Cơ cực miền tây Thanh Nghệ Tĩnh: [Bài 1] Chua xót khi quan ngồi nhìn dân mất đất

Cơ cực miền tây Thanh Nghệ Tĩnh: [Bài 1] Chua xót khi quan ngồi nhìn dân mất đất
Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cứ vân vi tự hỏi, sao mãi mà dân miền tây Thanh - Nghệ - Tĩnh vẫn khó khăn chồng chất, nhiều nơi đói nghèo, khốn khổ.

Có những mảnh đời bất hạnh do chính sách gây ra và cả sự hoành hành của thiên tai, dịch bệnh. Biết cả. Ngay những người có trách nhiệm cao nhất ở địa phương cũng nhận ra điều đó. Vậy mà, người dân vẫn cơ cực, là vì sao?

Những năm 60 của thế kỷ XX, kẻ tập kết ra Bắc, người đi khai phá vùng kinh tế mới đã gặp nhau và lập nên Nông trường Thống Nhất (Yên Định, Thanh Hóa). Nhưng có lẽ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, những người khai phá mảnh đất này cũng không nghĩ có ngày con cháu mình sẽ mất hết đất đai.  

Doanh nghiệp gom đất, nông dân sống sao?

Con đường dẫn vào vùng trồng dứa khu phố Sao Đỏ, thị trấn Thống Nhất chỉ qua một cơn mưa nhỏ đã xuất hiện vô số vũng sình lầy. Đất đỏ bám vào bánh xe trơn như cột mỡ khiến người đi đường phải cho xe chạy qua những vũng bùn ngập nước. Chỉ khoảng 3 km đường nguyên liệu nhưng chúng tôi cũng phải di chuyển gần hết 1 giờ đồng hồ.

19-19-39_1
Cám cảnh con đường dẫn vào vùng trồng dứa khu phố Sao Đỏ.

Nông dân ở đây cho biết, giá dứa bán tại ruộng tuy không thấp nhưng mỗi khi xe chở dứa của thương lái gặp sình lầy, chủ các vườn dứa phải bỏ tiền thuê máy cày vào kéo. Thành ra, người trồng dứa vùng này vẫn cứ thiệt đơn thiệt kép, lời lãi chẳng đáng là bao.

Năm 1958, ông Nguyễn Văn Dưỡng tập kết ra Bắc rồi lên vùng đất Thống Nhất này để khai hoang, phục hóa, góp phần thành lập nên Nông trường Thống Nhất.

Người con trai duy nhất của vợ chồng ông là Nguyễn Văn Thanh được nhận 1,69 ha đất giao theo Nghị định 01/CP để sản xuất. Thế nhưng, đến năm 2016, theo chủ trương chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh, toàn bộ diện tích này được UBND tỉnh Thanh Hóa cho Cty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa (Cty bò sữa) thuê để xây dựng trang trại và trồng nguyên liệu chăn nuôi bò. Với việc bị thu hồi hết toàn bộ diện tích giao khoán, gia đình ông Thanh không còn trong tay một tấc đất để sản xuất.

Chúng tôi đến nhà ông Thanh để tìm hiểu cuộc sống của những người sắp trắng tay. Xuất hiện trong căn nhà xập xệ là một người đàn ông to béo nhưng dường như chỉ cử động mỗi phần trên cơ thể trong suốt cả cuộc nói chuyện. Đó là người đàn ông bệnh tật, chạy chữa khắp nơi không khỏi, đành ngồi trông nhà...

Điểm mới nhất trong căn nhà cấp 4 này là những vết trát xi măng sơ sài phía hai chái. Chiếc sập, nơi thờ phụng tổ tiên; giường nằm bên ngoài gian khách đặt một hàng chậu nhựa. Ông Thanh lý giải, nhà đã cũ nát nhưng không có tiền sửa chữa, nước dột tứ tung nên vợ con phải để chậu cố định, phòng khi ông ở nhà một mình.

Năm trước mưa bão sập mất chái, gia đình ông nhờ hàng xóm vá víu để ở tạm. Giả sử nhà đủ tiền cũng không dám xây mới vì sắp tới đây, gia đình ông không thể cưỡng lại được lệnh giao đất để Cty bò sữa xây dựng khu trang trại chăn nuôi.

