Chưa hài lòng đề án phát triển bền vững Đồng Tháp Mười

TBKTSG Online) - Mục tiêu cuối cùng của phát triển bền vững là nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người nông dân. Thế nhưng, 5 chương trình trong đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vẫn chưa thể làm hài lòng các chuyên gia.
Lúa gạo là lĩnh vực có thế mạnh của vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Trung Chánh

Bên cạnh 7 định hướng lĩnh vực mà đề án nêu ra, có 5 chương trình quan trọng sẽ thực hiện liên kết ở tiểu vùng ĐTM, gồm liên kết cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản; chương trình liên kết phát triển du lịch sinh thái; chương trình bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; chương trình cấp nước sạch nông thôn và chương trình phát triển cơ sở hạ tầng (điện, thủy lợi, giao thông).

Từ 7 lĩnh vực và 5 chương trình của đề án, tại hội thảo khoa học "Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng ĐTM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được tổ chức ở Đồng Tháp chiều nay, 21-9, ông Đinh Phi Hổ đến từ Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, các chương trình của đề án là khá đầy đủ, nhưng cần phải thể hiện rõ được chương trình nào là trọng tâm và chương trình nào là phục vụ.

“Mục tiêu cuối cùng của việc phát triển bền vững ở tiểu vùng ĐTM là gì?”, ông Hổ nêu câu hỏi và nói rằng đó là nâng cao thu nhập của nông dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân. “Đó mới là mục tiêu cuối cùng, chứ không phải các chương trình”, ông khẳng định.

Theo ông Hổ, phải thấy mục tiêu của đề án, đó là nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người nông dân, và các chương trình đề ra là để thực hiện mục tiêu đó.

“Như vậy, để nâng thu nhập và chất lượng cuộc sống của người nông dân, cái gì sẽ giải quyết bài toán đó?”, ông Hổ đặt vấn đề và xác định rằng điều này liên quan đến sản xuất, liên quan đến thế mạnh khai thác tiềm năng của vùng, mà cụ thể là phát triển du lịch sinh thái.

Từ việc xác định được hai vấn đề nêu trên, ông Hổ khẳng định: “Đây là hai cái nền chính của vùng và tất cả các chương trình khác phải phục vụ cho hai cái nền này để giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân ĐTM”.

Theo ông Hổ, đề án đề cập đến phát triển bền vững, trong khi hai “cái nền” để tạo sự bền vững cho người nông dân như xác định ở trên là sản xuất và phát triển du lịch sinh thái. “Như vậy, ở đây chúng ta phải giải quyết việc quản lý nguồn nước, nhất là dự trữ nước và một vấn đề rất quan trọng nữa là bảo tồn sinh thái, bởi nó giúp sản xuất và phát triển du lịch sinh thái”, ông cho biết.

Cũng theo ông Hổ, các chương trình về giao thông, điện; chương trình về nước sinh hoạt và các chương trình khác cũng phải phục vụ, hướng vào hai cái trung tâm như nêu ở trên, thì mới có ý nghĩa.

Ông Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nói rằng: “Báo cáo của nhóm biên soạn đề án đã có đầy đủ mắm, muối, dưa, hành rồi, nhưng cách nấu thế nào để có món ăn ngon, thì phải tính tiếp”.

Theo ông, dù tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL của Đại học Cần Thơ, đơn vị thực hiện đề án, có đưa các bước đi tiếp theo, nhưng cần nhìn vấn đề một cách thực tế hơn. Bởi, liên kết vùng đã được nói đến rất lâu, nhưng hiện vẫn còn lỏng lẻo, lợi ích của nông dân còn hạn chế.

Theo gợi ý của ông Xuân, đầu tiên cần phải xác định sản phẩm gì thị trường đang cần, rồi tổ chức trên bình diện ba tỉnh này (ba tỉnh vùng ĐTM là Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang) để phối hợp sản xuất sản phẩm đó. “Từ chỗ xác định từng mặt hàng, mới tính thiết kế hạ tầng phục vụ sản xuất ngành hàng đó thế nào? Xây dựng chương trình liên kết, tỉnh này làm gì, tỉnh kia làm gì?", ông gợi ý.

Trong khi đó, một vấn đề được ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đặt ra, đó là việc xác định sản phẩm liên kết giữa 3 tỉnh như đề án nêu ra đã hợp lý hay chưa?

Theo ông Hiệp, cá tra đối với Đồng Tháp là thế mạnh, Tiền Giang có nhiều doanh nghiệp, nhưng Long An thì sao? Hay với trái xoài cát Hòa Lộc, thì huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có thế mạnh, nhưng 2 địa phương còn lại thì sao?

Vì vậy, theo ông, trong việc xác định, chọn sản phẩm cũng cần nghiên cứu, xem xét thêm.

Một vấn đề quan trọng khác được ông Hổ của Đại học Kinh tế TPHCM đề xuất bổ sung vào đề án trước khi trình Chính phủ thông qua, đó là cơ chế liên kết. “Chúng ta đưa ra mối liên kết, nhưng cái gì là cái gắn được mối liên kết đó?”, ông nêu câu hỏi và cho rằng, ai sẽ điều hành, ai sẽ chịu trách nhiệm cũng cần phải nghĩ tới, chứ nếu 3 tỉnh, mà mỗi ông lại một nơi thì sẽ như thế nào?

Theo Thesaigontime.vn