“Cởi trói” hạn điền - bệ phóng thúc đẩy sản xuất lớn
- Thứ tư - 15/03/2017 03:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bài 1: Đòi hỏi cấp bách của cuộc sống
“Đèn xanh” đã bật
Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ban hành ngày 7.3.2017, Chính phủ đã giao Bộ NNPTNT, Bộ TNMT, Bộ Tư pháp phối hợp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai nhằm tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III.2017. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao…
Góp đất liên kết sản xuất lúa giống tại huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang mang lại hiệu quả cao.
Ảnh: Việt Tùng
Trao đổi với phóng viên NTNN, các chuyên gia cho rằng nội dung của Nghị quyết số 30 có ý nghĩa quan trọng, “bật đèn xanh” cho quá trình tích tụ ruộng đất, giúp bà con nông dân, doanh nghiệp (DN) PGS - TS Vũ Trọng Khải – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II cho rằng, đáng ra Nhà nước, Chính phủ phải nghiên cứu việc bỏ hạn điền từ lâu mới đúng. Theo đó, cần thừa nhận quyền sử dụng ruộng đất là quyền tài sản, để hình thành thị trường đất đai đúng nghĩa.
Ông Khải nói: “Lâu nay chúng ta có quy định về hạn điền, nhưng thực tế điều này đang kìm hãm sản xuất. Luật Đất đai cũng có quy định mâu thuẫn là với hộ nông dân thì bị hạn điền, nhưng với DN lại không giới hạn. Do đó người ta vẫn có cách sở hữu đất lớn hơn mức quy định. Ví dụ như ông Sáu Đức ở Thoại Sơn (An Giang), cách đây mấy năm đã tích tụ được 70ha đất, nhưng đều phải nhờ bà con, họ hàng đứng tên. Sau đó ông ấy lập công ty, dùng pháp nhân của công ty thu gom nên đến nay đã đứng tên được trên 150ha”.
Nông dân phường Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) làm giàn cho cây dưa leo. Ảnh: M.H
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị sửa Điều 129 (Luật Đất đai), nới chính sách hạn điền để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng cho rằng, Điều 129 quy định giới hạn hạn điền với sản xuất cây trồng ngắn ngày là 2-3ha, tuy nhiên hiện nay, tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ dân muốn kinh doanh, làm nông nghiệp quy mô lớn đều rất mong sửa quy định này.
Hiện nay, bà Mai Thị Nhung dành ra hơn 100 mẫu để cấy lúa, 3 mẫu trồng cây dược liệu, 2 mẫu đào ao thả cá, nuôi vịt, tạo việc làm cho 40 công nhân. Nhờ cánh đồng liền một dải nên chi phí đầu tư giảm hơn nhiều so với sản xuất trên các thửa nhỏ lẻ, tổng doanh thu hàng năm của gia đình đạt trên 2 tỷ đồng. |
“Qua thực tiễn sản xuất, chúng ta thấy không có gì đáng lo khi mở rộng tích tụ ruộng đất. Đi kiểm tra thì không thấy ai tích tụ quá nhiều bởi DN, người nông dân đều phải tính đến việc quản trị sao cho phù hợp với trình độ. Trước giờ chúng ta cứ sợ người nông dân mất ruộng thì không có việc làm nhưng đã đến lúc triển khai mô hình 1ha có 4-6 công nhân nông nghiệp, thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng, tùy từng vùng” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Tích tụ ruộng đất, thu nhập tăng gấp đôi
Trong buổi làm việc với Ban Kinh tế T.Ư mới đây, ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong những năm qua việc tích tụ đất đai trên địa bàn được thực hiện với từng bước đi, hình thức phù hợp, chủ yếu là giao quyền sử dụng đất, chuyển nhượng đất, thuê đất, góp đất. Các mô hình tích tụ ruộng đất chủ yếu là trang trại, hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ hợp tác. Cụ thể, hiện nay Đồng Nai có trên 3.000 trang trại với diện tích đất sử dụng trên 10.000ha, bình quân 1 trang trại sử dụng 3,2ha; có 104 HTX nông nghiệp với trên 1.900 thành viên, tổng diện tích đất là hơn 3.100ha, bình quân 1 HTX có 11ha đất. Nhờ có diện tích sản xuất lớn, thu nhập của các trang trại, tổ sản xuất, câu lạc bộ, HTX đều tăng hơn so với trước.
Tại miền Bắc, một trong những điển hình về tích tụ ruộng đất hiệu quả là bà Mai Thị Nhung ở xã Xuân Kiên, Xuân Trường (Nam Định). Năm 2014, Công ty TNHH Đình Mộc do vợ chồng bà Nhung làm chủ đã thuê gom tích tụ 120 mẫu ruộng của 1.700 hộ dân 2 xã Xuân Bắc và Xuân Vinh để xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Bà Nhung cho biết: “Để có 120 mẫu ruộng, tôi đã phải làm việc với 1.700 hộ dân của 2 xã Xuân Bắc, Xuân Vinh. Điều này cho thấy, ruộng đất hiện nay rất phân tán, manh mún”.
Về hình thức thuê đất, bà Nhung cho biết trên cơ sở thống nhất chủ trương chung, các hộ dân đồng ý cho thuê đất phải ký tên vào biên bản cuộc họp do thôn tổ chức. Theo đó, UBND xã đứng ra với tư cách bảo lãnh trung gian cho hai bên doanh nghiệp và hộ dân. Theo thỏa thuận, thời hạn thuê đất là 10 năm với giá 50kg thóc/sào/vụ. Làm việc bài bản và chặt chẽ nên chỉ trong 1 tháng, bà Nhung đã hoàn tất các thủ tục thuê ruộng đất, sau đó mạnh tay đầu tư 2 máy cày, 1 máy cấy, 1 máy gặt, 2 máy múc rồi đắp đường bê tông chạy qua cánh đồng để thuận tiện cho máy móc ra vào, vận chuyển…
Nông dân phường Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) thu hoạch đỗ. Ảnh: Minh Huệ
Tại huyện Kiến Xương (Thái Bình), chỉ cách đây 2 vụ lúa, trên diện tích 11ha đất nông nghiệp vùng trũng thấp của xã Thanh Tân vẫn có tới hàng trăm hộ cùng sở hữu. Mỗi nhà có vài ba sào ruộng nhỏ lẻ, sản xuất hiệu quả thấp. Tuy nhiên, từ khi bà con đồng ý cho Công ty TNHH Hưng Cúc thuê lại đất với giá bình quân 70kg thóc/sào/năm, người dân đương nhiên có 2 khoản thu nhập từ mảnh ruộng cũ. Ông Bùi Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: “Nông dân cho Công ty Hưng Cúc về thuê ruộng, ngoài khoản tiền công ty trả từ việc thuê ruộng, bà con còn có công ăn việc làm ổn định khi được chính DN thuê làm việc và vẫn trực tiếp sản xuất trên thửa ruộng của mình”.
Theo đó, với phương thức thuê lại ruộng của nông dân 20 năm, sau ký hợp đồng trả kinh phí lần 1 của 5 năm đầu, sau đó trả 5 năm/lần, nếu thuận lợi bà con có ruộng cho thuê sẽ thu lợi nhuận 20,2 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với nông dân cấy nhỏ lẻ xung quanh khoảng 7 triệu đồng/ha.