Chuẩn hóa nông nghiệp hữu cơ: Cần nhiều hơn một chính sách

Chuẩn hóa nông nghiệp hữu cơ: Cần nhiều hơn một chính sách
Nếu như những năm trước đây, một nền sản xuất nông nghiệp thâm canh và gia tăng sản lượng là mục tiêu hàng đầu, thì nay, giới nông nghiệp đang cho rằng để có một nền nông nghiệp bền vững, với giá trị gia tăng cao, thì nông nghiệp hữu cơ nên được xem là hướng đi lâu dài.

Để có một nền nông nghiệp bền vững, với giá trị gia tăng cao, thì nông nghiệp hữu cơ nên được xem là hướng đi lâu dài
Vì sao nông nghiệp hữu cơ là cấp bách?

Việt Nam là nước có diện tích đất nông nghiệp bình quân vào loại thấp nhất thế giới, chỉ 0,8 ha/hộ nông dân. Do đó một trong những chỉ tiêu kinh tế-xã hội quan trọng là doanh thu và thu nhập tính trên 1 ha đất nông nghiệp.

Chủ trương thâm canh, tăng vụ giờ đang bị xu hướng chạy đua sản lượng, sử dụng tràn lan phân-thuốc hóa học dần lấn át. Những cảnh báo liên tục của các nhà nhập khẩu như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia đối với nông sản Việt Nam các năm gần đây đang là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy hệ quả của phương thức canh tác thiếu bền vững.

Trong khi đó, để hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, nền nông nghiệp Việt Nam phải hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của nhiều thị trường khó tính. Và nông nghiệp hữu cơ là lối ra khả dĩ trong dài hạn để nông sản Việt Nam, trước hết giữ được sân nhà, sau đó là xuất khẩu với giá trị gia tăng cao.

Sản xuất nông nghiệp: Ngày càng lạm dụng phân-thuốc hóa học

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, nhu cầu phân hóa học năm 2014 là 11 triệu tấn các loại. Nhưng vì sử dụng thiếu cân đối, quá nhiều phân vô cơ, rất ít hữu cơ, quá nhiều phân đạm và bón không đúng thời điểm… nên hệ số sử dụng phân bón khá thấp. Hằng năm gần một nửa lượng phân bón này bị mất đi do rửa trôi, bay hơi hay cố định chặt. Thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm cũng nhập từ 70.000-100.000 tấn.

Theo GS. TS. Phạm Văn Biên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, chính việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp đang gây suy thoái và ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, tích lũy kim loại nặng, tiêu diệt vi sinh vật có ích. Tồn dư các chất độc có thể tích lũy lại trong nông-thủy sản.

Thách thức cho nền nông nghiệp hữu cơ non trẻ

Dù nhu cầu nông sản hữu cơ từ các thị trường phát triển là khá lớn, nhưng mức sống người dân trong nước chưa cao và nhận thức của đa số nông dân còn hạn chế, nên kỳ vọng “phủ sóng” nông nghiệp hữu cơ sẽ không hề dễ dàng.

Trước mắt, việc sử dụng phân thuốc hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đòi hỏi nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả lại chậm hơn sử dụng phân-thuốc hóa học, vậy nên nông dân chẳng mặn mà. Ấy là chưa nói tới khâu vận chuyển, lưu giữ chế phẩm vi sinh từ nơi sản xuất đến đại lý, từ đại lý đến tận tay nông dân, rồi từ nông dân ra đồng ruộng không mấy khi đáp ứng được yêu cầu về bảo quản. Với đặc tính là vi sinh vật tự nhiên, các loại phân-thuốc ấy rõ ràng không thể đạt được hiệu quả như phân-thuốc hóa học.

Ngoài ra, nông sản hữu cơ hiện chưa có hình thức ưa nhìn như các sản phẩm thâm canh truyền thống, năng suất cũng không cao. Trong khi đó, giá thành sản xuất nhiều lúc cao hơn nông sản thường, nhưng giá bán khó có thể đuổi theo tương xứng vì người tiêu dùng nội địa vẫn còn chưa thực sự phân biệt được sự khác nhau giữa các sản phẩm này.

Tại TPHCM, dù nhận được hỗ trợ của các viện-trường và Khu Nông nghiệp công nghệ cao, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ trồng trọt theo phương pháp hữu cơ vẫn đang rất chật vật để sinh tồn.

