Chuyển mình nơi “cửa ngõ” miền Tây
- Thứ năm - 30/08/2018 22:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Biên giới khởi sắc
Đến Long An những ngày tháng 8 lịch sử, đâu đâu cũng thấy bóng cờ đỏ sao vàng. Người dân nơi đây mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong niềm phấn khởi, tự hào sâu sắc với những đổi thay của quê hương. Đổi thay rõ nét nhất, có thể kể đến những xã biên giới thuộc các huyện: Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Nhiều năm trước, khu vực này chỉ là những bãi đất bỏ hoang, những vùng trũng đầm lầy nghèo khó. Còn giờ đây, dọc theo các con đường thênh thang, hiện đại là những cánh đồng lúa bạt ngàn, những căn nhà ngói đỏ, mái tôn mọc lên ngày càng nhiều. Giao thông nông thôn đi lại dễ dàng, hệ thống trường lớp, nhà văn hóa, trạm y tế đều được xây dựng khang trang.
Có mặt tại xã Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với ông Võ Văn Toàn (sinh năm 1927), trú tại ấp Ông Nhan Tây. Năm nay đã bước sang tuổi 91, gương mặt đã in dấu thời gian, sức khỏe cũng không còn như trước, nhưng ánh mắt của ông như vẫn sáng lên khi kể với chúng tôi về cách mạng mùa Thu Tháng Tám trên quê hương mình. Lúc đó, ông Toàn vừa tròn 18 tuổi. Tinh thần cách mạng và khí thế sục sôi sau những ngày mới giành chính quyền đã thôi thúc chàng trai trẻ Võ Văn Toàn tham gia quân ngũ.
Dù trưởng thành trong những năm tháng chiến tranh, tôi luyện suốt mấy chục năm trong lực lượng Công an nhân dân, nhưng khi nhìn lại non một thế kỷ gắn bó với những đổi thay trên mảnh đất này, ông Toàn cứ ngỡ mình vừa trải qua một giấc mơ. “Trước kia, vùng quê này nghèo lắm. Sau cách mạng thì đỡ hơn, nhưng rồi lại chiến tranh liên miên, cuộc sống của người dân vẫn còn vất vả, thiếu thốn, nhất là vùng biên giới. Thế nhưng, giờ đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và nỗ lực vươn lên của nhân dân địa phương, trên dùng đất này đã có nhiều đổi mới vượt bậc, nhà cửa khang trang, đường sá rộng rãi, trẻ em được học hành đến nơi đến chốn. Không chỉ người dân Bình Hiệp chúng tôi, mà bất cứ nơi nào ở Long An cũng vậy, người dân chúng tôi ai cũng mừng vui, phấn khởi”.
Niềm vui của người dân Bình Hiệp, trong đó có ông Toàn là thành quả sau biết bao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương suốt nhiều năm qua. Ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, cho biết: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, xã Bình Hiệp luôn nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân. Đến nay, toàn xã có hơn 600ha đất trồng lúa ứng dụng công nghệ cao, chất lượng cao, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Bên cạnh đó, năm 2011, với việc nâng cấp từ cửa khẩu quốc gia lên cửa khẩu quốc tế, Bình Hiệp đã tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế khu vực biên giới nói chung, xã Bình Hiệp nói riêng, lưu lượng người qua lại trao đổi, buôn bán hàng hóa ngày càng tăng. Đặc biệt, nhờ sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong xã mà năm 2014, Bình Hiệp đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới”.
