Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn: Gắn kết với người dân vùng nguyên liệu
- Thứ sáu - 01/09/2017 00:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường
Công ty TNHH Chế biến nông sản Hoa Sơn đã quy hoạch vùng sắn nguyên liệu đạt gần 2.800/3.350 ha sắn theo quy hoạch, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Anh Sơn, Con Cuông. Nhờ phát triển tốt vùng nguyên liệu, đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại, năm 2016, công ty tiêu thụ trên 110.000 tấn sắn củ tươi, công suất đạt 570 tấn củ /ngày (tương đương 150 tấn tinh bột/ngày), sản xuất đạt 30.000 tấn tinh bột xuất khẩu, doanh thu trên 200 tỷ đồng, nộp ngân sách 15 tỷ đồng. Nhà máy tạo việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/năm.
Lãnh đạo công ty kiểm tra vùng nguyên liệu sắn. Ảnh: Mai Sơn |
Quá trình hoạt động, lãnh đạo công ty chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xem đây là yếu tố quyết định đến thành công trong sản xuất, kinh doanh. Công ty trích kinh phí trên 100 tỷ đồng ứng dụng dây chuyền xử lý nước thải và môi trường công nghệ hiện đại nhập khẩu từ châu Âu. Với công suất 2.400 m3/ngày, đêm, hệ thống giúp thu hồi khí Biogas từ nước sản xuất và nước sinh hoạt. Dây chuyền liên hoàn này bao gồm hệ thống máy móc khép kín, tự động gồm hầm bể Biogas, vách ngăn lý hóa, bể lắng giúp xử lý nước thải đạt quy chuẩn A, hệ thống lọc than hoạt tính, bồn pha hóa chất, hệ thống hồ nước sục khí. Nhờ hệ thống khép kín này, 30% nước thải sẽ được tái sản xuất cho nhà máy, 70% còn lại phục vụ tưới cho cây trồng nông nghiệp trong vùng nguyên liệu.
Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu bền vững
Xác định rõ vùng nguyên liệu là sự sống còn của nhà máy, công ty đã chủ động đề ra hệ thống cơ chế về chính sách thu mua, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo chiều sâu. Theo đó, giống sắn, phương thức canh tác và thu mua đều được ứng dụng cơ chế mới. Cụ thể như, các đối tượng được đầu tư trong vùng quy hoạch là hộ gia đình có diện tích từ 1 ha trở lên, liền khoảnh; tập thể thôn, xóm có diện tích từ 5 ha trở lên và ngoài vùng quy hoạch là những hộ gia đình có diện tích từ 2 ha trở lên, tập thể thôn, xóm có diện tích từ 7 ha trở lên thì công ty đầu tư theo yêu cầu, bao gồm các loại phân N-P-K : 6-4-8, cây giống… Còn hợp tác đầu tư 20 ha liền khoảnh trở lên công ty đầu tư toàn bộ, sau khi thu hoạch trừ các chi phí đầu tư, lợi nhuận sẽ chia theo tỷ lệ 6:4. Định mức đầu tư phân là 800kg/ha, giống sắn KM94 là 100 bó/ha. Quá trình đó cũng cam kết nếu tập thể, hộ gia đình vi phạm chính sách, buộc phải bồi hoàn kinh phí đầu tư cộng thêm lãi suất 1,5/tháng theo thời gian nhận đầu tư.
Mô hình trồng sắn nguyên liệu phục vụ nhà máy của hộ dân ở bản Bắc Sơn, xã Môn Sơn (Con Cuông) cho thu nhập khá. Ảnh: Mai Sơn |
Mới đây, Tổng Giám đốc công ty ban hành cơ chế các loại chi phí về thu mua, vận chuyển và nhập sản phẩm sắn củ về nhà máy. Cụ thể, hỗ trợ chi phí thu mua 50.000 đồng/tấn, chi phí bốc sắn lên xe 50.000 đồng/tấn. Đối với các hợp đồng nhận đầu tư của nhà máy, chi phí tổ chức thu mua 100.000 đồng /tấn, chi phí bốc sắn lên xe 50.000 đồng/tấn. Đối với các đối tượng bán trực tiếp và có ký hợp đồng bao tiêu với công ty sẽ được thanh toán trực tiếp sau khi giao hàng theo giá hiện hành tại nhà máy.
Giá sắn được công khai với người dân đầu vụ thu hoạch và từng thời điểm theo quy định. Trên cơ sở đó, công ty đã ban hành Quyết định số 06/TB-TBS (năm 2017) cam kết giá sắn thu mua cho bà con theo hợp đồng tại ruộng. Hiện, Nhà máy có thông báo đến UBND các xã trong vùng quy hoạch và bà con trồng sắn, giá thu mua sắn củ tươi tối thiểu tại ruộng trong vụ sản xuất 2017 - 2018 là 1.350 đồng/kg đối với sắn cao sản KM94 (cả năm) và áp dụng thông báo giá bán tại nhà máy đối với các loại sắn khác. Với công suất lớn, Nhà máy đang thiếu nguyên liệu cho sản xuất, bởi vậy việc bà con trồng sắn có thể gắn bó và thủy chung với vùng nguyên liệu. Theo đó, hình thức hợp đồng thời vụ xuống tận thôn bản, từng hộ sẽ mang lại lợi ích kép trong sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Với những nỗ lực và sự đầu tư mới, niên vụ sản xuất 2017- 2018, công ty phấn đấu đạt mục tiêu thu mua 120.000 tấn củ sắn tươi/ngày, sản xuất 35.000 tấn tinh bột sắn xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, Hàn Quốc... Dự tính, công ty đóng ngân sách nhà nước 15 - 20 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn trên địa bàn và vùng phụ cận. Thời gian tới, lãnh đạo công ty ban hành một số chính sách đầu tư thiết thực và có trọng điểm vào vùng nguyên liệu. Cụ thể: Hỗ trợ bà con 100% cây giống, cho vay phân bón không lãi suất, cam kết giá thu mua nguyên liệu cho toàn vùng sắn nguyên liệu theo cam kết. Bên cạnh đó, cùng xã, huyện khắc phục, đầu tư giao thông vùng nguyên liệu để thuận tiện cho công tác trồng, vận chuyển nguyên liệu.
Để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, kinh doanh, việc thống nhất vùng quy hoạch rõ ràng về các vùng đất luân canh theo hướng có lợi (sắn, mía) là rất cần thiết. Bởi nếu canh tác tập trung, thâm canh tốt sẽ đảm bảo diện tích, năng suất, nguyên liệu ổn định cho nhà máy và lâu dài không ảnh hưởng đến chất đất. Bởi vậy, công ty đang phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và người trồng sắn, từng bước hoàn thiện quy hoạch, quy trình sản xuất và các cơ chế, chính sách liên quan để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.