành nguồn lực ưu tiên hỗ trợ đối với hai lĩnh vực đó là hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn.

Trong hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tiên là hỗ trợ từng hộ, để mỗi hộ phải giàu lên bằng việc thay đổi tập quán, thói quen lạc hậu, nâng cao trình độ canh tác; tiếp đó là hỗ trợ nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo sự liên kết để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn; và tới đây thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm đối với các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, cũng cần làm cho cộng đồng hiểu rằng mục tiêu chính của việc hỗ trợ là giúp tháo gỡ khó khăn ban đầu, tạo động lực kích thích phát triển sản xuất, chứ không phải là sự trợ cấp thường xuyên đối với sản xuất nông nghiệp; từ đó làm thay đổi nhận thức về xây dựng nông thôn mới - đó không phải là việc chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mà chủ thể quyết định việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần ở nông thôn chính là bà con nông dân kết hợp với sự hỗ trợ, giúp đỡ thêm từ chính quyền và cộng đồng - thì mới thành công được.

* Ngoài cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hẳn là tỉnh còn có những hướng phát triển cho các lĩnh vực khác, chẳng hạn như lĩnh vực du lịch?

- Chúng tôi đang xây dựng đề án phát triển du lịch. Theo thống kê 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Yên Bái đã tăng đến 57% so với cùng kỳ. Yên Bái có những thế mạnh rất riêng để phát triển du lịch, nhất là nâng cao giá trị ruộng bậc thang, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa...

Trong bộ 20 chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đã bổ sung mới chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, bắt đầu từ du lịch cộng đồng. Cụ thể là hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông, vệ sinh công cộng, thu gom chất thải rắn; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho những cơ sở có dịch vụ lưu trú; hỗ trợ các đội văn nghệ thôn bản… để làm tốt du lịch cộng đồng. Cần bắt đầu từ những điều nhỏ đó để đi lên, chứ điều kiện của Yên Bái không thể làm ngay quy mô lớn được. Vì thực tế Yên Bái mới chỉ có tài nguyên du lịch chứ chưa có sản phẩm du lịch đúng nghĩa, cũng chưa có hạ tầng du lịch chuyên nghiệp.

Hiện nay khu vực du lịch cộng đồng của Yên Bái đang rất hấp dẫn du khách nước ngoài, đó cũng là lợi thế của tỉnh, song phải nâng lên thành sản phẩm du lịch, phải có tour tuyến và nhất là các cơ sở lưu trú. Yên Bái xác định không có ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch mà phải tính đến giải pháp thu hút các nhà đầu tư để phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, quy mô lớn. Hiện nay, đã có một số tập đoàn lớn đang nghiên cứu để xem xét đầu tư vào lĩnh vực này.

* Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Yên Bái đã đi vào hoạt động. Ông có thể chia sẻ về thành công bước đầu trong việc giải quyết những thủ tục rườm rà mà tỉnh đã làm được?

- Hiện nay Yên Bái còn thực nhiệm một nhiệm vụ trọng tâm khác là cải cách hành chính. Yên Bái đã rất nỗ lực để đưa đưa được Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động trong năm 2018 theo đúng quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trung tâm mới hoạt động được hai tháng nhưng đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, nhận được nhiều phản hồi tốt từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Yên Bái cũng vừa phê duyệt Đề án xây dựng bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, ban đầu tỉnh tính làm thí điểm ở 2 huyện nhưng sau khi thấy thành công trong vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh thì đã quyết tâm làm đồng bộ ở các huyện, kết nối liên thông với tỉnh vào năm 2019. Xác định là tốn kém nguồn lực nhưng tỉnh rất quyết tâm, vì giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cũng chính là một giải pháp quan trọng để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Hiện nay, các ngành thuế, bảo hiểm, điện cũng đã và đang chuyển các thủ tục ra giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để doanh nghiệp, người dân tiếp cận và giải quyết được thuận lợi hơn. Theo đó, Bưu điện Yên Bái cùng đồng hành để kết hợp thực hiện dịch vụ Bưu chính công ích, bước đầu hoạt động đã cho nhiều phản hồi tích cực – nhất là với một tỉnh có địa bàn rộng như Yên Bái.

Tới đây, dù rất nhiều khó khăn nhưng tỉnh cũng sẽ quyết tâm triển khai khung kiến trúc chính quyền điện tử, hệ thống giao ban trực tuyến, cổng dịch vụ

công trực tuyến. Làm được những việc đó sẽ tạo được bước tiến dài trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút được đầu tư.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ rất tâm huyết với những chính sách và nỗ lực của tỉnh nhà. Kính chúc ông sức khoẻ và chúc Yên Bái sẽ là một điểm sáng với huyện nông thôn mới Trấn Yên trong tương lai không xa!

P.V/ Lao động