Có thực mới vực được... phong trào

Có thực mới vực được... phong trào
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành “thương hiệu” của Hội Nông dân Việt Nam (NDVN). Tuy nhiên, để phong trào ở một số địa phương phát triển, đi vào thực chất, đòi hỏi đội ngũ cán bộ hội phải có năng lực, lòng nhiệt tình và trách nhiệm.

Đề án hỗ trợ lãi suất giúp ND mua máy nông nghiệp do Hội ND tỉnh Hải Dương chủ trì thực hiện đã giúp nhiều hộ ND vươn lên khá giả

Phát hiện nhân tố mới, điển hình mới

Phong trào “ND sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (viết tắt là phong trào) được T.Ư Hội NDVN phát động từ năm 1989. Ngay sau khi phát động, phong trào đã nhận được sự quan tâm, nhất trí của các cấp ủy Đảng, chính quyền và lôi cuốn được hàng trăm ngàn hội viên, ND cả nước đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “ND sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, điển hình mới, kinh nghiệm tốt, cách làm sáng tạo là cán bộ, hội viên, ND.

Đối với Hội NDVN, phong trào đã trở thành “thương hiệu”. Có được kết quả này, các cấp Hội ND cả nước đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tăng cường các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho hội viên, ND; tranh thủ, huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ, động viên, cổ vũ phong trào… Kết quả của phong trào không tự dưng mà có sự tác động, tương hỗ từ hiệu quả của các hoạt động, nỗ lực công tác ở nhiều lĩnh vực khác của Hội ND, trong đó có hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề; công tác tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng chính sách cho ND. Nhiều hộ nhờ được hỗ trợ về vốn, tư vấn, hướng dẫn, dạy nghề, được mua vật tư nông nghiệp chậm trả do Hội ND tổ chức mà đã thoát nghèo vươn lên khá, giàu. Chính vì vậy, nhiều người mới nói vui mà thật: “Có thực mới vực được… phong trào”.

Cán bộ nào, phong trào đó

 Kết quả phong trào có chất lượng tốt không đến từ những đơn vị, địa phương có kết quả công tác hội nghèo nàn, sơ sài. Cốt yếu ở đây là do năng lực cán bộ còn hạn chế và hoạt động hội chung chung, hành chính hóa. Cán bộ yếu, chưa chủ động, mạnh dạn thì sẽ khó làm tốt vai trò tham mưu đối với cấp ủy, phối hợp với chính quyền trong đề xuất, tham gia xây dựng, triển khai, giám sát nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, ND, nông thôn.

Để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang có bước chuyển mạnh mẽ, có sự tác động không nhỏ từ xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống tổ chức Hội ND các cấp rất cần được củng cố, trong đó bố trí, sắp xếp những cán bộ có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm cao, năng động trong công tác. Thực tiễn công tác hội nhiều năm gần đây cho thấy, các cấp hội ngày càng tranh thủ, huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ cho mục đích nâng cao chất lượng các phong trào thi đua. Đó là việc phối hợp rộng rãi với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ hội viên, ND về vốn, giống, vật tư, máy móc nông nghiệp; chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất... Và nếu cán bộ yếu, kém nhiệt tình không thể đáp ứng được một môi trường quan hệ năng động như vậy. 

 Năm 2014, cả nước đã có hơn 4,2 triệu hộ hội viên, ND đạt danh hiệu “ND sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước có hơn 6 triệu hộ hội viên, ND đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu này.

 
Nguồn: danviet