“Đủ chi phí vận hành là may lắm rồi. Muốn thu hồi vốn phải ngoài 3 năm mới dám nghĩ tới”, bà Đinh Thị Thu Hằng,  Giám đốc của dự án trồng rau hữu cơ tại Củ Chi có tên “Vườn rau nhà mình” chia sẻ. 

Một trang trại rau được chứng nhận hữu cơ quốc tế. Ảnh: Báo Người lao động

Cần khung pháp lý nâng đỡ nông nghiệp hữu cơ

Bên cạnh việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), giới tinh hoa của ngành nông nghiệp tin rằng chỉ có xúc tiến nông nghiệp hữu cơ mới mang lại vận hội mới cho nông nghiệp nước nhà.

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất phân bón và môi trường phía nam, trước mắt cần chấn chỉnh ngay việc nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật; cần giải pháp hạn chế lạm dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học trong nông nghiệp, nhất là các loại độc hại mà nhiều nước đã cấm sử dụng.

Những đại lý phân phối chế phẩm nông nghiệp cũng cần được quản lý chặt, vì đây chính là nơi hướng dẫn sử dụng và bán phân-thuốc hóa học. Thay vào đó, chức năng tuyên truyền, khuyến nghị canh tác phải do các cơ quan chuyên ngành đảm trách. Đó có thể là Trung tâm Khuyến nông, Cục Bảo vệ thực vật hoặc Cục Trồng trọt.

Ở các mắt xích khác của ngành nông nghiệp hữu cơ, đa số tiếng nói của giới khoa học, đại diện nông dân và DN tham gia hội nghị về quản lý nông nghiệp vừa được tổ chức tại TPHCM đều cho rằng: Phải có thêm hàng loạt quy định về sản xuất, quy định về hỗ trợ nông dân, hỗ trợ DN sản xuất-chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; chủ trương quy hoạch và tập trung đầu tư sản xuất một số loại nông sản hữu cơ mà Việt Nam có thế mạnh như rau quả, chè, cà phê, điều, hồ tiêu.

Gác lại bức tranh còn lỗ chỗ sáng tối của các DN nhỏ đang chạy đua “tự phát” với mục tiêu sản xuất nông sản hữu cơ, ngành nông nghiệp hữu cơ đã bắt đầu ghi nhận sự nhập cuộc của những “tay chơi lớn” như Ecolink-Ecomart, Organik Đà Lạt, Viễn Phú Green Farm, Vinamit, TH True Milk, hay mô hình sản xuất cam sành hữu cơ đặc sản ở Hàm Yên (Tuyên Quang)…

Hiện nông nghiệp Việt Nam không còn quá xa lạ với các mô hình thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, EuroGAP, AsiaGAP hoặc GlobalGap. Về lý thuyết, những mô hình này cũng mang lại các nông sản tốt và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều tình trạng “trồng rau 2 luống, nuôi lợn 2 chuồng”.

GS. TS. Phạm Văn Biên kiến nghị, cần nhanh chóng xây dựng quy chuẩn tiêu chuẩn cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng hệ thống kiểm tra giám sát cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, sớm ban hành những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học trong nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông nghiệp hữu cơ.

Cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ các DN sản xuất kinh doanh phân bón hữu cơ sinh học hay chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học, đẩy mạnh liên kết giữa các nhà khoa học và các DN thông qua hợp đồng chuyển giao kết quả nghiên cứu các chế phẩm sinh học để đưa vào sản xuất quy mô hơn… hiện nhiều viện-trường cũng xắn tay vào tự sản xuất phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học khác, nhưng vì thiếu thốn trang thiết bị cho sản xuất, đóng gói, bảo quản, làm thương hiệu, nên số lượng sản phẩm sản xuất hạn chế và chất lượng thiếu ổn định.

GS. TS. Phạm Văn Biên cũng cho rằng, cần quy hoạch một số sản phẩm hữu cơ cụ thể chủ lực là thế mạnh của Việt Nam như: Rau quả, chè, cà phê, điều, hồ tiêu. Xây dựng quy trình canh tác hữu cơ phù hợp và quy hoạch cả quy mô vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đó.

Tác giả bài viết: Phương Hiền

Nguồn tin: baochinhphu.vn