Cô gái 8X đưa hồ tiêu vượt đại dương, được người Mỹ thích mê

Cô gái 8X đưa hồ tiêu vượt đại dương, được người Mỹ thích mê
Sự kiện hồ tiêu Quảng Trị vừa được đánh giá cao tại Mỹ xuất phát từ một cô gái đam mê với nông sản quê nhà, quyết tâm đưa hồ tiêu vượt đại dương bằng niềm tin và chữ tín. Đó là Võ Thị Liên, sinh năm 1984 tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh.

1. Tôi gặp Liên khi cô chuẩn bị mùa thứ 3 xuất khẩu trực tiếp hồ tiêu khô Quảng Trị sang thị trường Mỹ, một công việc mà không mấy thương gia làm được. Vì trước đó hồ tiêu khô Việt Nam có mặt ở Mỹ chủ yếu được xuất đi từ nước thứ 3 trong khu vực châu Á nên thương hiệu hồ tiêu Việt Nam cũng bị giảm đi. Liên từng là sinh viên nông nghiệp, ĐH Kinh tế Huế. Với đồng vốn khởi nghiệp không nhiều, em chỉ có niềm đam mê khát vọng góp phần làm nổi tiếng hơn nữa nông sản Việt ở thị trường Mỹ.

 co gai 8x dua ho tieu vuot dai duong, duoc nguoi my thich me hinh anh 1

Võ Thị Liên cùng sản phẩm hồ tiêu chuẩn bị xuất qua Mỹ.

Sau khi ra trường, Liên có điều kiện để ở lại thành phố lớn làm việc, nhưng không, em chọn trở về quê hương Quảng Trị để giúp nông dân làm giàu bằng giá trị nông sản của mình. Có vốn tiếng Anh giỏi thêm chuyên môn vững vàng, Liên xin vào làm việc với các tổ chức nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp của các nước văn minh. Trong đầu Liên luôn xuất hiện câu hỏi, thắc mắc vì sao ở Mỹ, ở Nhật Bản người ta làm nông nghiệp vẫn giàu có, tại Việt Nam thì rất khó. Bằng con đường nào để giúp bà con làm giàu với nông sản của mình?

Để trả lời câu hỏi đó, Liên sang Nhật Bản, Mỹ, tìm đến các trang trại nông nghiệp để tìm hiểu, nghiên cứu. Điều em nhận ra đó là các nước có nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, người nông dân chỉ đầu tư tiền bạc tập trung trồng một vài loại cây thế mạnh theo vùng và có dịch vụ kèm theo các khâu từ làm đất, chăm sóc, bón phân, thu hoạch, hệ thống phân phối dịch vụ hàng hóa thị trường tiêu thụ.

Hình thức mẫu mã sản phẩm được làm rất đẹp, bán với giá rất cao. Trong khi đó bà con nông dân mình trồng nông sản manh mún, không theo vùng chuyên canh nên khó làm ăn lớn...  

2. Trở về Quảng Trị, nông sản được Liên “chọn mặt gửi vàng” cho giấc mơ chinh phục thị trường Mỹ của mình là sản phẩm hồ tiêu. Hồ tiêu Quảng Trị chất lượng nổi tiếng nhất cả nước nhưng hạt hơi nhỏ nên trọng lượng thấp. Thế là em bắt đầu làm vườn tiêu mẫu 2ha tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh để bày cho bà con trồng tiêu sạch theo tiêu chuẩn Mỹ, được áp dụng công nghệ tiên tiến từ chọn giống, làm đất, nước tưới, phân bón, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, xuất trực tiếp qua Mỹ.

Nói thì rất nhanh nhưng để có hồ tiêu xuất được qua thị trường Mỹ, hàng ngày Liên dường như ăn ngủ với vườn tiêu. Hình ảnh cô gái nhỏ con, thoăn thoắt lội bộ từ vườn tiêu này đến vườn tiêu khác bày cho bà con nông dân trồng tiêu theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường làm nhiều người vô cùng quý mến, kính phục.

Để kết nối với bà con, Liên lập ra nhiều tổ trồng và chăm sóc hồ tiêu theo yêu cầu để mọi người tiện sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Em hướng dẫn người nông dân cách tách hạt, làm giá phơi tiêu đúng nhiệt độ tiêu chuẩn để giữ chất lượng và trọng lượng của hồ tiêu.

 co gai 8x dua ho tieu vuot dai duong, duoc nguoi my thich me hinh anh 2

Vườn hồ tiêu chuẩn của Võ Thị Liên ở Vĩnh Linh.

Yêu cầu của Liên với người trồng tiêu không những làm tiêu sạch, chất lượng, mà còn phải khắc phục được hạn chế của tiêu Quảng Trị là hạt bị nhỏ. Bí quyết để khắc phục chuyện này là cây hồ tiêu cần được tưới nước vào đúng thời kỳ nuôi quả. Vậy là lần đầu tiên các vườn tiêu tại Quảng Trị được lắp đặt hệ thống tưới tự động theo công nghệ hiện đại.

