Chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổng kết hai năm thực hiện Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”. Dự án có tổng số vốn 301 triệu USD; trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 238 triệu USD, vốn đối ứng Chính phủ 28 triệu USD và vốn tư nhân 35 triệu USD, có hiệu lực trong 5 năm (2015-2020) tại tám tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và năm tỉnh Tây Nguyên. Mục tiêu của dự án nhằm mang lại sự chuyển biến tích cực đối với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thông qua các hoạt động rà soát và xây dựng chiến lược cơ cấu lại đối với 10 ngành hàng xuất khẩu trị giá hơn một tỷ USD của Việt Nam gồm: lúa gạo, cà-phê, tiêu, cao-su, điều, gỗ, sắn, trái cây, cá tra và tôm.

Đến nay, sau hai năm triển khai thực hiện, hai ngành hàng được đánh giá có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất là lúa gạo và cà-phê. Theo đó, tổng diện tích lúa được doanh nghiệp bao tiêu là 23 nghìn ha trên tổng số 50 nghìn ha mục tiêu, lợi nhuận tăng 14% so với thời điểm chưa áp dụng dự án, từ 33,1 triệu đồng/ha lên 37,1 triệu đồng/ha. Năm 2017, hơn 60 nghìn nông dân tham gia dự án đã được đào tạo về quy trình canh tác lúa bền vững áp dụng “ba giảm ba tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế) và “một phải năm giảm” (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch). Thông qua dự án, gần 166.200 nông dân đã được đào tạo về kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, kỹ thuật canh tác và tái canh cà-phê bền vững. Đồng thời đã thực hiện hơn 150 điểm trình diễn phục vụ các lớp tập huấn kỹ thuật lúa, cà-phê. Kết quả là, chi phí sản xuất đối với lúa gạo giảm từ 7 đến 12% và đối với cà-phê giảm từ 10 đến 15%.

Bên cạnh những hiệu quả bước đầu, dự án đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất chính là việc dù nhiều nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác mới, tỷ lệ áp dụng từ lý thuyết vào sản xuất lúa, cà-phê mới chỉ chiếm chưa đến 50%. Đây được coi là “điểm nghẽn” lớn nhất trong quá trình thực hiện, thay vì là nguồn vốn. Vì vậy, trong thời gian tới, cơ quan chức năng quản lý dự án và các địa phương thụ hưởng cần tập trung tuyên truyền, thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ nông dân áp dụng các kiến thức mới vào canh tác. Trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, nông dân là một mắt xích quan trọng nhất. Chỉ khi họ hiểu rõ và lựa chọn các kỹ thuật, công nghệ sản xuất hướng tới sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái thì nền nông nghiệp mới có “điểm tựa” để chuyển đổi bền vững.

Theo Báo Nhân dân