Chuỗi thực phẩm của C.P

Chuỗi thực phẩm của C.P
Từ khi mới đầu tư vào Việt Nam, C.P Việt Nam đã quan tâm tới việc liên kết với nông dân để xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi an toàn thực phẩm, an toàn sinh học.

Mô hình này đã được C.P Việt Nam duy trì có hiệu quả và liên tục phát triển trong hơn 20 năm qua.  

Đi đầu liên kết với nông dân

Theo TS Kiều Minh Lực, Phó TGĐ C.P Việt Nam (CPV), năm 1993, khi vừa bắt tay đầu tư vào Việt Nam, CPV đã đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Không lâu sau đó, CPV đã bắt đầu liên kết với nông dân để nuôi gà công nghiệp theo hình thức công ty đầu tư thức ăn, con giống, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật vào bao tiêu sản xuất. Còn nông dân đầu tư cơ sở vật chất, lao động, điện nước... và quản lý toàn bộ quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra. Hình thức liên kết này được gọi ngắn gọn là nuôi gia công. Và có thể nói, CPV là đơn vị đi tiên phong trong việc liên kết với nông dân Việt Nam để chăn nuôi theo quy mô công nghiệp. Qua đó, có đóng góp rất lớn vào việc hình thành và phát triển chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân ở nước ta.

09-38-35_bi_30-4_-_mo_hinh_cp_-_nh_1
Một trang trại hiện đại của C.P Việt Nam. (Ảnh: NT).

Từ thành công của liên kết với nông dân chăn nuôi gà công nghiệp, đến đầu những năm 2000, CPV bắt đầu liên kết với các trang trại để chăn nuôi heo, theo mô hình giống như đã áp dụng với chăn nuôi gà. Việc liên kết này cũng nhanh chóng thu được thành công. Và cùng với gà công nghiệp, heo đã trở thành 1 trong 2 sản phẩm chăn nuôi chủ lực của CPV, giúp công ty xác lập vị thế là doanh nghiệp hàng đầu của ngành chăn nuôi Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.

Ở chiều ngược lại, hợp tác nuôi heo với CPV, đã giúp cho rất nhiều hộ nông dân trở nên khá giả. Nhiều hộ trong đó đã liên tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại để tăng đàn. Hiện nay, trong toàn bộ hệ thống của CPV, đã không còn những trang trại quy mô nhỏ. Tất cả đều là các trang trại có quy mô vừa trở lên, từ 600 - 2.400 con heo nái và 1.000 - 14.000 con heo thịt.

Nhiều chủ trại không còn tham gia vào quản lý quá trình sản xuất nữa, mà giao cho CPV thực hiện. Nhiều cá nhân có đất đai, có khả năng kinh tế, cũng đầu tư xây dựng chuồng trại để cho CPV thuê. Từ đây, xuất hiện thêm hình thức liên kết thứ 2 của CPV trong chăn nuôi heo là công ty thuê cơ sở vật chất của các trang trại để tiến hành chăn nuôi.

Theo đà phát triển của kinh tế đất nước, của ngành chăn nuôi và của từng trang trại, ngoài việc đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn thực phẩm, các trang trại heo của CPV cũng ngày càng được cải thiện theo hướng tăng cường an toàn sinh học. Nếu như thời gian đầu, nhiều trang trại vẫn còn ở gần sát các nhà dân, phần nhiều vẫn là trang trại hở..., thì dần dần, những trang trại như thế đều đã không còn nữa.

Từ nhiều năm nay, tất cả các trang trại chăn nuôi heo của CPV đều là trại kín, được bố trí xa khu dân cư, xa các trại chăn nuôi khác nhằm đảm bảo về an toàn sinh học, giảm thiểu rủi ro do lây lan dịch bệnh giữa các trại chăn nuôi. Đồng thời kết hợp với vành đai cây trồng là vùng đệm quan trọng trong bảo vệ và duy trì điều kiện an toàn sinh học cũng như bảo vệ môi trường, phát triển hệ sinh thái cây trồng – vật nuôi. Trại chăn nuôi heo nái và trại chăn nuôi heo giống hậu bị hoặc heo thịt được tách rời nhau, phân bố ở nhiều địa phương trên cả nước, phù hợp với điều kiện đất đai và khả năng đầu tư của người dân, đồng thời cũng là yếu tố giảm thiểu thiệt hại trước mối đe dọa của dịch bệnh.

Ngoài các biện pháp quản lý nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đảm bảo an toàn thì các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại trại chăn nuôi luôn được quan tâm thắt chặt đảm bảo ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh vào trại thông qua xe vận chuyển, vật dụng, con người và các vật chủ trung gian khác như các loại vật nuôi, côn trùng.

