Có nghề trong tay, hết phải vào rừng mò cua, bắt ốc...
- Thứ ba - 24/07/2018 11:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Học nghề để thoát nghèo
Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cần Giờ đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, đào tạo cho hội viên, phụ nữ tại địa phương các kỹ năng căn bản về nghề may, kỹ thuật làm bánh, kinh doanh… Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (ấp An Phước, xã Tam Thôn Hiệp) - một trường hợp được hỗ trợ học nghề làm dép cho biết, nhờ có nghề này, hơn một năm nay, chị được nhận vào xưởng làm dép, thu nhập mỗi ngày 100.000 đồng trang trải cuộc sống gia đình.
Đào tạo nghề đầu bếp cho nông dân làm du lịch sinh thái ở Củ Chi. Ảnh: T.Đ
Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Trần Ngọc Hổ cho biết, thành phố đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, mà còn giúp tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng chất NTM. |
Hiện chị có 3 con, trong đó 2 cháu bị chậm phát triển. Trước đây, để có bữa ăn cho gia đình, chị phải đi rừng mò cua, bắt ốc, đào chem chép. Chị mong mỏi có một nghề gì đó ổn định hơn để cải thiện cuộc sống... Sau đó, chị được chính quyền hỗ trợ đào tạo nghề.
Cũng như chị Hồng, chị Nguyễn Thị Phượng (ngụ ấp An Phước) sau khi được hỗ trợ nghề cũng xin vào xưởng làm công. “Mỗi ngày, tôi và mấy chị em hàng xóm cùng ngồi dán đế giày, mỗi người được từ 60.000 – 100.000 đồng” - chị thổ lộ.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cần Giờ, Hội đang vận động hội viên, phụ nữ chuẩn bị kiến thức, nghề nghiệp để dễ dàng hội nhập khi điều kiện sống ở nông thôn ngày một thay đổi. Hội đã chuẩn bị kế hoạch dài hơi hơn cho những chương trình đào tạo nghề, không chỉ mở các lớp nghề sơ cấp mà cả những lớp nâng cao.
Trong khi đó tại huyện Nhà Bè, cách đây 2 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Bảy (xã Phước Kiển) có ba sào đất nhưng bị thu hồi để thành lập khu công nghiệp. Vợ chồng chị bao năm làm nông nay không còn ruộng, thành người thất nghiệp. Hội Nông dân huyện đã tạo điều kiện để chị tham gia lớp học may miễn phí tại trung tâm dạy nghề của huyện trong thời gian 3 tháng. Sau đó, Hội giúp chị vay vốn mua máy may, giới thiệu các mối nhận hàng may gia công. “Từ 1 máy, giờ tôi đã có 5 máy. Nghề may cho tôi thu nhập ổn định hơn chục triệu đồng/tháng” - chị Bảy hồ hởi. Ðây là một trong hàng ngàn trường hợp được huyện Nhà Bè dạy nghề, tạo việc làm trong thời gian gần đây.
Sẵn sàng hỗ trợ
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 53.360 lượt lao động nông thôn; trong đó số lao động có việc làm mới và tiếp tục làm nghề cũ đạt trên 80%. Ðối tượng được hỗ trợ học nghề là lao động nông thôn các huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và một số phường còn lao động nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên người lao động thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp… Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 85% trên tổng số lao động đang làm việc.
Theo Chi cục PTNT TP.HCM, riêng với lao động lĩnh vực nông thôn, ngành nông nghiệp thành phố có đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu đào tạo về phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM. Cụ thể, thành phố đã có sẵn các trung tâm khuyến nông, công nghệ sinh học, dạy nghề của Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Chi cục Bảo vệ thực vật hay Trung tâm Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân thành phố… Ngoài ra, còn có Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp, nơi đào tạo dài hạn chuyên sâu hơn.
Theo Dân Việt