Chuẩn bị cho ngành chăn nuôi bước vào TPP
- Thứ bảy - 26/03/2016 22:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xét trong nội bộ TPP thì trình độ SX chăn nuôi Việt Nam đứng thứ 6. Các nước thuộc hàng “đại gia” là Mỹ, Úc, New Zealand và Nhật Bản đều là những quốc gia có nền chăn nuôi phát triển...
ILDEX 2016 chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn, từ ngày 23 - 25/3. Tham dự lễ khai mạc có ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN- PTNT); bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đại diện thương mại của lãnh sự quán các nước có gian hàng tham gia hội chợ như Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc… Trong khuôn khổ ILDEX đã diễn ra hội thảo về thị trường chăn nuôi Việt Nam. Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết, năm 2015 vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành chăn nuôi nước ta đã có sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2014. Năm 2016, ngành chăn nuôi phấn đấu tăng trưởng từ 5,5 - 6%, trong đó sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng tăng 4,2%; sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng tăng 5%; sản lượng thịt trâu bò xuất chuồng tăng 9,3%; sản lượng trứng tăng 7,3%; sản lượng sữa tươi tăng 20%. Tuy vậy, thách thức đặt ra với ngành chăn nuôi là không hề nhỏ. Ông Phạm Hữu Nhơn, Giám đốc bộ phận gia cầm của Công ty TNHH Giải pháp khoa học quốc tế cho rằng, ngành sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn. Bằng chứng là lượng thịt gà nhập khẩu năm qua lên đến 120 ngàn tấn. Về vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh khẳng định, tình hình giá gà giảm đã, đang và sẽ còn kéo dài. Trước mắt các doanh nghiệp gia cầm chỉ nên tập trung sản xuất gà lông màu. Nếu nuôi gà trắng, cơ hội thắng được thịt gà nhập khẩu là rất thấp. Ông Tống Xuân Chinh Trong năm 2016, chăn nuôi Việt Nam cần tăng cường xây dựng thể chế, xây dựng văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong bối cảnh hội nhập. Tập trung nâng cao chất lượng con giống thông qua chọn lọc, nhập khẩu, lai tạo gắn với quản lý tốt giống gốc, kiểm soát nhập khẩu nguồn tinh; nâng cao chất lượng và tăng cường kiểm soát vật tư đầu vào phục vụ chăn nuôi. Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi cũng như quảng bá xúc tiến thương mại các sản phẩm chăn nuôi, thúc đẩy xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng. Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Minh Khanh, Giám đốc Kinh doanh Cty TNHH Bel Gà về lộ trình giảm thuế sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực đối với thịt gà nhập khẩu từ 40% về 0% trong vòng 10 năm, ông Chinh cho rằng đây là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp chăn nuôi quan tâm nhất. Về mặt quản lý nhà nước thì thuế XNK các sản phẩm chăn nuôi sẽ do Bộ Công thương quản lý. Sau khi TPP được ký kết, nhiều sản phẩm cần khoảng 10 - 13 năm để tất cả các thành viên thích ứng với các điều kiện sản xuất khác nhau. Xét trong nội bộ TPP thì trình độ SX chăn nuôi Việt Nam đứng thứ 6. Các nước thuộc hàng “đại gia” là Mỹ, Úc, New Zealand và Nhật Bản đều là những quốc gia có nền chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên sản lượng chăn nuôi của Nhật Bản không bao nhiêu mà đáng kể nhất là Hoa Kỳ, Úc, New Zealand... vì đây đều là những quốc ra có diện tích lớn, thuận lợi cho ngành chăn nuôi. Hiện tại các dòng thuế Bộ Công thương đều tham khảo ý kiến của Bộ NN-PTNT. Về mặt định hướng bắt đầu từ năm nay sẽ giảm mỗi năm từ 4- 5% thuế và những năm sau sẽ giảm dần từng bước để đưa về thuế suất 0%. Đến 2018 về cơ bản thuế sẽ còn rất thấp hoặc bằng 0%. Cuộc cạnh tranh sắp tới rất khốc liệt nên các doanh nghiệp chăn nuôi phải nhanh chóng tìm hướng đi phù hợp, có phương án đúng đắn để tồn tại và phát triển. Ông Chinh nhấn mạnh, thuế chỉ là một phần nhỏ không tác động quá nhiều đến sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Ví dụ một kg sữa tươi nguyên liệu tại New Zealand giá thành sản xuất chỉ từ 30 - 35 cents, trong khi một kg sữa tươi của ta tốn đến 60 - 65 cents. Nhưng vậy thì có đánh thuế nhập khẩu 50% sữa Việt Nam vẫn thua trên sân nhà. Ông Nguyễn Minh Khanh Khác biệt lớn như vậy nên cần nâng cao năng lực cạnh tranh sao cho giá thành giảm, chất lượng an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất mới là cái gốc của vấn đề.
Nguồn: nongnghiep.vn