Căn nhà chẳng có gì ngoài hai chiếc giường đã phải dùng đinh tháp lại chân và mạ giường. Chiếc tủ bằng gỗ ép phẩm cấp thấp, lâu ngày hút ẩm, ngấm nước nứt toe toét. Trên chiếc tủ bằng gỗ đã mục nát đựng dăm cái chén bát; vài chiếc nồi nấu củi đen kịt có lẽ đã được sắm sửa từ thuở xa xưa.

Bà Trần Thị Minh, vợ ông Thanh tất tả, ướt đẫm mồ hôi, chân đi ủng dính bê bết bùn đỏ xuất hiện, nghẹn ngào: “Chồng tôi bệnh tật, chẳng làm được việc gì từ mấy chục năm nay rồi. Tôi là công nhân nông trường nghỉ hưu, mỗi tháng lương 1,7 triệu đồng. Được 1,69 ha đất, trước đây trồng cao su, kém hiệu quả chuyển sang trồng dứa. Hai mẹ con làm được đồng nào lại đưa chồng đi viện. Nhưng rồi đây, Nhà nước giao đất cho Cty bò sữa, miếng ăn chưa biết nhìn vào đâu?”.

19-19-39_2
Mất đất là mất tất cả.

Theo bà Minh, năm 2013, khi UBND tỉnh Thanh Hóa cho Cty bò sữa thuê đất, gia đình bà cũng biết sẽ không cưỡng lại được việc này. Giá đền bù đất quá bèo bọt nên nhiều hộ không chịu bàn giao.

Tuy nhiên, không hiểu vì ma xui quỷ khiến thế nào, những hộ dân này lại đồng ý ký vào hợp đồng thuê khoán những thửa đất lâu nay mình được giao khoán canh tác để mỗi năm phải đóng cho Cty bò sữa trên dưới 10 triệu đồng tiền phí quản lý, quỹ sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, phúc lợi hàng năm. Và vì thế, đến tháng 12/2018, chu kỳ thuê đất hết, toàn bộ diện tích sẽ bị thu hồi để Cty bò sữa xây dựng trại chăn nuôi.

Chỉ tính riêng tại khu phố Sao Đỏ, trong số 48 hộ buộc phải giao đất vào cuối năm 2018 thì có tới 44 hộ không chấp nhận phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Bởi họ hiểu, số tiền đền bù chỉ đủ để mua một thửa đất, tiền đâu để làm nhà và kiếm kế sinh nhai?  

Phát canh thu tô

Dù giá cả bấp bênh nhưng không có đất trồng lúa, dứa vẫn là cứu cánh cho giấc mơ thoát nghèo của người dân Thống Nhất.

Ngoài lý do không muốn nhường đất cho Cty bò sữa, điều làm người dân thị trấn Thống Nhất lo ngại nhất chính là ô nhiễm môi trường. Mặc dù, hiện nay trại bò sữa mới chỉ nuôi khoảng 7.000 con bò nhưng không khí ở đây đã ảnh hưởng nặng nề. Những hôm thời tiết thay đổi, các hộ ở gần khu vực trại bò khổ sở vì mùi hôi thối. Theo họ, có lẽ chẳng bao lâu nữa, những hộ dân có điều kiện cũng phải bán xới tìm nơi khác để sinh sống.

Theo phản ánh của người dân khu phố Sao Đỏ, sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất, Cty bò sữa tiếp tục cho các hộ dân khoán lại để sản xuất. Thời hạn hợp đồng thường từ 3-5 năm, bình quân hộ nhận khoán phải đóng cho Cty khoản tiền từ 9-10 triệu đồng/ha/năm.

Ông Võ Nguyên Triều, Trưởng khu phố Sao Đỏ, người có 2 ha đất trồng dứa cho hay, mỗi ha dứa, nếu chăm sóc tốt, giá cả ổn định cũng có thể lãi ròng 50-60 triệu đồng/năm. Nhưng lý do khiến người dân thị trấn Thống Nhất gần như chỉ độc canh cây dứa là bởi, việc trồng cây gì, nuôi con gì hoàn toàn phải theo quy định của Cty bò sữa.

