Chuyện ở làng buôn thịt lợn
- Thứ tư - 04/03/2015 20:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cả làng thành tỷ phú
Gọi làng Miêng Thượng là phố cũng được, bởi đến Miêng Thượng bây giờ có cảm giác đang đi giữa một khu phố toàn biệt thự. Khoảng từ năm 2006 đến 2013, với nghề buôn thịt lợn, khát vọng đổi đời của người dân nơi đây thành hiện thực. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, bề thế có thiết kế hiện đại đua nhau mọc lên trên trục đường bê tông trải phẳng lỳ. Cả làng Miêng Thượng như thay da đổi thịt, nói về điều kiện kinh tế thì khó có làng nào trong vùng sánh kịp.
Gọi làng Miêng Thượng là phố cũng được, bởi đến Miêng Thượng bây giờ có cảm giác đang đi giữa một khu phố toàn biệt thự. Khoảng từ năm 2006 đến 2013, với nghề buôn thịt lợn, khát vọng đổi đời của người dân nơi đây thành hiện thực. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, bề thế có thiết kế hiện đại đua nhau mọc lên trên trục đường bê tông trải phẳng lỳ. Cả làng Miêng Thượng như thay da đổi thịt, nói về điều kiện kinh tế thì khó có làng nào trong vùng sánh kịp.
Thôn Miêng Thượng với những biệt thự san sát. |
Dù là người mới đến làng hay người đi xa lâu năm trở về đều cảm thấy ngỡ ngàng. Những căn nhà cấp bốn thấp lè tè, lụp xụp, xiêu vẹo quanh năm không còn nữa, dân thôn Miêng Thượng đua nhau xây biệt thự, nhỏ nhất cũng ngót nghét tỷ đồng, có người chi gần chục tỷ đồng xây nhà. Những ông bà chủ đều xuất thân từ nghề nông nên những ngôi biệt thự rộng bên vườn chuối, hàng cau vẫn là hình ảnh quen thuộc ở làng tỷ phú. Người dân trong làng kể rằng, nếu như trước đây khi cả làng Miêng vay 1,5 tỷ để phát triển kinh tế người ta không dám cho mượn vì lo người dân quanh năm suốt tháng chỉ biết trông chờ vào vài sào ruộng không có tiền trả lãi ngân hàng thì giờ đây… khỏi lo. Nhà nào nhà nấy đều có của ăn của để, nhà lầu, tiền tỷ.
Nhưng điều đặc biệt là, phải đến ngày Tết người ta mới thấy làng Miêng Thượng có người vào ra, còn những ngày thường, rất ít khi thấy cảnh người, xe tấp nập. Bởi lẽ, thanh niên trong làng dắt díu vợ con, anh em lên hết thành phố để buôn bán, đó cũng chính là lý do vì sao trong làng có nhiều căn biệt thự để không, khóa trái cửa suốt ngày đêm. Ở đây cứ đến 9 giờ tối là hầu như không có người đi lại, bởi chỉ còn người già và trẻ con nên đóng cửa đi ngủ sớm.
Ngày thường, trong làng chỉ có trẻ con dưới 6 tuổi và các cụ già ngồi trò chuyện hoặc trông nom những căn biệt thự hoành tráng cho các con yên tâm đi chợ. Bà Nguyễn Thị Quý (63 tuổi), cho biết: "Thanh niên từ 18 đến tầm gần 50 tuổi đều lên thành phố đi chợ, con cái cũng theo cha mẹ lên đó học hành. Chỉ khi nào ở quê có việc, không thì họ cứ làm đến 29, 30 Tết mới về".
Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Sinh (71 tuổi) - người đầu tiên có công trong việc đưa bà con đến với nghề đi chợ. Ông Sinh có 4 người con thì có tới 3 người theo nghề bán thịt lợn, tất cả đều có của ăn của để, nhà lầu, xe hơi đàng hoàng. Ông Sinh kể, gần 20 năm trước cũng chân lấm tay bùn, quanh năm trông cậy vào vài sào ruộng. Năm 1992 gia đình ông chuyển đến Kim Bôi, Hòa Bình buôn bán giò chả. Tuy nhiên, cũng chỉ cầm cự được 4 tháng vì bị hụt vốn. Sau được bạn bè mách nước ông lên trung tâm Hà Nội đi buôn thịt lợn. "Thời gian đầu làm ăn không có lãi, thiếu trước hụt sau, gia đình tôi tính chuyện về quê đào ao thả cá. Sau nghĩ việc nuôi cá cũng khó khăn, một lần nữa, tôi thuyết phục vợ con quyết tâm làm lại. Có thời điểm, mỗi ngày bán 6 con lợn, thu nhập 3-4 triệu đồng là bình thường" - ông Sinh hào hứng.
Người con trai thứ hai của ông là Nguyễn Văn Hùng sau hơn 10 năm bán thịt lợn, đã có một cơ ngơi 3 tầng, sau đó sắm xe máy SH gần 200 triệu đồng. Không lâu sau đó, anh mua ô tô với giá 800 triệu đồng. Hiện nay, anh Hùng đang dự tính mua căn nhà ở trung tâm thành phố với giá 2,7 tỷ đồng.