Đô thị chuyển mình
Rời khu vực biên giới với cuộc chuyển mình no ấm, bình yên, chúng tôi trở về thành phố Tân An sầm uất với cuộc sống nhộn nhịp, hoạt động giao thương tấp nập. Suốt mấy chục năm qua, các thế hệ cán bộ và nhân dân thành phố Tân An đã, đang và tiếp tục dồn tâm huyết, trí tuệ trong lao động sản xuất, kinh doanh để dựng xây thành phố mới trên mảnh đất anh hùng. Trên khu vực chiến trường bị tàn phá khốc liệt năm xưa, một thành phố đang vươn mình mạnh mẽ với điện sáng phố phường, nhiều khu dân cư, thương mại, công nghiệp văn minh, hiện đại xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Long An. Từ sản xuất thuần nông, tự cấp tự túc, ngày nay người dân thành phố Tân An đã vươn lên bắt nhịp với cuộc sống đô thị, phát triển nhanh về thương mại và dịch vụ.
Đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng về kinh tế của tỉnh Long An có vai trò của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tính đến nay, Tân An có trên 8.000 hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt là cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn hiện có 40 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động. Nhờ đó mà tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của thành phố luôn ở mức cao (trên 14,6%/năm), tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2017 là 58,3 triệu đồng, đến nay, ước tính đạt 64,7 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Trang, một hộ kinh doanh quần áo ở chợ đêm Tân An cho biết: “Chợ đêm đi vào hoạt động đến nay chừng 9 năm, nhộn nhịp nhất là từ 17 giờ đến khoảng 22 giờ. Những ngày đầu chợ mới đi vào hoạt động chỉ có vài chục gian hàng, nhưng đến nay lên đến khoảng 200 gian hàng, có đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép đến trang sức,... giá cả cũng bình dân, phù hợp với người lao động. Đặc biệt, thời gian qua, chính quyền thành phố Tân An luôn có những chính sách khuyến khích cho những hộ kinh doanh như chúng tôi, vì thế, mọi người ai cũng cũng phấn khởi và làm ăn thuận lợi”.
Nói về bức tranh kinh tế-xã hội của địa phương, ông Huỳnh Văn Nhịn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tân An cho biết: “Những năm qua, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu để đưa Tân An xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Đặc biệt, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đoàn kết chung tay, góp sức xây dựng thành phố ngày càng khang trang theo hướng sáng- xanh-sạch-đẹp, văn minh đô thị đã được triển khai mạnh mẽ. Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố đang nỗ lực, phấn đấu đưa Tân An đạt đô thị loại II trước năm 2020”.
Nhắc đến Long An, chúng ta nghĩ ngay đến những sản phẩm nổi tiếng từ nông nghiệp như: Gạo nàng thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen, dưa hấu Long Trì, thanh long Châu Thành... Đặc biệt, lúa gạo ở Long An là sản phẩm nông nghiệp chủ lực chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An ước đạt 9,53%, GRDP bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/năm. Trong năm 2018, Long An đã đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,4%, GRDP bình quân đầu người 68 triệu đồng/năm, thu ngân sách Nhà nước 12.855 tỷ đồng.
Và những điều bất biến
Về Long An hôm nay, người ta dễ dàng thấy rõ sự thay da đổi thịt hằng ngày trên mảnh đất quê hương. Nhưng trong sự vận động không ngừng của nhịp sống hiện đại, có những điều dường như vẫn đọng lại mãi với thời gian. Đó là tinh thần, cốt cách của miền đất, con người nơi đây. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử cách đây tròn 73 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tỉnh Tân An (nay là Long An) là địa phương giành được chính quyền đầu tiên ở Nam bộ từ tay thực dân, đế quốc.
Người dân Tân An ngày ấy đi tiên phong trong Cách mạng Tháng Tám, thì đến hôm nay, nhân dân Long An tiếp tục tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Long An hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, từ nông thôn đến thành thị đã từng bước thay đổi về mọi mặt, nhưng tinh thần cách mạng, cốt cách con người Long An hào sảng, kiên cường, chất phác, chịu thương, chịu khó và luôn có ý chí vươn lên thì vẫn vẹn nguyên. Đó là một trong những giá trị cốt lõi làm động lực cho mảnh đất Long An chuyển mình, hòa vào dòng chảy mạnh mẽ của thời đại, của sự đổi mới đang cuộn dâng trên mảnh đất “Chín Rồng”.