Từ điểm tưới đầu tiên là vườn tiêu mẫu của Liên tại xã Vĩnh Hòa, nay các huyện trọng điểm hồ tiêu là Vĩnh Linh, Gio Linh đều mời em đến lắp đặt hệ thống tưới này. Theo Liên, nếu hồ tiêu được tưới đúng quy trình kỹ thuật thì không những hạt tiêu được to hơn mà năng suất của mỗi cây tiêu sẽ tăng thêm 30% từ đó thu nhập của bà con sẽ tăng hơn 30%, chưa kể giá thu mua hồ tiêu của em cũng cao hơn thị trường Việt Nam từ 10 - 20%.

Liên xác định nhiệm vụ chính của em là hỗ trợ kỹ thuật và tìm đầu ra cho bà con thông qua việc xuất khẩu trực tiếp sản phẩm hồ tiêu khô qua thị trường Mỹ. Từ Mỹ, các đối tác đã giao hẳn nhiệm vụ cho Liên là người quyết định chất lượng hồ tiêu Việt Nam trước khi xuất qua Mỹ, họ sẵn sàng chuyển tiền trước để em trả cho các nông dân trồng tiêu.

Liên nói mình làm việc với phía Mỹ bằng sự minh bạch của khách hàng trên nền tảng niềm tin của nhà cung cấp sản phẩm, do đó em cũng nói với các nông dân trồng tiêu sạch tại Quảng Trị - quê hương em - cũng làm việc với em bằng niềm tin và chữ tín.

Mục tiêu của Liên không đơn thuần chỉ sản xuất ra các sản phẩm không sử dụng hóa chất mà phải được sản xuất bởi một hệ thống bền vững về sinh thái và xã hội. Em luôn nhận thức rằng lòng tin là một giá trị vô hình, không dễ thuyết phục người khác như giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa.

Liên nhận thấy rằng vấn đề của chất lượng nông sản ở Việt Nam cũng như ở Quảng Trị không chỉ nằm ở câu chuyện kỹ thuật, mà là vấn đề xã hội nên em chọn việc "gieo trồng" lòng tin. Cứ niềm tin ấy, bắt đầu từ năm 2015, mỗi năm Liên đã thu mua và xuất trực tiếp rất nhiều hồ tiêu khô Quảng Trị qua thị trường Mỹ. Tại Mỹ cũng đã có doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp hồ tiêu khô từ Liên rồi họ tiếp tục chiếu xạ, đóng gói hồ tiêu theo tiêu chuẩn của Mỹ và tiếp tục phân phối ra thị trường.

Hạnh phúc khởi nghiệp đối với Liên là tự tạo được việc làm cho mình, tăng thêm việc làm, thu nhập cho người trồng tiêu thông qua việc phân phối bền vững, xuất khẩu trực tiếp hồ tiêu khô qua Mỹ mà không cần qua khâu trung gian. Theo em, nếu không tạo ra chuỗi giá trị tại thị trường Mỹ thì người nông dân không thể có được thị trường bền vững, mà cứ luẩn quẩn với giấc mơ thoát nghèo.  

3. Giúp được cho bà con nông dân Quảng Trị, chặng đường khởi nghiệp của Liên đã thành công lớn nhưng em vẫn luôn khiêm tốn cho đó là mới ban đầu. Em tiếp tục trở về quê hương Vĩnh Thái của mình để thực hiện bước khởi nghiệp thứ hai. Đó là lập ra khu vườn mẫu rộng 7ha, trồng một số nông sản nổi tiếng của huyện Vĩnh Linh như khoai môn, củ gừng, củ nghệ…

Ngoài ra, xã Vĩnh Thái còn là nơi có rừng, có biển gần gũi với thiên nhiên nên em muốn biến nơi đây thành khu du lịch nông nghiệp để giới thiệu với du khách bạn bè quốc tế. Trong khu vườn này ngoài trồng các loại cây địa phương thì sẽ được trồng một số loại cây mới. Sau khi có thu hoạch đều đặn Liên sẽ mua thêm sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân sản xuất theo định hướng của em để sơ chế tại chỗ đóng gói. Liên chọn thị trường phân phối sản phẩm nội địa. Chuỗi cung ứng ngắn chỉ có ba bên người nông dân, nhà sản xuất, người tiêu dùng đều sinh sống trong nước.

Liên hy vọng tầm nhìn, niềm tin, những giá trị về nông sản sạch và thương hiệu hàng hóa mà em gieo vào lòng nông dân luôn có ý nghĩa và giúp bà con thực hiện được giấc mơ đổi đời với nghề nông của mình.

 

Theo Trường An (Nông nghiệp Việt Nam)