Chuyển đổi cơ cấu, đa dạng mô hình

Chuyển đổi cơ cấu, đa dạng mô hình
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng vụ đông năm 2017-2018, nhiều tỉnh phía Bắc vẫn đạt kết quả tốt do tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện đa dạng các mô hình sản xuất, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đặc biệt là sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn… Đây là động lực để các địa phương phấn đấu nâng tổng giá trị sản xuất vụ đông năm 2018-2019 đạt 27.000 tỷ đồng.
Nhiều mô hình điển hình

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT), nhiều mô hình trồng cây vụ đông đã trở thành giải pháp hiệu quả cho các địa phương trong chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn những giống cây trồng có ưu thế trong việc bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và cạnh tranh. Đơn cử, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) trồng bí xanh, bí đỏ thay thế một số diện tích trồng dưa xuất khẩu. Hay mô hình trồng khoai tây tại huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) với diện tích 1.700ha, chiếm khoảng 70% diện tích trồng khoai tây toàn tỉnh, cho thu nhập gấp 3-4 lần so với cấy lúa...

 

 

Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới ở Trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Tại Hà Nội, vụ đông năm 2017-2018 là vụ cây rau “được mùa, được giá” hơn so với những năm trước từ 10 đến 15% và kéo dài từ tháng 9-2017 đến giữa tháng 2-2018, giúp nông dân thu nhập bình quân 250-300 triệu đồng/ha/vụ. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, mặc dù nhiều nơi bị ngập úng bởi mưa bão, nhưng vụ đông của Hà Nội vẫn đạt kết quả tốt do có nhiều mô hình tiêu biểu như: Trồng khoai tây vụ đông bằng giống Marabel (ở huyện Ứng Hòa), giá trị thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/sào Bắc Bộ; mô hình trồng cây ớt tại huyện Thạch Thất cho thu nhập 222 triệu đồng/ha/vụ…

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, vụ đông năm 2017-2018 tại các tỉnh phía Bắc có nhiều điểm nổi trội do nhiều nơi thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, xuất hiện nhiều vùng trồng rau quy mô lớn, tập trung ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… Đặc biệt, nhiều địa phương quan tâm, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, mua giống, máy móc, phân bón, triển khai tập huấn kỹ thuật…, tạo động lực cho nông dân đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích sản xuất.

Phấn đấu đạt giá trị sản xuất 27.000 tỷ đồng

Bộ NN&PTNT nhận định, sản xuất vụ đông năm 2018-2019 của các tỉnh phía Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn bởi diễn biến phức tạp của thời tiết; việc áp dụng cơ giới hóa còn hạn chế do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; cơ chế chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết với nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm... 

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì (TP Hà Nội) Hứa Bá Trình cho rằng, giá vật tư đầu vào không ổn định và luôn trong xu hướng tăng dần, thị trường tiêu thụ bấp bênh... là những yếu tố khiến nông dân không mặn mà với vụ đông. Còn ở tỉnh Điện Biên, một bộ phận nông dân ở vùng sâu, vùng xa thiếu thông tin thị trường, khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế... 

Nhằm tháo gỡ khó khăn để vụ đông năm 2018-2019 đạt kết quả cao, các địa phương đã, đang tích cực chủ động chuẩn bị nguồn giống bảo đảm chất lượng để phục vụ nông dân; thực hiện các chính sách hỗ trợ giá giống rau, màu; lãi suất tiền vay mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp… Tại huyện Mê Linh, “vựa” rau của Hà Nội, đã hỗ trợ nông dân các xã Liên Mạc, Tự Lập, Thanh Lâm… giống đậu tương và khoai tây để gieo trồng trên tổng diện tích 250ha; huyện Thường Tín hỗ trợ nông dân 100% giá giống cho 100% diện tích trồng bí xanh, bí đỏ, dưa chuột...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, vụ đông năm 2018-2019, Hà Nội gieo trồng 39.000ha, sử dụng cơ cấu giống ngắn ngày là chủ lực, bao gồm cây rau, đậu tương, ngô, lạc, khoai lang, khoai tây... Riêng cây rau sẽ mở rộng diện tích cây ưa lạnh, các vùng rau chuyên canh bố trí trồng rải vụ, đặc biệt lưu ý giảm lứa rau giáp vụ gieo cấy lúa xuân…

Để đạt mục tiêu giá trị sản xuất vụ đông năm 2018-2019 đạt 27.000 tỷ đồng, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương cần tập trung kiểm tra, rà soát điều chỉnh vùng gieo trồng cây vụ đông và cơ cấu cây trồng bảo đảm hợp lý; chỉ đạo thu hoạch nhanh, gọn diện tích vụ mùa để giải phóng đất trồng vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất. Cùng với đó là chủ động đề ra các phương án đối phó với bão, mưa, úng ngập đầu vụ và ảnh hưởng của dịch bệnh; tiếp tục hỗ trợ các mô hình để mở rộng sản xuất; tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động giới thiệu, cung cấp cho các địa phương những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, sơ chế và bảo quản nông sản nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho cây trồng vụ đông.

Tác giả bài viết: Ánh Dương

Nguồn tin: Báo Hà Nội Mới