Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hải Ngô Thị Kim Nguyên cho biết, năm 2010, Chi hội phụ nữ thôn và chính quyền địa phương đã thành lập mô hình “Làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng”, nhằm giúp chị em phụ nữ dân tộc Ra Glai nghèo ở thôn Cầu Gãy tăng thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi, bằng cách thu lượm hạt cây rừng sẵn có để sản xuất sản phẩm. Qua đó, đã thành lập được bốn tổ sản xuất với 24 phụ nữ tham gia. Cùng với đó, địa phương đã xây dựng nhà trưng bày sản phẩm; mở lớp tập huấn chuyên môn để chị em biết cách làm sản phẩm từ hạt cây rừng sau khi thu lượm được.
Ban đầu hoạt động, các tổ liên tục nhận nhiều đơn đặt hàng của khách hàng là các tổ chức, cá nhân tổ chức tour du lịch, kinh doanh các mặt hàng mỹ nghệ đặc thù của các vùng, miền trên cả nước, nên tất cả sản phẩm làm ra được xuất bán nhanh chóng tại tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố khác, giúp chị em tăng thêm thu nhập đáng kể. Mô hình đã thu hút nhiều phụ nữ dân tộc Ra Glai tham gia, không khí sản xuất rất nhộn nhịp, nhất là vào thời điểm du lịch mùa hè, tết… hằng năm. Nhưng từ năm 2014 đến nay, sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ hạt cây rừng đang khó tiêu thụ, các tổ hoạt động “cầm hơi” và đang đứng trước nguy cơ giải thể mô hình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình và đoàn công tác khảo sát, nắm bắt tâm tư của chị em.
Theo chị Cao Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cầu Gãy, nguyên nhân là do mẫu mã sản phẩm vẫn đơn điệu, độ tinh xảo của sản phẩm chưa đạt mức cao nhất…, chị em chỉ dừng lại ở chỗ làm ra các vòng đeo tay, móc chìa khóa, chuỗi hạt…, chưa làm được các sản phẩm mới theo nhu cầu thị trường, cho nên không còn được ưa chuộng như trước, khách hàng dần dần “quay lưng” với sản phẩm. Mặt khác, các loại hạt cây rừng thường được thu lượm từ tháng hai đến tháng tư hằng năm, nếu chậm sản xuất sẽ bị mọt rừng đục khoét hạt trong quá trình bảo quản, làm cho hạt cây rừng bị hư hỏng, mất màu sắc, nên khó làm được sản phẩm có màu đẹp lung linh như trước.
Từ TP Phan Rang – Tháp Chàm, chúng tôi chạy xe máy vượt hơn 50 km đến xã Vĩnh Hải rồi băng qua một cây cầu treo dài làm bằng gỗ và mất hơn hai giờ đồng hồ chạy dọc theo con đường bê-tông từ chân núi lên lưng chừng một ngọn núi thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa với địa hình dốc thẳng đứng, mới đến được thôn Cầu Gãy.
Hình ảnh ban đầu chúng tôi chứng kiến là hàng chục phục nữ dân tộc Raglai đang bày các loại hạt cây rừng như: hạt mắt mèo, bồ đề, cam thảo, gò đỏ, hạt dẹp… thu lượm được ở khu rừng thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa để làm sản phẩm. Chị Mấu Thị Phi, một trong những tay làm khéo, giỏi nhất của bốn tổ bộc bạch: “Trước đây, thu nhập từ trồng bắp, trồng điều, đốt củi lấy than… rất bấp bênh. Từ khi gia nhập tổ làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ hạt cây rừng, có đơn đặt hàng, mỗi ngày thu nhập khoảng 250 nghìn đồng, đời sống được cải thiện nhiều. Giờ, số lượng chị em mong muốn được tham gia vào mô hình tăng gấp đôi ban đầu, nếu bí đầu ra, thì không biết xoay xở ra sao”.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ hạt cây rừng của phụ nữ Ra Glai thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh NInh Thuận đang bí đầu ra.
Qua phản ánh nhiều lần của chị em, tháng 6-2017, đoàn công tác của UBND tỉnh Ninh Thuận do Phó Chủ tịch Lê Văn Bình dẫn đầu đã đi khảo sát thực tế đánh giá thực trạng, tiềm năng, quy mô và thế mạnh các điểm du lịch của vườn nho thôn Thái An, suối Lồ Ồ lên điểm ngắm núi Đá Đỏ, Hang Rái để hình thành tuor du lịch đến các địa danh lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn xã Vĩnh Hải gắn với tham quan mô hình làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ hạt cây rừng của thôn Cầu Gãy. Tuy nhiên, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ vướng mắc cho chị em.
Trước mắt, UBND tỉnh Ninh Thuận giao cho Sở Khoa học và Công nghệ nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ phụ nữ Raglai nâng cao kỹ thuật bảo quản sản phẩm, xử lý chống mọt làm mất chất lượng nguyên liệu hạt cây rừng; các ngành và địa phương hỗ trợ nghiên cứu, thiết kế mẫu mã phù hợp, để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và xúc tiến chương trình quảng bá để tìm đầu ra, giúp chị em sớm sản xuất ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên đến nay, các tổ sản xuất vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ phía tỉnh và các cấp, các ngành.
“Xã đã bỏ nhiều chi phí xây dựng nhà trưng bày cùng nhiều chi phí khác, nhưng chỉ hoạt động mấy năm thì “bí” đầu ra. Tuy hoạt động của mô hình có giảm sút nhưng trong lúc này, nhiều chị em mong muốn được tham gia vào mô hình để thúc đẩy phát triển, lẽ nào tỉnh, các cấp, các ngành lại bỏ qua điều kiện để vươn lên thoát nghèo của chị em chúng tôi”, chị Cao Thị Thủy bức xúc.