Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
- Thứ bảy - 08/09/2018 04:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Quy hoạch vùng sản xuất Bắc Giang vốn là tỉnh thuần nông, với hơn 70% số hộ sản xuất nông nghiệp. Nhận thức sâu sắc đặc điểm kinh tế của địa phương, từ năm 2016, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết 130 NQ/TU về chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất. UBND tỉnh có kế hoạch triển khai cụ thể hóa thực hiện nghị quyết. HÐND tỉnh có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ƯDCNC giai đoạn 2017 - 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết: Trước hết phải tuyên truyền giúp người nông dân bỏ tư duy sản xuất manh mún, chuyển sang làm ăn có quy hoạch, kế hoạch theo hướng sản xuất hàng hóa ƯDCNC theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất theo phong trào, được mùa rớt giá. Tỉnh, huyện, các ngành nông nghiệp, khoa học - công nghệ mở hàng trăm lớp tuyên truyền, tập huấn ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất cho nông dân và cán bộ cơ sở thôn, xã. Những thắc mắc, băn khoăn của nông dân được cán bộ giải đáp cặn kẽ. Ðồng thời, tỉnh chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất theo từng loại cây trồng, vật nuôi. Các huyện miền núi Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Ðộng, Yên Thế là vùng trồng vải thiều, na, cây có múi và chăn nuôi gia cầm, đại gia súc. Các huyện, xã vùng trung du sản xuất lúa giống mới và trồng rau màu chất lượng cao. Trên cơ sở quy hoạch vùng, ngành nông nghiệp và các huyện xây dựng các điểm sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, đặc điểm canh tác của nông dân. Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp cho từng cây giống, vật nuôi đã giúp cho cơ sở định hướng rõ địa chỉ đủ điều kiện xây dựng vùng ƯDCNC vào canh tác. Theo đó, tỉnh chọn huyện Lục Ngạn là trung tâm trồng vải thiều với hơn 24 nghìn ha. Bước đầu, huyện Lục Ngạn chọn làm thí điểm 20 ha ở xã Hồng Giang. Qua ba vụ áp dụng quy trình VietGAP vải ở đây cho quả to, mã đẹp, ngon ngọt, được khách hàng đến mua tại vườn với giá cao gấp hai lần so với giá trung bình ngoài chợ. Việc ứng dụng công nghệ đã mang lại giá trị cao, thu hút hàng trăm hộ liên kết với nhau, đưa diện tích vải thiều sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP ở Lục Ngạn lên hơn 1.000 ha. Nhờ ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, cây vải thiều ở Lục Ngạn từ vùng thấp đã được đưa lên trồng ở cả các xã vùng cao, đem lại đời sống no đủ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ðầu tư cho các hợp tác xã Khó nhất trong việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp là vận động các hộ nông dân dồn điền đổi thửa. Ông Lưu Văn Kiên, Chủ nhiệm HTX rau sạch huyện Yên Dũng cho biết, HTX được thành lập tháng 4-2016 với bảy thành viên, góp được 13 ha đất. Sản phẩm chính của HTX gồm: Bắp cải, súp lơ, dưa lê ngọt, rau. Vận động dồn điền đổi thửa không được, HTX phải mua đất có thời hạn với giá một triệu đồng/sào trong 10 năm, trả tiền ngay từ đầu. Những hộ cho thuê ruộng được vào làm việc trong HTX với mức lương từ 100 đến 140 nghìn đồng/ngày. Nhờ năng động, HTX đã có vùng quy hoạch sản xuất 30 ha và 20 ha của gia đình ở xã khác tham gia làm vệ tinh sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật của HTX, sản phẩm được HTX bao tiêu. HTX chăn nuôi lợn, cá sạch Trường Thành (huyện Hiệp Hòa) ngay từ khi thành lập, đã áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín. Bể cá của HTX có diện tích 3 ha, có bể nuôi kỹ thuật 250 m2 được xây dựng theo công nghệ bơm đẩy nước liên tục, vừa đẩy chất thải, vừa buộc cá luôn vận động như cá ngoài tự nhiên. Mỗi bể mỗi lứa, thời gian nuôi từ năm đến sáu tháng, sản lượng 60 tấn cá. Mỗi năm xuất bán hơn 1.000 tấn lợn, cá; trừ chi phí, lợi nhuận đạt 30%, lương người lao động từ sáu đến bảy triệu đồng/tháng. Ngoài mô hình HTX chăn nuôi cá, lợn, ở Hiệp Hòa còn có cơ sở trang trại chăn nuôi gà của ông Văn Hữu Vượng. Theo ông Vượng, để bảo đảm chất lượng gà giống, gia đình ông áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cho nên gà ấp nở đều có chất lượng tốt, thuần. Mỗi ngày cơ sở chăn nuôi của ông Vượng xuất 10 nghìn gà giống, giá 15 nghìn đồng/con, doanh thu mỗi ngày đạt 15 triệu đồng. Ðể có được hiệu quả sản xuất như hiện nay, hai năm qua, các HTX đã đầu tư hơn 67 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân đầu tư gần 37 tỷ đồng. Trong khi kinh phí của T.Ư, tỉnh, huyện hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng, chiếm chưa đến 50% so với tổng số vốn đầu tư của các đơn vị. Do khó vay vốn ngân hàng, nhiều HTX phải vay ngoài với lãi suất cao. Chính vì khó khăn về vốn, Bắc Giang chưa mở rộng các HTX sản xuất nông nghiệp ƯDCNC.
|
HOÀNG TỚI (Bắc Giang) Nguồn: nhandan.com |