“Ở đây, đất đai phì nhiêu, nhiều người đã nghĩ đến những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như bưởi da xanh, thanh long… nhưng bản thân mình vẫn là người nhận khoán ngay trên chính đất của mình từ Cty bò sữa, họ cho trồng cây gì thì mình chỉ được trồng cây đó” – ông Triều cay đắng.

Những ngôi nhà trên đất đã được giao cho Cty bò sữa.

Một người dân cho hay, trình độ canh tác của người dân Thống Nhất không kém cạnh gì nông dân ở những vùng khác. Vì thế, nếu đất được giao lâu dài và có quyền hoạch toán kinh tế thì sẽ có nhiều mô hình hay và hiệu quả cao. Nhìn vào tiềm năng đất đai, nhìn vào nguồn nhân lực, người dân nơi đây vẫn mơ ước có ngày sẽ xuất hiện những nông hộ chăn nuôi bò sữa như ở Mộc Châu. Tiếc thay, ước mơ ấy chỉ là giấc mơ của những người nông dân sắp bị gạt ra.

Ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thống Nhất cho biết thêm, thị trấn có 1.700 ha đất thì trên 1.200 ha đất nông lâm trường quốc doanh trước kia đã được chuyển cho Cty bò sữa; 300 ha đất thuộc quản lý của Trại giam số 5 đóng trên địa bàn. Vì vậy, trên thực tế, chính quyền địa phương chỉ quản lý khoảng 200 ha, phần lớn là đất thổ cư.

“Chúng tôi được công nhận là một đô thị thông minh nhưng bản chất vẫn là nông nghiệp, nông thôn; thu nhập của đại bộ phận người dân là từ nông nghiệp. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người ở đây đang đạt trên 40 triệu đồng/người/năm nhưng khi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được giao cho Cty bò sữa, cuộc sống của người dân sẽ rất khó khăn” – ông Toản tâm tư.

Mới đây, tại Kỳ họp HĐND tỉnh, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng phát canh thu tô. Tình trạng mua bán, thuê lại đất đai diễn ra rất phức tạp... có mảnh đất qua tay đến đời thứ năm, trong khi đó các đơn vị ngồi một chỗ thu tài chính mà gọi nôm na là phát canh thu tô. Diện tích được giao cho một số đơn vị là quá nhiều, trong khi năng lực tài chính yếu dẫn đến tình trạng cho thuê lại.

Việc nông dân mất đất, doanh nghiệp xâu xé nhau để chiếm dụng đất, o ép dân để buộc dân phải thuê lại trên chính đất nông trường đã giao cho họ canh tác bao nhiêu năm nay, quan chức đầu tỉnh biết cả. Nên nhớ rằng, đất SXNN, nông dân không phải đóng bất cứ một thứ thuế, phí nào; ngay cả doanh nghiệp sử dụng đất SXNN, nhà nước cũng có chính sách miễn, giảm thuế. Vậy việc gì doanh nghiệp lại thu tiền của nông dân?

19-19-39_4
Niềm vui người trồng dứa còn được bao lâu?

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến đã nói đúng thực trạng. Vấn đề lúc này là Thanh Hóa cần làm gì để người dân vùng này bớt cơ cực, cay đắng.

Gần 21.000 hộ dân thiếu 39.000 ha đất sản xuất

Trước năm 2004, toàn tỉnh Thanh Hóa có 27 nông lâm trường, quản lý gần 120 nghìn ha đất. Sau nhiều năm chuyển đổi sắp xếp, hình thành 8 Cty TNHH MTV và Cty TNHH hai thành viên; các lâm trường chuyển thành BQLRPH nhưng sử dụng đất kém hiệu quả.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 20.914 hộ dân thiếu 39.000 ha đất sản xuất. Và hiện tỉnh vẫn chưa giải quyết được bất cứ trường hợp nào trong số những hộ dân này.

Theo VÕ VĂN DŨNG/nongnghiep.vn