Có nên trồng rừng gỗ lớn chu kỳ dài bằng cây keo lai?

Có nên trồng rừng gỗ lớn chu kỳ dài bằng cây keo lai?
Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích thúc đẩy trồng rừng cung cấp gỗ lớn, tuy nhiên tới nay kết quả đạt được chưa được nhiều và đối với cây keo lai kinh doanh gỗ lớn vẫn đang là một câu hỏi cần có lời giải đáp.

Việt Nam hiện có 139 công ty lâm nghiệp, quản lý khoảng 14% (1,95 triệu ha) tổng diện tích đất lâm nghiệp, trong đó 25% diện tích là rừng trồng, chiếm 15% tổng diện tích rừng trồng sản xuất trên phạm vi toàn quốc. Phần còn lại của diện tích rừng trồng được quản lý bởi các hộ gia đình (chiếm 46%), ban quản lý rừng (chiếm 17%), cộng đồng địa phương (chiếm 12%), công ty tư nhân (chiếm 4%) và chủ quản lý khác (chiếm 6%).

Khảo sát nghiên cứu hiện trường rừng trồng tại Cty Bến Hải, Quảng Trị

Tuy nhiên, phần lớn các diện tích rừng trồng keo lai này chủ yếu là kinh doanh gỗ nhỏ như dăm gỗ, bột giấy với các biện pháp kỹ thuật trồng mật độ dày 1.660 - 2.500 cây/ha, thậm chí có nơi còn trồng tới 4.000 cây/ha và chu kỳ kinh doanh ngắn 4 - 5 năm.

Dự án ACIAR về “Hoàn thiện chính sách rừng trồng để cân bằng nhu cầu giữa chủ rừng quy mô nhỏ, công nghiệp chế biến gỗ và môi trường ở Lào và Việt Nam” do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện đã tiến hành nghiên cứu phân tích và so sánh hiệu quả kinh tế của 3 phương án kinh doanh rừng trồng keo lai với các chu kỳ khác nhau: 5 năm, 6 năm và 10 năm để tìm ra mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Dự án đã sử dụng số liệu của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải, Quảng Trị, đơn vị đang quản lý 5.730ha rừng trồng, trong đó có khoảng 75,7% diện tích rừng trồng keo lai (tương đương 4.335ha) với các mật độ và chu kỳ kinh doanh khác nhau.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Rừng trồng chu kỳ 5 năm cho năng suất 100 tấn gỗ nguyên liệu chế biến gỗ dăm, trong khi chu kỳ 6 năm cho năng suất 96 tấn gỗ dăm và 20,8m3 gỗ xẻ. Cả 2 loại gỗ được bán cho các cơ sở chế biến dăm và gỗ xẻ ở địa phương với giá bán 44,7 USD/tấn gỗ nguyên liệu dăm (tương đương 1.000.000 đ/tấn); và 67,1 USD/m3 gỗ xẻ.

Rừng trồng chu kỳ 10 năm cho năng suất 107,8 tấn gỗ nguyên liệu dăm (trong đó 25 tấn từ tỉa thưa + 82,8 tấn từ khai thác chính) và 108m3 gỗ xẻ. Giá bán gỗ nguyên liệu dăm đối với rừng trồng chu kỳ 10 năm là tương đương với các chu kỳ ngắn hơn nhưng với gỗ có đường kính lớn, giá bán gỗ nguyên liệu xẻ với chu kỳ trồng rừng 10 năm là 80,5 USD/m3.

Các giá trị được tính toán cho tất cả các chỉ số tài chính (giá trị hiện tại ròng NPV; Tỉ lệ thu nhập so với chi phí BCR; Tỉ lệ hoàn vốn nội bộ IRR) chỉ ra rằng cả 3 mô hình trồng rừng đều mang lại hiệu quả kinh tế, trong đó rừng trồng chu kỳ 10 năm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Tại mức chiết khấu 7%, giá trị hiện tại ròng (NPV) tăng tương ứng 1,57 lần nếu chu kỳ trồng rừng kéo dài thêm 01 năm và 4,24 lần nếu chu kỳ tăng kéo dài thêm 5 năm. Kết quả phân tích độ nhạy về giá cả và năng suất cho thấy, tại mức chiết khấu 7%, nếu giá của sản phẩm giảm 20%, NPV của rừng trồng với chu kỳ 5 năm, 6 năm và 10 năm có thể giảm tương ứng là 59,5%, 45,1% và 27,7%.

 

Tương tự, tại tỉ lệ chiết khấu 7%, nếu năng suất của gỗ nguyên liệu dăm và gỗ xẻ giảm đi 10%, NPV của rừng trồng chu kỳ 5 năm, 6 năm và 10 năm có thể giảm đi tương ứng là 29,8%, 22,6% và 13,9%. Như vậy, mô hình trồng rừng keo lai với chu kỳ dài có khả năng chống chịu được những “cú sốc” tiêu cực của thị trường tốt hơn rừng trồng chu kỳ ngắn.

Mặc dù có thu nhập hấp dẫn từ trồng rừng chu kỳ dài và nhiều lợi ích khác, nhưng các chủ rừng không muốn thay đổi mục tiêu kinh doanh rừng trồng chu kỳ ngắn. Nguyên nhân chủ yếu do rừng trồng là nguồn sinh kế chính của nông hộ, diện tích rừng trồng lại nhỏ nên người dân cần nguồn thu nhập nhanh. Bên cạnh đó, trồng rừng chu kỳ ngắn là giảm thiểu rủi ro từ bão lũ, sâu bệnh và cháy rừng.

Để khuyến khích trồng rừng chu kỳ dài, có thể cần xem xét lựa chọn một số phương án, bao gồm phát triển các điểm trình diễn trồng rừng gỗ lớn. Thúc đẩy các phương án quản lý rừng trồng nhằm mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm gỗ nguyên liệu, cụ thể là xây dựng phương án kinh doanh rừng trồng đồng thời sản xuất gỗ nguyên liệu cho chế biến đồ gỗ và dăm mảnh xuất khẩu.

Cung cấp các sản phẩm bảo hiểm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ, sâu bệnh và cháy rừng. Xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các bên (đặc biệt liên kết ngang giữa các hộ gia đình) tham gia chuỗi giá trị của ngành hàng gỗ rừng trồng.

Ngoài ra, nên tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường thứ cấp, nơi mà ngành công nghiệp đồ gỗ, hoặc chính phủ đứng ra mua cây đứng cho người trồng ở chu kỳ kinh doanh năm thứ 5, để họ tiếp tục duy trì sự phát triển của rừng.

NHÓM CHUYÊN GIA VAFS, USQ VÀ IPSARD/nongnghiep.vn