Chuyện xây nhà ở nông thôn Nhật Bản...
- Chủ nhật - 12/07/2015 21:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhật Bản là nước phát triển ở trình độ cao. Với điều kiện phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dân số đông, diện tích nhỏ hẹp, hay bị động đất, người Nhật đã có nhiều biện pháp quản lý, quy hoạch, sử dụng đất hợp lý. Ngay cả ở những vùng nông thôn, không thể có chuyện xây dựng tùy ý, không theo quy hoạch. Chính phủ quy định rất chặt chẽ về việc xây dựng ở cả đô thị lẫn vùng ngoại ô, nông thôn. Nhà phải theo đường Đối với nhà ở độc lập, nhà khung gỗ rất phổ biến do khí hậu, địa hình và địa chất của Nhật Bản (thường xuyên xảy ra động đất). Nhà loại này phổ biến ở vùng nông thôn. Chiều cao tối đa cho phép đối với nhà gỗ thường là hai tầng, nhưng một số ngôi nhà gỗ ứng dụng công nghệ mới có thể được cho phép làm tới ba tầng, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về xây dựng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà ở nông thôn chỉ được phép làm hai hoặc ba tầng. Nhà bằng thép và bê tông có thể có nhiều tầng hơn nhưng thường vẫn chỉ là hai tầng. Diện tích xây dựng của một mảnh đất được quy định dựa trên hai tỷ lệ: diện tích sàn và diện tích xây dựng. Hai chỉ số này luôn được đưa vào thông số của một mảnh đất. Ví dụ 70: 400 có nghĩa là diện tích sàn cho phép là 70% và 400% là diện tích xây dựng cho phép. Từ đó mà suy ra số tầng được phép xây dựng, diện tích sàn tối đa là bao nhiêu. Nói một cách đơn giản hơn, một tòa nhà bốn tầng được xây tối đa trên 70% diện tích đất. Hai chỉ số trên được xác định dựa trên vị trí đất, độ rộng của con đường mà tòa nhà đó đối diện. Đường càng rộng thì diện tích xây dựng càng được nới ra. Ngoài ra còn có các yếu tố để nhà chức trách quyết định như mặt tiền thế nào, dài bao nhiêu, các con đường xung quanh ra sao, vật liệu xây nhà là loại gì… Thêm nữa, số tầng được phép xây dựng có thể bị hạn chế tùy thuộc độ chắn sáng đối với các công trình lân cận. Giá trị tính thuế của một ngôi nhà được quyết định bởi vật liệu xây dựng ngôi nhà đó. Nhà gỗ được tính tuổi thọ 20 năm, nhà bê tông là 30 năm và giá trị tính thuế giảm dần từng năm. Ở những vùng đô thị lớn như Tokyo, chỉ số diện tích sàn và diện tích xây dựng cao, trong khi ở những vùng ngoại ô và nông thôn, chỉ số này được xác định thấp hơn nhiều. Ở thủ đô Tokyo, chỉ số diện tích xây dựng cao nhất cho phép là 1.300%, được áp dụng ở khu vực đất thương mại ở hai khu Yurakucho và Marunouchi xung quanh nhà ga Tokyo. Tuy nhiên, vẫn có những tòa nhà vượt quá chỉ số này vì họ đã thương lượng “mượn” quyền khoảng không của các tòa nhà lân cận. Về số tầng, vị trí của từng khu vực sẽ quyết định. Những vùng dân cư mật độ thấp như ngoại ô, nông thôn thường có chiều cao tối đa từ 10-20m. Các công trình thuộc phố cổ của cố đô Kyoto có chiều cao tối đa 15m. Quy định này áp dụng đối với cả nhà gỗ và nhà bê tông. Không có nhiều khác biệt Như đã nói ở trên, mức độ rộng, hẹp của con đường cũng quyết định chiều cao và tỷ lệ xây dựng trên một mảnh đất, do vậy, đường sá có vai trò quan trọng trong việc quy hoạch và xây dựng ở Nhật Bản. Theo quy định, đường sá ở Nhật phải rộng ít nhất là 4m. Nhưng trong thực tế, những con đường cũ, đường nông thôn có thể hẹp hơn, thậm chí có nhiều con đường chỉ rộng 2m. Trong những trường hợp này, công trình xây dựng phải lui thêm tính từ tâm đường ít nhất là 2m hoặc nhiều hơn nếu có quy định cụ thể. Phần lùi đó không được xây dựng công trình. Với chính sách "ly nông bất ly hương", Nhật Bản chủ trương phát triển doanh nghiệp nông thôn và đưa công nghiệp về nông thôn để gắn kết phát triển nông thôn với phát triển công nghiệp. Ở Nhật Bản, không chỉ các ngành công nghiệp chế biến nông sản mà cả các ngành cơ khí, hóa chất đều được phân bố trên toàn quốc. 80% nhà máy lớn đã được xây dựng ở nông thôn; 30% lao động nông nghiệp tham gia hoạt động phi nông nghiệp. Chính vì lẽ đó, không có nhiều sự khác biệt lớn trong việc quy hoạch đường sá và quy định về các công trình xây dựng giữa khu vực đô thị và nông thôn. Hoặc nói cách khác, chỉ có các khác biệt tùy thuộc khu vực, theo quy định của chính quyền dựa trên nhiều yếu tố chứ không có nhiều khác biệt giữa nông thôn và thành thị. Tại các vùng nông thôn, những tiêu chuẩn về quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp… vẫn phải đảm bảo những yêu cầu được đặt ra từ trước đối với khu vực đô thị. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản ý thức rất rõ về yêu cầu bảo tồn nếp sống, văn minh, văn hóa truyền thống thông qua nếp nhà, các công trình xây dựng truyền thống. Mặc dù là nước phát triển công nghiệp hiện đại, Nhật Bản rất chú trọng bảo vệ gần như nguyên trạng những ngôi làng theo kiến trúc truyền thống, điều mà những nước đang phát triển như Việt Nam hay Trung Quốc đều chưa làm được. Cho đến nay, người Nhật vẫn thích ở nhà riêng hơn và một thống kê cho thấy hơn 63% gia đình Nhật Bản ở nhà hai tầng tách biệt kiểu truyền thống....
Theo: nongnghiep.vn