Chuyện một người Úc làm nông nghiệp bền vững
- Thứ sáu - 10/08/2018 23:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân Christopher Dunn (áo xanh) cùng những người bạn trong một lần thăm vườn nông nghiệp tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm |
Một người Úc dân dã
Chris, tên thân mật mà ông Christopher Dunn muốn mọi người gọi mình, thích mặc quần ngắn, cởi trần khi làm vườn. Khi tiếp tôi tại vườn rau nhà mình tại xã đảo Cẩm Kim, thành phố Hội An, ông cũng giữ nguyên vẻ nông dân giản dị như vậy cùng với giọng nói rổn rảng, chân thành.
Không để tôi kịp ngồi xuống, Chris kéo tay tôi dắt qua khu vườn rau và nuôi gà của ông. Đi tới đâu, ông chỉ tay giới thiệu một cách tỉ mỉ tới đó. Ông bứt những lá rau mồng tơi, ăn tại chỗ và còn mời tôi ăn: “Bạn ăn đi, không sợ đau bụng đâu. Rau ở đây tôi trồng theo phương pháp hữu cơ, rất sạch”. Sự nhiệt thành của người nông dân Úc mà tôi quen cách đây không lâu làm tôi quên đi cái nắng trưa oi bức và mồ hôi ướt áo để nghe ông kể về tâm huyết của mình.
Sau 20 phút tham quan vườn rau, ông Chris kéo tôi vào quán cà phê, bắt đầu kể chuyện. Người đàn ông sắp bước qua tuổi lục tuần này đã sống tại Hội An hơn ba năm. Suốt ngày, hầu như ông gắn chặt công việc với đất, cây cỏ, vườn tược và gia súc gia cầm. Buổi sáng, ông xem xét từng bụi chuối, từng luống mồng tơi cho đến từng cành hoa oải hương. Ông không ngại dùng tay bốc đất trồng lên ngửi để xem đất có khỏe không. Ông nói đất ông dùng để trồng rau củ quả được chăm sóc rất kỹ, không có chút hóa chất nào. Sau khi chăm sóc vườn rau, ông lại quay sang cho gà ăn, cả đàn gà được nuôi thả trong vườn.
Ông Chris thường xuyên cùng một nhóm bạn đi thăm các nông trại trồng rau hữu cơ tại Quảng Nam và Đà Nẵng, trong đó có nhiều nơi ông đã hỗ trợ không công trong những năm qua. Nông trại Rơm Vàng tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là một ví dụ. Anh nông dân trẻ Nguyễn Văn Nhân, đồng sáng lập nông trại, bày tỏ sự cảm kích với người đã giúp mình. “Ông Chris đi nhiều nơi trên thế giới để thực hành và truyền bá về nông nghiệp tự nhiên bền vững. Ông là người dễ gần, thân thiện, hết lòng giúp đỡ những ai quan tâm đến nông nghiệp và môi trường dù là hữu cơ, tự nhiên hay canh tác truyền thống”, anh Nhân nói và cho biết ông Chris đã hỗ trợ cho nông trại Rơm Vàng rất nhiều từ lúc xây dựng đến cả khi vận hành nông trại. Ông đã giúp nông trại liên hệ với các đơn vị kinh doanh và trồng trọt theo hướng hữu cơ để tạo cơ hội hợp tác, đồng thời giới thiệu nông trại đến mọi người và các tổ chức trên các mạng xã hội. Ông cũng dẫn những đối tác, bạn bè trong và ngoài nước tới tham quan nông trại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu...
Người nông dân Úc nói rằng đây là một phần trong hoạt động hàng ngày của mình suốt ba năm sống ở hòn đảo yên bình này. Ông Chris cũng thường ghé thăm nhiều nông trại ở các địa phương khác để giúp những người nông dân có thu nhập thấp cải thiện cuộc sống của họ thông qua làm nông nghiệp bền vững. Ông giúp những nông dân khởi nghiệp có nhu cầu phát triển dự án canh tác hữu cơ thông qua phương pháp mà ông đem đến Việt Nam. Ông Chris chia sẻ với TBKTSG rằng ông yêu Hội An và mọi người ở đây. Ông mến nông dân Việt Nam. Vì vậy, ông sẽ tiếp tục giúp nông dân cải thiện cuộc sống của họ thông qua phương pháp của mình trong nhiều năm sắp tới.
Cuộc đời không chỉ có màu hồng
Trong cuộc nói chuyện, giọng ông có đôi lúc trầm xuống khi tôi hỏi về lý do ông đến Việt Nam và duyên cớ gắn bó với mảnh đất Hội An này. Trong cách ông kể, tôi nhận ra được cuộc đời của người đàn ông 59 tuổi này cũng lắm trắc trở từ lúc đi học cho đến khi đi làm, lập gia đình. Sự gian truân vẫn đeo đuổi cho đến lúc ông tới Hội An.
