Chuẩn hóa kiến thức cho nông dân “thủ phủ trái cây” Tiền Giang

Chuẩn hóa kiến thức cho nông dân “thủ phủ trái cây” Tiền Giang
Trước chủ trương xác định xây dựng trái cây là ngành hàng chủ lực của tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh đã tăng cường mở lớp dạy nghề, chuẩn hóa kiến thức cây trồng chủ lực cho nông dân.

Chuẩn hóa…

Ông Đỗ Hiếu - nông dân trồng sầu riêng (xã Thanh Hòa, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) ngồi nâng niu tấm giấy xác nhận đã qua lớp dạy nghề ngắn hạn trồng và nhân giống cây sầu riêng do Hội ND tỉnh Tiền Giang tổ chức.

Theo ông Hiếu, ông đã trồng sầu riêng từ 3 năm trước với 6.000m2 đất. “Hiện, tôi có hơn 120 gốc sầu riêng sắp cho thu hoạch” - ông thổ lộ.

Hỏi tại sao ông đã trồng sầu riêng, biết kỹ thuật trồng mà vẫn tham dự lớp dạy nghề trồng sầu riêng, ông cười: “Trước đây tôi chỉ học lỏm rồi về trồng nên bây giờ phải chuẩn hóa kỹ thuật. Qua lớp học này tôi mới biết quy trình phân bón, thuốc BVTV ra sao cho cây sầu riêng, mới biết lâu nay mình trồng sầu riêng rất nghiệp dư” - ông chia sẻ.

 chuan hoa kien thuc cho nong dan “thu phu trai cay” tien giang hinh anh 1

  Một khu đất đã lên ụ trồng sầu riêng tại Tiền Giang. (ảnh: Trần Đáng)

Theo ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội ND Tiền Giang), trung tâm đã kết hợp Hội ND thị xã Cai Lậy tổ chức khai giảng lớp dạy nghề ngắn hạn trồng và nhân giống cây sầu riêng cho nông dân xã Thanh Hòa. Lớp học có 35 học viên là nông dân trồng sầu riêng của xã, họ sẽ học cách chọn giống, làm đất, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân bón trung vi lượng và nhân giống cây sầu riêng.

“Trung tâm chuẩn hóa kiến thức, giúp nông dân trồng sầu riêng xã Thanh Hòa áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất sầu riêng nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông Minh thông tin.

Ông Phan Văn Nhanh - Phó Chủ tịch Hội ND xã Thanh Hòa cho hay, khoảng 90% số hộ nông dân của xã trồng sầu riêng. Hiện, xã có 185ha sầu riêng và sẽ còn phát triển tiếp. “Về kỹ thuật, bà con nông dân trồng sầu riêng chỉ học lỏm người đi trước nên phải chuẩn hóa lại kiến thức, kỹ thuật để bà con hạn chế rủi ro, tăng lợi nhuận” - ông Nhanh cho biết.

Theo ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch Hội ND thị xã Cai Lậy, trong năm 2019, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân mở 2 lớp dạy trồng sầu riêng cho nông dân xã Thanh Hòa và Phú Quý.

Ông Huỳnh Công Minh cho biết, trong năm 2019, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân mở 13 lớp dạy nghề cho nông dân (hơn 30 người/lớp), trong đó có một số lớp dạy nghề trồng cây và nhân giống cây.

“Hàng năm, Trung tâm phối hợp Phòng Dạy nghề (Sở LĐTBXH) cấp giấy chứng nhận hành nghề, và với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, T.Ư Hội NDVN mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn” - ông Minh cho biết.

Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật 

Sầu riêng trồng trên địa bàn có hơn 10 năm. Gần đây, nông dân bắt đầu phát triển ồ ạt, nhưng quy trình trồng bài bản thì giờ họ mới biết. Việc nông dân được Hội ND chuẩn hóa kiến thức trồng sầu riêng khiến chính quyền rất yên tâm với việc bà con nông dân sản xuất”.
Ông Đặng Hải Ngạn  

Theo Hội ND tỉnh Tiền Giang, 5 năm qua (2013-2018), Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã tổ chức 2.500 lớp dạy nghề cho 75.008 hội viên, nông dân; phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Phòng NNPTNT các huyện, thị, thành tổ chức 22.500 lớp dạy nghề cho 697.500 hội viên, nông dân.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh phối hợp ngành NNPTNT ngoài các nhiệm vụ trọng tâm khác, như: Tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi… đã tăng cường mở lớp dạy nghề, chuẩn hóa kiến thức cho nông dân.

Theo ông Đỗ Tấn Hùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tiền Giang, trên cơ sở khảo sát nhu cầu bà con nông dân, nhất là giai đoạn 2018 - 2019, nông dân chuyển đổi một số loại cây trồng mới theo chủ trương của tỉnh còn bỡ ngỡ, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân điều chỉnh một số nội dung dạy nghề để sát với nhu cầu thực tế.

“Sau khóa học, các cấp hội đã tổ chức đi khảo sát nông dân áp dụng kiến thức được học vào sản xuất. Chúng tôi thấy bà con vận dụng khá tốt kiến thức được học, năng suất cây trồng cải thiện tốt” - ông Hùng nhận xét.

Ông Đặng Hải Ngạn - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa đánh giá, lớp chuẩn hóa kiến thức trồng sầu riêng do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân của Hội ND mở rất kịp thời trên địa bàn xã Thanh Hòa, không chỉ đúng lúc nông dân đang đổ xô trồng sầu riêng trong khi chưa nắm bắt hết kỹ thuật trồng, mà còn giúp cải thiện nhiều về chất lượng, năng suất cây trồng. 

Trần Đáng/http://danviet.vn
X
em bài viết gốc tại đây!