Việc CPV xây dựng các trung tâm phân phối heo hơi cũng là một giải pháp hiệu quả trong phòng chống các loại dịch bệnh. Theo đó, tất cả heo thịt từ các trang trại được vận chuyển về trung tâm phân phối heo hơi bằng xe của công ty và từ đó heo hơi được phân phối cho khách hàng, tạo sự tiện lợi cho khách hàng và giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nhờ việc xây dựng chuồng trại và quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học như vậy, CPV khá tự tin trong việc đối phó với dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Đến nay, chưa có trang trại nào, kể cả các trang trại ở Miền Bắc, của công ty, bị ASF xâm nhập. Ngoài ra, theo ông Montri Suwanposri, TGĐ CPV, công ty còn sẵn sàng tham gia giúp đỡ các trang trại, nông hộ bên ngoài hệ thống của công ty, đối phó với ASF.  

Chuỗi thực phẩm an toàn 3F

Nhằm khép kín chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, từ hơn 20 năm nay, CPV đã nghiên cứu và phát triển mô hình 3F, bao gồm các yếu tố về tổ chức sản xuất, kỹ thuật và quản lý.

09-38-35_bi_30-4_-_mo_hinh_cp_-_nh_2
Chế biến xúc xích trong nhà máy chế biến thực phẩm của C.P Việt Nam. (Ảnh: NT).

3F là viết tắt của feed – farm – food (thức ăn chăn nuôi – trang trại – thực phẩm giàu protein động vật). Tức là quy trình sản xuất thực phẩm an toàn bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi, tới quá trình nuôi ở các trang trại và đến khâu chế biến thực phẩm. Nhìn tổng thể, khái niệm 3F chứa đựng ba nội dung quan trọng là: cân đối cung cầu của chuỗi giá trị feed - farm - food trong chiến lược an ninh lương thực; hiệu quả của chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm thông qua hệ thống feed - farm - food; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua chuỗi feed - farm - food.

Đến nay, CPV đã áp dụng chuỗi 3F vào chăn nuôi heo, gà công nghiệp và thủy sản, với sự tham gia của tất cả các trang trại trong hệ thống của công ty. Ở cả 3 đối tượng nuôi nói trên, công ty đều khép kín từ đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc thú y) tới quá trình nuôi ở các trang trại và đến khâu chế biến thực phẩm (xúc xích, giò chả, lạp xưởng, sản phẩm chế biến từ tôm, cá tra…). Các sản phẩm chế biến từ heo, gà của công ty đã có chỗ đứng ở thị trường trong nước, nhiều sản phẩm chế biến từ thủy sản đã được xuất khẩu.

Riêng về chăn nuôi heo, TS Kiều Minh Lực cho biết, nhờ mô hình 3F mà CPV đã phát triển và duy trì được đàn heo giống cụ kị (GGP) có quy mô lớn về tổng đàn, có năng suất cao và sạch bệnh đối với các bệnh gây thiệt hại kinh tế lớn cho chăn nuôi heo như bệnh tiêu chảy heo con (PED), bệnh tai xanh (PRRS) và ngày nay là bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF). Hệ thống nhân giống heo từ cụ kị (GGP) đến ông bà (GP) và bố bẹ (PS) là nền tảng căn bản cho phát triển chăn nuôi heo của doanh nghiệp và của quốc gia. Đảm bảo khả năng sản xuất con giống sạch bệnh cho hệ thống sản xuất heo thịt thương phẩm cung cấp thịt heo cho người tiêu dùng.

Ngoài giống heo thịt phổ biến trên thị trường trong nước và thị trường thế giới, CPV đang sản xuất loại thịt heo đặc sản mang tên Kurobuta có chất lượng thịt khác biệt. Sản phẩm đang được bán tại một số siêu thị và điểm phân phối ở khu vực TP.HCM.

Chăn nuôi heo Việt Nam mặc dù đang trong thời kỳ của dịch bệnh ASF, một loại dịch mà phần đông các nước chưa có dịch bệnh này hạn chế hoặc không nhập khẩu thịt heo từ những nước có dịch bệnh ASF. Tuy nhiên, với những kết quả phòng chống dịch bệnh hiện nay và những đặc điểm của dịch bệnh thì Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến khả năng xuất khẩu thịt heo trong tương lai.

Để có được một nền chăn nuôi heo hiệu quả về kinh tế, xuất khẩu được thịt heo trong tương lai thì giải pháp an toàn sinh học để phát triển đàn heo sạch bệnh là yếu tố cốt tử.

(TS Kiều Minh Lực, Phó TGĐ CPV)

THANH SƠN - NGUYỄN THỦY/ Nông nghiệp