Ông Chris tốt nghiệp trường AHS Sydney (Úc) chuyên ngành du lịch-khách sạn vào năm 1978. Gần một thập kỷ sau khi đi làm, ông chọn một hướng đi khác khi xách cặp đi học tại trường Khoa học Y tế Cumberland, ngành sinh học nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, ông Chris đã làm việc cho khoảng gần chục công ty ở Mỹ và Úc trước khi đến Sài Gòn một mình qua lời mời của một người bạn vào năm 2015. Trước đó, cuộc hôn nhân của ông với người vợ đầu tiên cũng đã kết thúc sau khi hai người có với nhau hai đứa con.
Khi mới bước chân đến Sài Gòn đầu năm 2015, ông Chris đi dạy tiếng Anh để kiếm tiền mưu sinh như nhiều người nước ngoài khác. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn ông đã phải rời bỏ công việc vì nhận ra rằng: “Tiếng Anh-Úc của tôi có vẻ gây khó khăn cho những người theo học ở Việt Nam vì có lẽ không gần gũi và dễ hiểu như tiếng Anh-Anh hay tiếng Anh-Mỹ”. Sau đó, tình cờ ông gặp một người bạn đến từ Colorado, Hoa Kỳ - người sau đó nhờ ông thiết kế và xây dựng vườn tại gia. Từ mối lương duyên này, ông Chris tham gia một nhóm tình nguyện viên làm vườn chuyên dọn dẹp công viên hoặc giúp mọi người làm vườn và trồng rau hữu cơ.
Tưởng đâu mình đã có thể tìm thấy sự ổn định khi theo đuổi công việc mình yêu thích - hỗ trợ nhiều người dân ở Việt Nam làm nông nghiệp hữu cơ bền vững, tuy nhiên, sau gần 3 tháng, ông thấy không thoải mái với Sài Gòn luôn kẹt xe, ngập nước, khói bụi. Ông quyết định chuyển đến sống ở Hội An và làm việc theo lời mời của một người quen.
“Tôi rất thích đồng quê tại Hội An cũng như Quảng Nam, nó làm tôi nhớ đến quê hương của tôi ở Úc”, ông nói. Tuy nhiên, ông cho biết mình đã bị lừa khi tham gia một dự án nông nghiệp cùng các đối tác khác tại đây. Ông cảm thấy mình như bị lợi dụng để những đối tác thực hiện các dự án nông nghiệp với mục đích thương mại, gây tổn hại đến môi trường và không đúng như mục đích ban đầu.
Ông đã suýt bỏ nơi mà hiện giờ ông xem là quê hương thứ hai của mình nếu không có tình yêu mới và sự động viên của những người bạn.
Ủng hộ lối sống lành mạnh
Mới đây, người nông dân Úc này tự mở công ty riêng của mình tên Grow Your Life Social Permaculture Institute. Những người có nhu cầu có thể liên hệ với công ty của ông trên Facebook để nhờ tư vấn về canh tác hữu cơ hoặc nuôi trồng theo phương pháp nông nghiệp tự nhiên bền vững. “Tôi sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người về phương pháp này, từ chọn phân hữu cơ đến làm đất”, ông nói. “Tôi thích làm việc với những người hiểu về cuộc sống thiên nhiên và có đầu óc cởi mở về bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ, đọc sách để biết lý thuyết là điều tốt vì nó cung cấp cho chúng ta kiến thức cơ bản, nhưng bạn nên học các kỹ năng sống thực tế. Tôi sẵn sàng giúp đỡ làm điều đó”.
Bên cạnh đó, nông dân-doanh nhân Chris có một mạng lưới tình nguyện viên ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kontum để giúp mọi người tự nuôi trồng theo phương pháp tự nhiên trong dự án có tên VAC (Vườn Ao Chuồng). Ông thường nói với nông dân rằng họ nên để ý tới các nhu cầu cơ bản và hướng đến cuộc sống bền vững.
Nguyên tắc của ông rất đơn giản. Khi mọi người yêu thiên nhiên, họ sẽ không làm hại đất. Điều đó có nghĩa là họ tìm cách hữu hiệu để làm nông nghiệp không chỉ đảm bảo thu nhập mà còn bảo vệ môi trường. Ông nói: “Khi bạn sản xuất một cái gì đó, bạn phải chú ý đến con người và môi trường. Tôi luôn khuyến khích mọi người làm nông nghiệp tự nhiên bền vững”.
Chris cũng được mời đến các hội thảo ở nhiều nước như Thái Lan, Lào và Campuchia để quảng bá triết lý sống khỏe mạnh của mình. Ông cho biết ông hướng dẫn về nông nghiệp tự nhiên bền vững nhìn từ góc độ xã hội để tạo ra ảnh hưởng đến cuộc sống thực tế của một người, giúp cho cá nhân và cộng đồng hoạt động bền vững thông qua làm việc cùng với thiên nhiên chứ không phải chống lại thiên nhiên. “Tôi sống với những nguyên tắc: bảo vệ trái đất, chăm sóc mọi người và chia sẻ sự công bằng trong cuộc sống”, ông Chris nói.