Chuyển động tươi sáng cho ngành chè

Chuyển động tươi sáng cho ngành chè
Nhằm nắm bắt thực tế và có định hướng cho ngành chè Việt Nam trong giai đoạn tới, vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã có chuyến khảo sát và làm việc tại một số HTX và vùng SX cũng như cơ sở SX chế biến chè tại tỉnh Thái Nguyên, nhất là tại 2 vùng chè lớn của tỉnh này là Tân Cương (TP Thái Nguyên) và huyện Đồng Hỷ.
15-38-01_2
Nhiều HTX chè tại Tân Cương đang chuyển mạnh sang hướng SX hữu cơ, chất lượng cao. (Ảnh: Quỳnh Trang).

Thứ trưởng đánh giá: Với diện tích chè nguyên liệu trên 21 nghìn ha (trong đó hơn 19 nghìn ha đang cho khai thác) và đang tiếp tục được mở rộng, Thái Nguyên đang là một trong 2 vựa chè lớn nhất cả nước (cùng với Lâm Đồng). Ngoài giống chè Trung du bản địa chiếm khoảng 50-60% tổng diện tích chè, Thái Nguyên đang đẩy mạnh việc đưa các giống chè mới vào SX như LDP1, PH8, TRI777... Đây là những giống chè do các viện nghiên cứu của Bộ NN-PTNT chọn tạo, có chất lượng tốt, năng suất cao, có thể bổ sung cho giống chè Trung du truyền thống. Thái Nguyên hiện cũng đã hình thành được hệ thống các vườn giống gốc, đảm bảo cung ứng giống chè có kiểm soát chặt chẽ về chất lượng...

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại Thái Nguyên cũng đã đầu tư các dây chuyền chế biến, đóng gói hiện đại, đa dạng về chủng loại sản phẩm, trong đó chủ yếu đi vào dòng sản phẩm chè hái tay, chế biến chè xanh đặc sản, có giá bán bình quân lên tới 500 nghìn đồng/kg, nhiều dòng sản phẩm lên tới 3-5 triệu đồng/kg. Nhiều vùng nguyên liệu đã đẩy mạnh thâm canh, lắp đặt hệ thống tưới chủ động cho vườn chè, giúp nâng cao 20-30% năng suất so với trước đây. Một số hộ dân ở vùng chè Tân Cương (TP Thái Nguyên) cũng đã tiếp cận với SX chè công nghệ cao, sử dụng thiết bị bay định vị vệ tinh để phun thuốc BVTV; hoặc SX theo hướng hữu cơ (điển hình như HTX chè Trung du Tân Cương, cơ sở SX và chế biến chè Tiến Yên...). Tại vùng chè Tân Cương, hàng chục cơ sở SX, gắn với vùng nguyên liệu chè chất lượng cao đã thành công trong việc gắn SX chè với các dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với hoạt động SX, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chè.

Bên cạnh đó, qua dự án khuyến nông Trung ương về SX chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được triển khai tại Thái Nguyên giai đoạn 2017-2019, đã tạo cú hích rất lớn cho việc hình thành vùng chuyên canh chè đảm bảo chất lượng, an toàn, bền vững. Đây là cơ sở rất quan trọng để ngành chè Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu, từng bước đáp ứng sâu rộng hơn tại các thị trường khó tính, giá trị cao, đẩy mạnh XK...

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch XK chè của Việt Nam tăng trên 16%. Đây là tín hiệu rất sáng sau nhiều giai đoạn khó khăn của ngành chè. Vì vậy, chủ trương của Bộ NN-PTNT là sẽ phải tiếp tục tạo sự phát triển bền vững, chất lượng, an toàn, gắn với nâng cao giá trị gia tăng cho cây chè, trong đó, lấy Thái Nguyên làm mô hình trọng điểm để nhân rộng, tạo sự lan tỏa cho các vùng chè lớn khác của cả nước như Mộc Châu (Sơn La), Lâm Đồng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái...

“Sự thành công của dự án này sẽ là cơ sở để Bộ NN-PTNT tiếp tục rà soát, điều chỉnh, nhằm có các dự án tiếp theo để phát triển ngành chè bền vững, an toàn, theo chiều sâu, chất lượng cao...” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Đổi mới phương thức khuyến nông

Dự án khuyến nông SX chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, địa phương có diện tích chè lớn nhất nước thời điểm hiện tại (khoảng hơn 21 nghìn ha) chủ trì triển khai.

Đây là lần đầu tiên, một dự án khuyến nông cấp Trung ương được Bộ NN-PTNT đổi mới phương thức tổ chức triển khai, giao trực tiếp cho một trung tâm khuyến nông cấp tỉnh (Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên) chủ trì thực hiện.

Quy mô của dự án, bên cạnh việc cải thiện cho khâu tổ chức SX, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho cây chè tại tỉnh Thái Nguyên, còn được triển khai tại 5 tỉnh khác có diện tích chè lớn ở phía Bắc gồm Hà Tĩnh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai và Yên Bái.

PHẠM HIẾU/ Nông nghiệp