Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 11 Luật
- Thứ hai - 16/12/2019 04:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung công bố Lệnh của Chủ tịch nước tại họp báo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Bộ luật Lao động (2019) có 17 chương với 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng; sẽ có khoảng 14 Nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 7 thông tư của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật này.
Bộ luật có 3 nội dung sửa đổi, bổ sung lớn là: Bộ luật đã mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động. Sửa đổi các quy định phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Bộ luật đã bảo đảm phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.
Luật Thư viện được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam; khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Luật có 6 chương với 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật đã sửa đổi, bổ sung 5/50 điều của Luật Tổ chức Chính phủ về thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ…; sửa đổi, bổ sung 38/143 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân cấp, phân quyền, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức Hội đồng nhân dân; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương;…
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 8 chương với 52 điều. Luật được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân; quy định đẩy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điểm mới của Luật về giấy tờ xuất nhập cảnh là Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại là gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử. Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm, có loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử.
Luật Dân quân tự vệ (2019) gồm 8 chương với 50 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dân quân tự vệ. Luật đã thể chế hóa đường lối, quan điểm mới của Đảng liên quan đến dân quân tự vệ, đồng thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trong đó đã tiến hành sửa đổi, bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức liên quan đến chính sách, đãi ngộ, tuyển dụng công chức; ngạch công chức; xếp loại cán bộ, công chức;… và sửa đổi, bổ sung 15/62 điều của Luật Viên chức liên quan đến đánh giá viên chức; ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức;…
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2020 đã sửa đổi, bổ sung 2 điều trên tổng số 76 điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, không để khoảng trống pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức, cá nhân;…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước vừa được Quốc hội thông qua gồm 3 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; việc truy cập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán; kiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.
Luật Lực lượng dự bị động viên (có 5 chương với 41 điều) được ban hành nhằm tạo khung hành lang pháp lý về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Luật sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Luật Chứng khoán (2019) được Quốc hội thông qua gồm 10 chương với 135 điều đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát toàn diện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán và quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán;…
Nguyễn Hoàng/ Chinhphu.vn