Kể từ đó, nhiều gia đình vận động con cháu ra Hà Nội đi chợ, có những gia đình 5 người con thì cả 5 người đều đi bán thịt. Anh em, họ hàng kéo nhau ra Hà Nội, dạy nhau thành nghề mới cho đi kiếm chỗ để bán. Cứ như thế, người nọ dìu dắt người kia, tính đến nay có đến hơn 90% dân số trong làng lên Hà Nội buôn bán mưu sinh. Nhiều gia đình trước đây rất khó khăn, nhưng từ ngày đi buôn thịt đã nuôi được các con lớn khôn, thành đạt, xây được nhà. Một người dân thôn Miêng Thượng cho biết, nghề này tuy vất vả, luôn tay luôn chân nhưng thu nhập cao, ít ra họ cũng đỡ vất hơn nghề làm ruộng.
Anh Hậu (sinh năm 1987), người làng Miêng Thượng nói: Ở làng này ai cũng thế, từ 25 đến 40 tuổi đều ra Hà Nội thuê nhà bán thịt, người đi trước dắt người đi sau, em lỗ, anh cho vay, đỡ đần nhau những lúc chập chững vào nghề vì thế chẳng ai phải bỏ giữa chừng vì thiếu vốn hay vì bất cứ một điều gì khác.
Băn khoăn không của riêng ai
Làng quê nghèo một thời sống nhờ vào dăm ba sào ruộng giờ đây "đổi đời" có rất nhiều tỷ phú. Song sự thay đổi đem đến cuộc sống sung túc ấy khiến không ít gia đình coi chuyện học xong cũng chỉ để kiếm tiền nên học hành "chỉ là chuyện nhỏ", cứ phải làm kinh tế đã. Điều này đang gióng lên hồi chuông về nguy cơ thất học ở ngôi làng "tỷ phú nông dân" này.
Ông Nguyễn Văn Tiện (58 tuổi) - Phó Trưởng thôn Miêng Thượng nói với chúng tôi: Thấy nhiều người giàu, đồng tiền kiếm được không khó, nhiều thanh niên trong thôn chỉ chờ học xong cấp 3 là nghỉ ở nhà theo cha mẹ đi buôn bán. Không ít nhà còn nghĩ chuyện "định cư" hẳn ngoài Hà Nội. Họ mua nhà, đất ở gần chỗ làm cho tiện, rồi xin cho con chuyển trường ra Hà Nội học, thế nhưng vì không có thời gian quan tâm con cái nên chỉ được một thời gian thì phải xin chuyển con về trường cũ vì không theo kịp các bạn dẫn đến chán học, hoặc xin nghỉ học hẳn vì bị hổng kiến thức… Ông Phó Trưởng thôn Miêng Thượng cho biết thêm: "Số học sinh của thôn thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Là một trong 2 người trong thôn đậu đại học chính quy, Thanh (24 tuổi, hiện đang làm việc cho Tập đoàn FPT) cho biết: "Nếu tính cả hệ cao đẳng, cũng như ngoài công lập thì các bạn cùng tuổi với Thanh trong thôn cũng chỉ có vài ba. Còn lại, đa số đều theo cha mẹ ra Hà Nội làm nghề buôn bán".
Những thế hệ học trò của cô giáo Nghiêm Thùy Linh (giáo viên một ngôi trường ở thôn Miêng Thượng) sau này vẫn được nghe câu chuyện về một bạn gái ngoan và học giỏi nhưng đang học cấp 3 thì bố mẹ bắt phải nghỉ học đi buôn thịt lợn. Cô bạn gái đã phải nhờ cô chủ nhiệm giúp đỡ xin giảm tiền học phí, vừa học vừa làm để lấy tiền đi học. Dù sau đó không ghi nhận trường hợp nào bỏ học song việc học hành trở thành nỗi trăn trở, băn khoăn không của riêng ai. Đến ngôi nhà 5 tầng bề thế nằm ngay giữa làng, chúng tôi gặp ông Ngọc (70 tuổi) và hai đứa cháu. Ông ngậm ngùi: "Chúng tôi già rồi, chỉ cố gắng chăm bữa ăn giấc ngủ cho bọn trẻ chứ chuyện học hành thì chịu. Các cháu chăm chỉ ngoan ngoãn còn mừng, chứ lơ đễnh học hành rồi sa vào các tệ nạn thì tiền cũng chả để làm gì".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Chuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn cho biết: "Kể từ khi người dân có nghề buôn bán thịt lợn, cuộc sống khấm khá hơn. Việc thanh niên trong làng muốn làm kinh tế hơn đi học là có thật, bởi vì mải kiếm tiền nên đôi khi bố mẹ không có điều kiện quan tâm đến con cái. Tính đến thời điểm hiện tại, thôn Miêng Thượng chưa có trường hợp nghiện hút hay có tệ nạn xã hội. Vẫn biết việc phát triển kinh tế là quan trọng nhưng chúng tôi sẽ lưu tâm việc phát triển kinh tế phải đi đôi với văn hóa giáo dục, chỉ có như thế Miêng Thượng mới phát triển bền vững được".
QUỲNH NGUYÊN
Nguồn: hanoimoi.com.vn
Nguồn: hanoimoi.com.vn